Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Nước sạch giá rẻ cho cộng đồng

Thường xuyên tiếp xúc với sinh viên, TS. Trần Ngọc Đảm nhận thấy, các bạn đa phần dùng nước uống từ máy nóng lạnh hoặc những bình 20 lít với giá bình dân 10.000-12.000 đồng/bình/19L. Nhưng liệu chất lượng nước từ các nguồn này có đáng tin cậy và an toàn cho sức khỏe? Liệu mình có thể làm được gì để cung cấp nước sạch cho sinh viên, xa hơn là những người lao động ở những khu công nghiệp và cộng đồng xã hội?

Suy nghĩ về tính thiết thực của vấn đề này, TS. Trần Ngọc Đảm quyết định bắt tay vào sản xuất cung cấp nước sạch - nước tự nhiên đã loại bỏ các thành phần có hại cho sức khỏe như hóa chất, kim loại nặng, vi khuẩn... nhưng vẫn giữ lại một số khoáng chất, vi chất trong nguồn nước cần thiết cho cơ thể.

Cấp nước uống sạch bằng thẻ từ

Là một nhà nghiên cứu khoa học, từng làm trưởng nhóm nghiên cứu ứng dụng công nghệ plasma dùng trong hệ thống xử lý nước thải y tế và đã được thương mại hóa sản phẩm, nên công việc này không mấy khó khăn với TS. Trần Ngọc Đảm. Được sự hỗ trợ của trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM và nguồn chi phí tự xoay sở, từ tháng 5-2014, ông Đảm đã bắt đầu xây dựng hệ thống xử lý nước sạch ứng dụng công nghệ plasma để cung cấp nước sạch cho sinh viên qua hai trụ cấp nước đặt trong khuôn viên trường tại quận Thủ Đức, TPHCM. Chất lượng nguồn nước từ hai trụ này được kiểm tra ở Viện Pasteur và kết quả đáp ứng tiêu chuẩn về nước uống theo quy định của Bộ Y tế.

Sinh viên đang lấy nước tại trụ cấp nước trong khuôn viên trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật. Ảnh: Đức Tâm
Sinh viên đang lấy nước tại trụ cấp nước trong khuôn viên trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật. Ảnh: Đức Tâm

Sinh viên chỉ cần đặt thẻ từ vào đầu đọc trên trụ, vòi nước sẽ mở và cấp nước với định mức 0,5 lít/lần/30 giây. Với 3 vòi cấp nước, thiết bị có thể phục vụ cho 3 sinh viên cùng lúc.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Đảm cho biết, hiện đang thương lượng với hai trường đại học tại TPHCM để lắp đặt hệ thống này phục vụ cho sinh viên. Để có thể sử dụng dịch vụ này, mỗi sinh viên chỉ đóng mức phí 15.000-20.000 đồng/tháng để được cấp một thẻ từ. Thẻ được lập trình sẵn, giới hạn lượng nước dùng mỗi tháng là 60 lít, tương ứng với mức thông dụng 2 lít/ngày. Sinh viên chỉ cần quẹt thẻ từ vào đầu đọc trên trụ để kích hoạt mở vòi nước.

Vậy tại sao không cung cấp nước miễn phí cho sinh viên? Về vấn đề này, ông Đảm lý giải, mức phí mà các sinh viên đóng thật sự không cao, có lẽ chỉ bằng một đĩa cơm bình dân. Nhưng sinh viên vẫn cần phải đóng vì thường cái gì miễn phí thì không được quý trọng và dùng vô tội vạ. Việc đóng phí giúp sinh viên ý thức hơn trong việc sử dụng và không ảnh hướng đến chi phí đầu tư của các trường. “Ngoài ra, chúng tôi cần thu phí để bù vào chi phí lắp đặt hệ thống, vận hành, bảo trì, và đảm bảo chất lượng nước đầu ra”, TS. Đảm nói.

Mở rộng dịch vụ

ông Đảm cho biết, sẽ cố gắng mở rộng dịch vụ này đến các khu công nghiệp nhằm phục vụ các công nhân, những người có thu nhập không cao nhưng vẫn cần sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe.

Bên cạnh hệ thống cấp nước nêu trên, ông Đảm cho biết, đã đầu tư lắp ráp hệ thống sản xuất nước uống đóng chai đặt tại Thủ Đức và Đồng Nai, sắp tới dự kiến sẽ mở thêm một cơ sở tại Vũng Tàu. Các sản phẩm mang thương hiệu Loda, DaiSuky, CES với các bình 19 lít, chai 1.500ml, chai 500 ml. Sản phẩm Loda đã đưa ra thị trường từ tháng 7 năm 2014.

Ngoài các sản phẩm nước sạch, hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở y tế, nhà hàng khách sạn và các nhà máy dệt nhuộm, được biết ông Đảm cũng đã sản xuất thành công hệ thống phủ nano, có tác dụng chống thấm hoặc diệt khuẩn lên vải với công suất phủ từ 2 đến 4 mét/phút với chi phí phủ nano khoảng 50.000 đồng/mét.

“Tất cả các công trình trên, chúng tôi đều sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ để có thể áp dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống. Đồng thời, qua đó chúng tôi mới có đủ chi phí và thời gian để dành cho những dự án nghiên cứu khác”, ông Đảm bày tỏ.

[box type="bio"] Tiến sĩ Trần Ngọc Đảm hiện đang công tác tại trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM (HCMUTE), đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng nghiên cứu năng lượng và môi trường. Trước khi về công tác tại HCMUTE, ông Đảm đã hoàn tất khóa đào tạo về thiết kế và chế tạo tại Học viện Công nghệ Châu Á (AIT), thạc sĩ cơ điện tử tại trường Đại học Kỹ thuật Duisburg-Essen (Đức), và tiến sĩ năng lượng và môi trường tại trường Đại học Kỹ thuật Nagaoka (Japan).[/box]

Đức Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối