Một tin vui cho ngành du lịch là nhiều người Việt đã sẵn sàng đi du lịch trở lại sau đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 2. Tuy nhiên, tâm lý và hành vi của khách hàng có thay đổi so với giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh, có hai yếu tố quan trọng tác động đến quyết định đi du lịch của du khách là an toàn và giá cả.

Điểm đến đã an toàn với dịch bệnh, các dịch vụ du lịch an toàn là yếu tố chính tác động đến quyết định đi du lịch của khách Việt hiện nay. Ảnh minh họa một góc phố cổ Hội An, địa phương đã đón khách du lịch trở lại sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Ảnh: YM
Thận trọng hơn

Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) khảo sát tâm lý và hành vi khách du lịch thời Covid-19 hồi tháng 9 rồi. Kết quả gần đúng như đánh giá của nhiều người trong ngành du lịch là người dân thận trọng hơn với việc đi du lịch trở lại sau đợt bùng phát dịch lần 2 vào cuối tháng 7 rồi.

Có khoảng 50% số người được hỏi trả lời sẵn sàng đi du lịch vào những tháng cuối năm nay, thấp hơn tỷ lệ 54% trong cuộc khảo sát do TAB thực hiện vào tháng 5 trước.

Kết quả này thể hiện sự thận trọng hơn với việc đi du lịch trở lại sau dịch nhưng cũng đem lại thông tin tích cực cho ngành du lịch. Đó là, thị trường nội địa vẫn rất hứa hẹn trong năm 2020 đầy khó khăn. Nhu cầu và độ sẵn sàng đi du lịch của người dân vẫn cao.

Tuy nhiên, sau hai đợt bùng phát dịch, tâm lý của khách hàng đã khác trước. Theo kết quả khảo sát của TAB, có hơn 57% số người được hỏi cho rằng vấn đề an toàn, bao gồm điểm đến đã an toàn với dịch bệnh, các dịch vụ du lịch an toàn và những vấn đề liên quan đến an ninh là yếu tố chính tác động đến quyết định đi du lịch.

Tâm lý e ngại dịch bệnh của người dân còn được thể hiện ở chỗ, có đến gần 80% số người được hỏi lựa chọn đi du lịch với gia đình, bạn bè thay vì đi đoàn đông với nơi làm việc hay các nhóm khác. Thêm vào đó, gần 52% số người tham gia khảo sát cho biết sẳn sàng mua thêm gói bảo hiểm du lịch trong thời kỳ có nguy cơ dịch bệnh.

Kế đến, có gần 33% trong tổng số người được hỏi cho rằng, khả năng về tài chính là yếu tố quyết định. Chi tiêu của khách cũng bị tác động bởi dịch bệnh, có đến 47% cho biết sẽ chọn những tour ngắn, đi từ 2-3 ngày.

Khả năng tài chính, vấn đề an toàn gồm điểm đến an toàn với dịch bệnh và an ninh là những yếu tố chính chi phối quyết định đi du lịch của du khách. Nguồn: TAB

Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký của TAB, ở lần khảo sát trước, khả năng tài chính không phải là  yếu tố chính ảnh hưởng lớn đến quyết định đi du lịch của khách hàng nhưng nay, sau hai đợt dịch dài, tình hình kinh tế khó khăn khiến cho người dân tính toán kỹ hơn về khoản chi. Không chỉ có thế, có đến 8,8% số người được hỏi còn cho rằng, yếu tố quyết định là không bị phạt khi hủy tour.

Theo đó, để giải tỏa tâm lý lo sợ không an toàn, các điểm đến, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các quy định, tiêu chuẩn về an toàn phòng chống dịch bệnh và truyền thông cho khách hàng biết điều đó. Việc thiết lập bản đồ số về điểm đến an toàn cũng cần thiết và nên thực hiện sớm.

Liên quan đến vấn đề tài chính, khi được hỏi về việc muốn được ưu đãi các dịch vụ theo cách nào, gần 87% lựa chọn ưu đãi trực tiếp vào giá. Các kiểu ưu đãi như tặng thêm dịch vụ, giảm giá cho lần kế tiếp được rất ít người hưởng ứng. “Các doanh nghiệp du lịch và hàng không nên kết nối để tạo ra các gói du lịch giá rẻ hơn nhưng vẫn bảo đảm dịch vụ”, TAB tư vấn.

Về hình thức ưu đãi, có đến 86,6% số người được hỏi lựa chọn ưu đãi trực tiếp vào giá. Nguồn: TAB
Địa phương rầm rộ thúc đẩy du lịch an toàn

Những ngày gần đây, hàng loạt địa phương đã thực hiện các hoạt động để quảng bá cho du lịch an toàn và kêu gọi doanh nghiệp áp dụng nghiêm túc các biện pháp vận hành an toàn.

Trong đó, 7 tỉnh, thành gồm TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai và Bình Dương vừa ký kết hợp tác thực hiện chương trình kích cầu “7 địa phương – du lịch an toàn, hấp dẫn”.

Với chương trình này, từng địa phương sẽ xây dựng bản đồ số du lịch an toàn và tích hợp vào bản đồ chung của 7 tỉnh, thành để tạo thành nội dung truyền thông chính. Với bản đồ này, du khách sẽ dễ dàng tra cứu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ an toàn, tạo sự an tâm trước khi đặt dịch vụ.

Ngành du lịch Đà Nẵng lan toả thông điệp du lịch an toàn. Ảnh cắt từ clip của Sở Du lịch Đà Nẵng

Theo bà Võ Thị Ngọc Thuý, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, sau hai lần bùng phát dịch, các doanh nghiệp đã ý thức hơn trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn trong vận hành. Nếu như hồi đầu dịch, có một số doanh nghiệp còn lơ là, cơ quan quản lý phải nhắc nhở thì hiện tại hầu hết các công ty đang thắt chặt các biện pháp phòng chống lây nhiễm dù một số quy định đã nới lỏng hơn một chút vì tình hình dịch bệnh đã bớt căng thẳng.

“Chúng tôi sẽ ráo riết thúc đẩy du lịch an toàn, hướng tới cho doanh nghiệp đăng ký là nơi vận hành an toàn để giới thiệu cho khách hàng biết đến trong bản đồ số”, bà nói.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, trên đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp và các địa phương đã dần chuyển đổi, thích ứng để vận hành trong điều kiện dịch vẫn còn như hiện tại. Tuy nhiên, cần phải thiết lập các tiêu chí chi tiết về vận hành an toàn và thống nhất từ trung ương đến địa phương để doanh nghiệp thực hiện.

Thêm vào đó, cần phải tăng cường công tác hậu kiểm và tạo nên các kênh tiếp nhận, xử lý thông tin phản hồi từ khách hàng về những trường hợp vi phạm quy định an toàn nhằm chấn chỉnh ngay. Chẳng hạn, hiện có những nhà hàng ở Hà Nội không còn đo thân nhiệt của khách trước khi vào nhà hàng mà chưa được nhắc nhở ngay. Điều này đỏi hỏi công tác hậu kiểm phải thắt chặt hơn nữa thì mới đảm bảo du lịch vận hành an toàn.

Đào Loan

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây