Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024

Phát triển du lịch nông nghiệp: cốt lõi là ‘tinh, chuyên, nhân và kiên’

Tuy đã có những kết quả bước đầu, nhưng thực tế du lịch nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung vẫn chưa thành công. Để loại hình du lịch này phát triển, theo ý kiến chuyên gia, sản phẩm phải đạt được bốn yếu tố cốt lõi là “tinh, chuyên, nhân và kiên”.
Du khách tham quan tại một điểm du lịch nông nghiệp về hoa tại làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Bán vài tấm vé, phục vụ vài món ăn: chưa phải là du lịch nông nghiệp

Tại hội thảo “Nâng tầm vị thế phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp” diễn ra trong khuôn khổ lễ hội xoài ở địa phương này từ ngày 28-4 đến 1-5, ông Ngô Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, loại hình du lịch nông nghiệp của địa phương chỉ mới bắt đầu từ cuối năm 2016 khi 5 hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười “tiên phong” khai thác loại hình du lịch trải nghiệm chèo xuống ngắm cảnh đồng san, câu cá và thưởng thức ẩm thực đồng quê với các món ăn chế biến từ sen.

Tiếp sau đó, các hộ dân trồng cam, quýt ở huyện Lai Vung cũng đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan hay thành phố Cao Lãnh xây dựng và phát triển được mô hình làng du lịch Tân Thuận Đông với các dịch vụ: du lịch sinh thái – ẩm thực; du lịch trải nghiệm- giáo dục và du lịch sinh thái, trải nghiệm- nghỉ dưỡng…

Đến nay, theo ông Tuyên, riêng tỉnh Đồng Tháp đã phát triển được 65 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan trải nghiệm, trong đó, có 8 homestay; 2 farmstay, 55 điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm làng nghề.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2022, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ đón tiếp và phục vụ được 4,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 519 tỉ đồng. Đây là con số khá khiêm tốn, bởi chỉ riêng năm ngoái, toàn ngành du lịch Đồng Tháp đã đón 3,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.500 tỉ đồng.

Đánh giá du lịch nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét chưa thành công.

“Tại sao tôi nói thất bại?”, ông nêu câu hỏi và dẫn chứng một trường hợp điển hình, đó là khi còn giữ vị trí Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp, ông đã “xúi” lão nông 80-90 tuổi Năm Phích ở cồn Tân Thuận Đông (ông Lê Văn Thành, xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp – PV) làm du lịch nông nghiệp, nhưng thiếu “tiếp sức” của cấp xã phường- vốn là cấp gần gũi, quyết định đến thành công cho những người làm du lịch nông nghiệp. “Người ta đang sống bình thường như vậy, mình “xúi” họ làm (làm du lịch nông nghiệp- PV) và khi họ đang háo hức làm, thì mình lại bỏ rơi họ”, ông nói.

Dẫn chứng câu chuyện các hộ dân làm du lịch trên đồng sen ở huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), nhưng ông Hoan cảnh báo, mô hình này có thể thất bại nếu trở thành “quán nhậu” trên đồng sen cho người dân xung quanh, chứ không phải là một điểm du lịch nông nghiệp thật sự. “Nông dân lầm tưởng có khách tới là du lịch, bán được vài tấm vé là làm du lịch”, ông nói.

Tuy nhiên, thực tế du lịch không phải chỉ dừng lại ở việc xây dựng vài ba cái chòi, trang trí một vài bông hoa rồi kê vài cái bàn là xong!

Dẫn câu chuyện về cách làm du lịch nông nghiệp của người Thái thông qua chuyến đi cách đây 10 năm, ông Hoan cho biết đã phải thốt lên tiếng “wow” vì sự tinh tế trong cách làm du lịch nông nghiệp của họ.

Cụ thể, ngoài việc được trải nghiệm nấu ăn các món Thái từ gia đình của một ông bà cụ, thì điểm nhấn quan trọng, đó là cách “tiếp thị” với du khách các điểm đến bằng cả sự tự hào của họ. “Điều đó, đã thôi thúc du khách như chúng tôi phải đi”, ông thừa nhận.

Theo ông, trước khi xe rời đi, hình ảnh bà cụ “lưng còng” đi từng phòng nhắc nhở du khách “kiểm tra kỹ hành lý” hay cầm trên tay nải chuối ra xe để du khách “lót dạ” trên đường cũng cho thấy sự ân cần, chu đáo trong cách thức làm du lịch nông nghiệp của người Thái. “Đây là những chuyện rất đơn giản, nhưng là yếu tố quyết định đến sự thành công của làm du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được, nếu không hiểu, không sống trong cảm xúc”, ông nhấn mạnh.

Bán vài tấm vé, phục vụ vài món ăn không phải là du lịch nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Phải “tinh, chuyên, nhân và kiên”

Chuyên gia du lịch Ngô Quốc Khang, Cố vấn Hiệp hội phát triển nông trại du lịch Đài Loan cho biết, triết lý phát triển du lịch nông nghiệp của Đài Loan là trên nền nông nghiệp để làm du lịch. “Đây là yếu tố hết sức phù hợp với giá trị và những gì đang có ở Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

“Vậy cách thức phát triển du lịch nông nghiệp của Đài Loan ra sao?”, theo ông Khang, du lịch nông nghiệp của Đài Loan bắt đầu bằng chữ “tinh”, tức nông dân phải nắm vững kỹ thuật sản xuất nông nghiệp giống như câu chuyện người nông dân tại một điểm du lịch nông nghiệp ở Đài Loan “tinh“ đến mức có thể xử lý cho hoa nở theo kích thước và màu sắc mong muốn.

Chữ “tinh” còn thể hiện ở chỗ người nông dân phải làm ra các sản phẩm chế biến sâu như: tinh dầu hay các sản phẩm khác đem lại giá trị cao hơn từ nông nghiệp.

Kế đến nữa, du lịch nông nghiệp của Đài Loan “tinh” về dịch vụ, tức phải có quy hoạch rõ ràng là nông trại trải nghiệm hay nông trại cung cấp dịch vụ đây đủ. Bởi, nếu là nông trại trải nghiệm, thì du khách đến thưởng thức, trải nghiệm hoạt động, ẩm thực rồi về; còn nếu là nông trại cung cấp dịch vụ đầy đủ, thì gồm cả lưu trú.

Theo ông Khang, du lịch nông nghiệp của Đài Loan “tinh” đến mức họ chia cụ thể thành từng ngành hàng (như cá, hoa, trà và gạo) để khi làm chính sách, thiết kế tour có sự hỗ trợ chuẩn hơn.

Kế đến là “chuyên”, tức phải chuyên tâm, chuyên nghiệp và chuyên biệt. Điều này có nghĩa, khi tạo ra sản phẩm phải hấp dẫn, nhưng không trùng lặp- vốn là “căn bệnh” về sản phẩm du lịch ở ĐBSCL. “Chúng ta phải có sự chuyên biệt trong thiết kế sản phẩm”, ông nhấn mạnh và dẫn chứng, Đài Loan có cả bản đồ được thiết kế đơn giản về nông trại theo các chủ đề và có hướng dẫn đường đi để du khách tìm hiểu một cách tiện lợi.

Muốn du lịch nông nghiệp thành công, thì phải có thêm “nhân”, tức tạo ra sản phẩm phải an toàn, thân thiện bằng cái tâm của người thực hiện. Ở Đài Loan, có quan điểm rất hay, đó là làm du lịch cũng là giáo dục, cho du khách sự trải nghiệm; phía sau mỗi sản phẩm là một câu chuyện để hướng du khách đến “chân- thiện- mỹ”, giúp họ thêm yêu ngành nông nghiệp, thậm chí hướng người trẻ quay trở lại với nông nghiệp.

Tiếp theo nữa là phải “kiên”, tức phải có sự kiên trì, cả trong chính sách và nổ lực trong chuyện đổi thay. Bởi, một nông trại đang sản xuất nông nghiệp thông thường mà chuyển sang làm du lịch nông nghiệp sẽ có những bước thay đổi rất quan trọng.

Nông trại đang sản xuất nông nghiệp thông thường mà chuyển sang làm du lịch nông nghiệp sẽ có những bước thay đổi rất quan trọng. Ảnh: TL

Theo ông Khang, bên Đài Loan cũng như vậy thôi, khi 1 nông trại hoa chuyển từ nông nghiệp đơn thuần sang nông nghiệp du lịch sẽ có vấn đề là: nếu trồng hoa để bán, thì chỉ để bán thôi và không phục vụ khách du lịch; nhưng nếu chuyển sang du lịch nông nghiệp, thì phải luôn luôn có hoa cho khách đến ngắm và thu nhập có thể thấp hơn sản xuất hoa để bán, nhưng lâu dần sẽ mang lại giá trị cao hơn. “Vì vậy, cần phải kiên trì trước sự thay đổi này”, ông Khang nhấn mạnh.

Ông Hoan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gợi ý, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp phải đưa Trung tâm xúc tiến du lịch của địa phương trở thành nơi huấn luyện, cung cấp kiến thức, kỹ năng để người nông dân biết từ “cái đang có làm sao để nâng cao giá trị”, kết nối chuyên gia để hỗ trợ…

Đối với người nông dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn họ phải từ bỏ ngay tư duy: vậy là được rồi, kiếm được đồng nào hay đồng ấy; nông nghiệp là chính, còn du lịch được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Bởi, suy nghĩ như vậy nên người nông dân/người làm du lịch nông nghiệp sẽ không thể có đam mê cháy bổng để tạo ra những sản phẩm “tinh”.

Đối với lãnh đạo các cấp, bây giờ là lúc phải làm thật, phải được đo lường cụ thể hay nói cách khác đang yếu, đang nhỏ, thì phải thay đổi để lớn mạnh lên. Bởi, du lịch nông nghiệp không thể tự động mạnh lên được, mà phải hành động bằng đam mê cháy bổng như câu slogan của Đồng Tháp “phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn vì lòng tự hào và trách nhiệm với quê hương xứ sở”.

“Khi chúng ta nghĩ đó là niềm tự hào, trách nhiệm, thì với cương vị công dân “Đất Sen Hồng”, chúng ta sẽ giới thiệu hình ảnh, con người “Đất Sen Hồng như cách người Thái làm, thì lúc đó du lịch chúng ta mới tiến xa được”, ông Hoan nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Ninh Trung Tân, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nita Travel cho biết, yếu tố đánh giá sự thành công của một khu điểm hoặc một tour du lịch là du khách phải thốt lên được những tiếng… “wow”. Trong đó, tiếng “wow” thứ nhất nằm ở cảnh quan; tiếng “wow” thứ hai ở trải nghiệm và tiếng “wow” thứ ba là phải có sự chỉn chu và chân thành trong nghiệp vụ phục vụ du khách.

Cụ thể, đối với trải nghiệm, khi đến một điểm du lịch nào đó, khi du khách thưởng thức món ăn và được nghe giải thích về món ăn đó mà họ “wow” lên một tiếng là thành công.

“Cá nhân tôi thấy, ba tiếng “wow” nêu trên nghe hơi thông dụng, mang tính chất tượng thanh. Thế nhưng, nếu như chúng ta làm một tour hay một sản phẩm du lịch, mà du khách không “wow” được tiếng nào là coi như thất bại”, ông Tân nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Thanh đến từ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM đặt vấn đề, trong hành trình từ thị trường khách gần nhất là TPHCM về Đồng Tháp đã có trạm dừng chân đúng chuẩn nào để phục vụ du khách chưa hay chỉ là những điểm tự phát của người dân mở ra kinh doanh hoặc ghé vào cây xăng?

Theo ông, cần phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ du khách, kể cả cơ sở vật chất, hạ tầng tại các điểm du lịch nông nghiệp.

Trung Chánh

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề