Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024

Phòng bệnh cảm, cúm khi giao mùa

(SGTTO) – Tết là dịp để vui chơi, giải trí và du lịch, cũng là lúc mà người thân thường họp mặt, quây quần cùng nhau, nhưng Tết cũng là thời khắc giao mùa, thời tiết thay đổi. Thêm vào đó, mọi người phải di chuyển đến nhiều vùng có nhiệt độ, khí hậu khác nhau làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp mà thường gặp nhất là cảm, cúm.

Khi bị cảm cúm, việc đầu tiên là phải đep khẩu trang để ngừa lây bệnh. Ảnh T.T

Sài Gòn Tiếp Thị Online đã có cuộc trao đổi với BS CKI. Nguyễn Viết Hậu – Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM về nguy cơ nhiễm cúm vào thời điểm mùa xuân này.

Thưa bác sĩ, vì sao vào mùa đông, xuân bệnh cảm, cúm thường phát triển, dễ truyền nhiễm và lây lan mạnh hơn? Làm thế nào để phân biệt giữa bị cảm và bị cúm?

BS CKI. Nguyễn Viết Hậu: Một số người thường gọi bệnh cảm và cúm là một bệnh. Sự nhầm lẫn này là do các triệu chứng bệnh thường giống nhau, thường thì người bệnh tự điều trị theo kinh nghiệm của mỗi người, mỗi nhà mà ít khi phải tìm đến bệnh viện.

Cúm do các chủng virus cúm gây ra, không những tổn thương đường hô hấp trên mà có thể gây viêm phế quản cấp thậm chí viêm phổi nặng đe dọa tính mạng. Trong khi cảm cũng do các virus gây ra nhưng chỉ khu trú tổn thương đường hô hấp trên, rất hiếm gây các tình trạng nặng đe dọa tính mạng và thường tự khỏi trong một tuần.

Các triệu chứng của cảm thường bắt đầu bằng đau rát vùng cổ họng, chảy mũi nước, hắt xì hơi, chảy nước mắt, kèm ho, thường sốt rất nhẹ, không quá 38 độ C, trong khi trẻ nhỏ thường có khuynh hướng sốt cao. Các triệu chứng này thông thường mất đi sau 3 ngày, những trường hợp kéo dài hơn có thể bội nhiễm vi trùng hay một bệnh lý khác đặt biệt nếu kéo dài hơn 7 ngày. Đôi khi các triệu chứng này bị nhầm lẫn với viêm xoang, viêm mũi dị ứng, nhưng nếu chú ý cũng dễ phân biệt là do tính chất cấp tính của bệnh cảm, triệu chứng thuyên giảm nhanh chóng trong khi viêm xoang và viêm mũi dị ứng là các bệnh mãn tính kéo dài, không dễ thuyên giảm hay dứt hẳn trong vài tuần.

Triệu chứng cúm tương tự như cảm nhưng trầm trọng hơn rất nhiều và diễn biến rất nhanh, đi kèm sốt là tình trạng đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân, các virus cúm liên quan đến nguồn gốc gia cầm còn có triệu chứng nôn ói và tiêu chảy nhiều lần, đau đầu dữ dội… Cúm có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị không đúng cách.

Đôi lúc triệu chứng bệnh cảm và cúm dễ nhầm lẫn, bản thân người bệnh không cần phân biệt nhưng nếu có các dấu hiệu bệnh thì nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế như bệnh kéo dài hơn 1 tuần, sốt cao khó hạ hay sốt kéo dài quá 3 ngày liên tục, đau rát vùng hầu họng không thể nuốt thức ăn, ho kéo dài quá 2 tuần dù các triệu chứng khác đã dứt hẳn, triệu chứng đau đầu, mỏi cơ rất trầm trọng ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Đối với bệnh cảm, tác nhân gây bệnh là virus nên có thể tự khỏi không cần sử dụng kháng sinh, nhưng sau đó nếu bội nhiễm vi trùng sẽ gây tình trạng nhiễm trùng hô hấp, sốt cao đôi khi cần nhập viện điều trị. Còn đối với virus cúm cũng có thể tự khỏi nhưng có thể gây suy hô hấp cấp do viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng.

Chính vì vậy, mọi người cần chú ý các triệu chứng sau ở người lớn để cấp cứu kịp thời khi đang bị cảm hay cúm như đau ngực trầm trọng, đau đầu dữ dội, khó thở, chóng mặt, lú lẫn, nôn ói liên tục. Trong khi đó trẻ em ngoài các triệu chứng trên nếu có thêm các dấu hiệu sau cũng cần can thiệp cấp cứu kịp thời như thở nhanh hay khó thở, màu sắc da tím tái, không thể uống hay bú được, kích động hay ủ rũ hơn thường ngày, các triệu chứng có cải thiện đột nhiên trầm trọng hơn nhanh chóng, có kèm phát ban.

Đối với người bệnh có các bệnh mãn tính sẵn có, đặc biệt các bệnh lý về đường hô hấp như hen, suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… thì nên lưu ý khi có bệnh cảm hay cúm xảy ra vì chúng sẽ dễ thúc đẩy người bệnh vào đợt cấp của bệnh mãn tính đó.

Đối với những người mắc bệnh hô hấp mãn tính như hen suyễn vào mùa này thì cần được điều trị ra sao?

Thời điểm lễ tết, nhiều người di chuyển từ nơi này đến nơi khác, một số du học sinh Việt Nam về nước nghỉ lễ. Do dị ứng thời tiết, có những người mắc bệnh mãn tính vào cấp cứu trong tình trạng khó thở dữ dội, vã mồ hôi, tím tái…, nhập viện và được chẩn đoán lên cơn hen phế quản nguy kịch.

Có những người có triệu chứng ho, hắt xì hơi, nghĩ cảm nhẹ nên tự điều trị thuốc hạ sốt, thuốc ho tại nhà và cùng gia đình tiếp tục du lịch nhiều nơi từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, bệnh không chấm dứt, ho nhiều và tự mua thuốc ho uống tiếp. Sau đó, bệnh nhân đã khó thở dữ dội, toàn thân tím tái, không nói chuyện được phải vào viện cấp cứu.

Có nhiều người bệnh chưa được kiểm soát bệnh hen tốt, kèm với tình trạng chủ quan khi bệnh cảm kéo dài cả tuần mà không được dùng thuốc đúng cách, di chuyển nhiều trong lúc sức đề kháng suy giảm, dễ bị bội nhiễm vi trùng.

Không những vậy, các bệnh nhân còn tự ra ngoài mua thuốc, dùng các thuốc ức chế ho không phù hợp làm ứ đọng đàm nhớt kích thích viêm, kích thích co thắt phế quản trầm trọng làm cơn hen bùng phát dữ dội, đe dọa tính mạng. Do đó, đối với người bệnh có bệnh lý mãn tính sẵn có, đặc biệt các bệnh lý về hô hấp, nếu có bất kỳ triệu chứng của cảm hay cúm nào cũng nên khám và tư vấn bác sĩ thật kỹ nhằm tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra. Người có bệnh mãn tính có thể chủ động tiêm ngừa cúm hằng năm tại các cơ sở y tế.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh cảm cúm cũng như bệnh viêm đường hô hấp mãn tính trong thời điểm giao mùa này?

Cách tốt nhất để phòng ngừa cảm, cúm là nên vệ sinh tay thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn hay xà phòng. Trong đơn vị, cơ quan nếu có người bị cảm hay cúm nên cho nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan vì hai bệnh này lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết từ mũi họng… Bên cạnh đó, người dân nên vệ sinh ở các vị trí ít được chú ý nhưng có khả năng lây bệnh như nắm tay cửa ra vào, cửa toilet, điện thoại bàn, bàn phím… vì dịch tiết dính vào các vật dụng này cũng chứa virus.

Đặc biệt, hiện nay bệnh suy hô hấp cấp do virus Corona đang đe dọa sức khỏe của người dân toàn cầu, với nhiều người tử vong ở Trung Quốc và nhiều quốc gia đã có người nhiễm bệnh. Việt Nam đã phát hiện hai ca nhiễm virus corona nCoV là hai cha con người Trung Quốc được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và hiện sức khỏe đã ổn định.

Tuy nhiên, đây là bệnh truyền nhiễm từ người sang người nên người dân cần thực hiện phòng tránh bệnh một cách nghiêm ngặt hơn như: hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Để chủ động phòng ngừa cảm, cúm, người dân nên tăng cường tập thể dục, ăn uống điều độ, nhiều rau xanh trái cây giúp tăng cường sức đề kháng hỗ trợ vượt qua các đợt cảm, cúm thật nhẹ nhàng.

Hoàng Nhung

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lên Nậm Cang ngắm mùa lúa chín vàng

0
(SGTT) – Cuối tháng 7, những thửa ruộng bậc thang ở Nậm Cang lại được “tô màu” vàng óng ả bởi mùa lúa chín. ...

Ghé quán cà phê muối đầu tiên ở xứ Huế

0
(SGTT) - Quán Cà Phê Muối trên đường Nguyễn Lương Bằng được xem là nơi mở bán cà phê muối đầu tiên ở thành...

Những biện pháp phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết ‘sáng...

0
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tại Việt Nam, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 289.066 trường hợp mắc cúm mùa....

Thử vị bánh xèo ‘bảy thập kỷ’ được Michelin Bib Gourmand

0
(SGTT) - Trong hơn bảy thập kỷ qua, tiệm bánh xèo 46A Đinh Công Tráng, quận 1 là điểm đến quen thuộc của người...

Ứng dụng ESG vào xây dựng chiến lược thương hiệu bền...

0
(SGTT) - Theo các chuyên gia, thực hành ESG có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực, có cơ hội tiếp cận các...

Bí quyết ngăn ngừa và loại bỏ nếp nhăn ở cổ

0
(SGTT) - Chăm sóc vùng cổ quan trọng không kém gì da mặt, có thể tiết lộ và phản ánh tuổi tác một cách...

Kết nối