Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Phòng chống bệnh mùa mưa cho trẻ

BS. Kim Phúc Thành 

Khoa Nội tổng quát – Bệnh viện quận Thủ Đức, TPHCM-

TPHCM đang trong thời điểm mưa nhiều, ban ngày nắng nóng. Số lượng bệnh nhân nhập viện tại các bệnh viện nhi tăng vọt do khí hậu thay đổi, nhất là trẻ em và những người cao tuổi có bệnh mạn tính. Các bệnh tiêu chảy, cảm cúm, sốt và viêm đường hô hấp… là những bệnh thường gặp ở trẻ khi thời tiết giao mùa.

hình-minh-họa

Bệnh tiêu chảy

Trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy vào mùa thu và mùa đông. Bệnh này do vi-rút Rota gây ra, với thời gian ủ bệnh thường từ 1-3 ngày.

Ban đầu, trẻ có thể có triệu chứng cảm lạnh, và một số dấu hiệu của nhiễm trùng đường hô hấp, như sổ mũi, sốt. Một số trẻ có thể còn xuất hiện tình trạng nôn mửa, kèm với đau bụng. Sau từ 12-24 giờ, trẻ sẽ đi ngoài liên tục, có thể lên đến hàng chục lần mỗi ngày và phân có mùi tanh.

Khi thấy con có những triệu chứng trên, cha mẹ không nên vội vàng tự ý cho trẻ dùng kháng sinh vì việc này không những không hiệu quả mà còn gây rối loạn đường ruột, khiến bệnh trầm trọng hơn.

Tốt nhất, cha mẹ chỉ nên cho trẻ uống nước đường để chống hạ đường huyết và mất nước trong cơ thể. Tuy nhiên, khi bù nước cho trẻ, cha mẹ chỉ nên cho trẻ uống từ 10-20 ml/lần, thời gian uống cách nhau 6-8 phút. Ngoài ra, trẻ nên được cho ăn từng ít một, chia thành nhiều bữa nhỏ, để cơ thể trẻ không bị mệt mỏi.

Vi-rút Rota thường lây lan qua đường miệng, và hô hấp. Do đó, để phòng tránh, cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và không để trẻ tiếp xúc với những trẻ đang mắc bệnh.

 

Viêm đường hô hấp (VĐHH)

Nhiễm khuẩn hô hấp trên bao gồm các trường hợp viêm mũi – họng, VA, viêm Amydal, viêm tai giữa, ho và cảm lạnh. VĐHH trên thường gặp ở trẻ và diễn biến nhẹ. VĐHH dưới ít gặp hơn, nhưng thường diễn biến nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.

Những vi-rút thường gặp gây VĐHH ở trẻ em gồm vi-rút hợp bào hô hấp (RSV), vi-rút cúm, vi-rút sởi, Adenovirus (còn gọi là vi-rút hạch), Rhinovirus, Enterovirus, Cornavirus.

Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, căn nguyên nhiễm khuẩn vẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là Hemophilus influenzae, liên cầu, tụ cầu, Bordetella, Klebsiella pneumoniae, Chlamydia trachomatis…

Trong đó, đối với viêm đường hô hấp trên, bệnh này được chia làm hai loại, gồm cấp tính và mạn tính.

Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính sẽ diễn biến trong vòng vài ba ngày với dấu hiệu sốt cao, hoặc vừa ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, mất giọng. Trẻ em dưới 1 tuổi đôi khi nôn nhiều, quấy khóc. Khi khám họng sẽ thấy niêm mạc họng đỏ rực, sau đó các dấu hiệu trên mất đi. Khi bị bội nhiễm các vi khuẩn trên, bệnh sẽ diễn biến nặng lên, trẻ hay bị viêm phế quản, viêm phổi.

Khi bị VĐHH cấp tính nhưng không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ chuyển thành mạn tính. Triệu chứng của VĐHH mạn tính là ho, rát họng, nuốt thấy vướng như có vật gì nằm trong họng; đặc biệt, trẻ em sẽ bị chảy nước mũi thường xuyên.

Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do nhiễm vi khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) thì chất nhày chảy ra ở mũi thường có màu xanh. Ngoài chảy nước mũi, trẻ thường phải thở bằng miệng khi ngủ.

Nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính dễ dẫn đến biến chứng viêm tai giữa cấp – nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây thủng màng nhĩ, giảm thính lực, hoặc nặng có thể gây biến chứng nội sọ do viêm tai.

Đối với viêm đường hô hấp dưới, viêm phế quản phổi là tổn thương viêm cấp tính lan tỏa cả phế nang, mô kẽ lẫn phế quản, khởi đầu thường do các tác nhân vi-rút, sau đó bội nhiễm vi khuẩn hoặc do cả hai.

Bệnh nhân có tiền sử nhiễm khuẩn nhẹ đường hô hấp trên như ho, sổ mũi, rất dễ bị viêm phế quản phổi.

Trẻ viêm phế quản phổi ở giai đoạn khởi phát chỉ bị sốt nhẹ, người mệt mỏi, quấy khóc, ăn kém. Ở giai đoạn toàn phát, trẻ sốt cao hoặc có thể bị hạ nhiệt độ, ho khan, chảy nước mũi và bắt đầu xuất hiện đờm. Lúc này, trẻ thấy khó thở, cánh mũi phập phồng, thở nhanh. Đối với trẻ sơ sinh, trẻ đang còn bú có những triệu chứng và dấu hiệu như chướng bụng, da xanh tím, giảm trương lực cơ.

 

Xử trí thế nào khi trẻ bị VĐHH?

Không phải bất cứ trường hợp VĐHH nào cũng được chỉ định dùng thuốc kháng sinh hay cho nhập viện điều trị nội trú. Điều quan trọng là phải xác định xem trẻ có bị viêm phổi hay không. Nếu trẻ chỉ ho, chảy mũi, không thở nhanh, không rút lõm lồng ngực, không có các dấu hiệu nặng khác như co giật, li bì, bỏ bú,… thì được nhận định là không viêm phổi.

Khi ấy, người lớn có thể cho trẻ dùng các loại thuốc ho an toàn như hoa hồng bạch hấp đường phèn, lá húng chanh hấp mật ong,… và dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt cao.

Đối với các trường hợp nhiễm khuẩn mức độ vừa. Tức là, trẻ có dấu hiệu thở nhanh nhưng chưa có các dấu hiệu nặng và biến chứng. Khi ấy, trẻ có thể được cho sử dụng thuốc kháng sinh, nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đối với trường hợp nặng, trẻ cần được cấp cứu nếu có các dấu hiệu như rút lõm lồng ngực, thở rít hay có các dấu hiệu nặng kèm theo như li bì, co giật, bỏ bú….

 

Cách phòng tránh VĐHH

Để phòng tránh bệnh VĐHH ở trẻ, cha mẹ cần giúp trẻ giữa ấm cơ thể. Khi đi ra ngoài, trẻ cần được mặc quần áo dài tay, đội mũ nón,… Ngoài ra, nếu thời tiết quá lạnh, cha mẹ cần trang bị áo ấm, khăn quàng cổ, khẩu trang cho trẻ, và hạn chế đưa trẻ ra ngoài khi không cần thiết.

Có thể tăng sức đề kháng cho trẻ bằng nhiều biện pháp như cho trẻ uống thuốc bổ, vitamin cần thiết ngăn ngừa cảm cúm, tiêm phòng bệnh cúm cho trẻ, cung cấp nhiều chất kháng thể qua các loại nước ép trái cây như cam, bưởi, dưa hấu… Ngoài ra, trẻ cần ăn những món tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh như cá, rau quả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: sẽ đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm metro...

0
(SGTT) - Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, để dọn mặt bằng làm tuyến metro số 2, hơn 400 cây xanh...

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa...

0
(SGTT) - Khi đi vào hoạt động, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút...

Buýt vi vu: Tìm về 4 hội quán của người Hoa...

0
(SGTT) - Vi vu cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể khám phá các hội quán của người Hoa ở quận 5...

Người dân đổ về trung tâm TPHCM vui chơi dịp giỗ...

0
(SGTT) - Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người TPHCM đã tìm về các địa điểm ở trung tâm thành phố để vui chơi,...

Còn khoảng 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được...

0
(SGTT) -  Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2024, cả nước còn khoảng 32.000 tỉ đồng...

Kết nối