Thứ Bảy, Tháng Mười 12, 2024

Những người trẻ hồi sinh lồng đèn Trung thu xưa

SGTT trên KTSG OnlineNhững người trẻ hồi sinh lồng đèn Trung thu xưa
(SGTT) - Khi Tết Trung thu đang cận kề, cứ từ sáng sớm và kéo dài đến tối khuya, trong căn phòng chừng 15m² trên đường Trường Sa, quận 3, TPHCM, có những người trẻ lại tất bật chế tác những sản phẩm lồng đèn mang kiểu dáng từ hơn trăm năm trước để kịp xuất hàng.  

Trong vài lần được tiếp cận với những hình ảnh lồng đèn Trung thu xưa được chụp ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Thủy và anh Nguyễn Hoàng Sơn đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp tinh xảo của lồng đèn xưa, sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi, cả hai người đã cùng nhau tạo dựng nên dự án Khởi Đăng Tác Khí để phỏng dựng lại những chiếc lồng đèn xưa, cách nay hàng trăm năm.

"Tôi thấy bất ngờ và thán phục người xưa khi họ có thể tạo ra những chiếc lồng đèn với kiểu dáng cầu kỳ và tỉ mỉ trong từng chi tiết. Khởi Đăng tác khí ra đời cũng mong muốn có thể tạo ra những chiếc đèn lồng kiểu dáng xưa và góp thêm phần nào vào việc gìn giữ nét văn hóa vui Trung thu của người Việt", chị Thủy chia sẻ.

Không khí tất bật bên trong xưởng lồng đèn Khởi Đăng Tác Khí ở đường Trường Sa, quận 3.

Khác với các mẫu lồng đèn đơn giản như ngôi sao, hoặc các sản phẩm lồng đèn điện tử được sản xuất theo dây chuyền, máy móc thì lồng đèn của nhóm được tạo ra hoàn toàn bằng tay với rất nhiều công đoạn. Trong đó, các công đoạn chính là uốn khung, nối ráp, lợp giấy kiếng, vẽ và treo hoàn thiện.

Từ những thanh thẳng sẽ được dùng nhiệt uốn thành đường cong hay nối lại làm một vòng liền nhau rồi ráp thành hình. Công đoạn này mất thời gian khoảng 9 tiếng.

Về cơ bản, để tìm được công thức, nguyên liệu như thuở ban đầu giống người xưa là vô cùng khó khăn. Cái khó lớn nhất trong chế tác lồng đèn giống ngày xưa của vợ chồng chị Thủy và các bạn trẻ là chỉ biết dựa ảnh chụp lồng đèn sưu tầm được, ngoài ra không có tư liệu chính xác bằng văn bản hay vật chứng nào để đối chiếu.

Mỗi công đoạn làm lồng đèn đều có cái khó riêng, chẳng hạn ở phần khung, nhóm của chị Thủy đã thử và từng sai rất nhiều. "Ban đầu chúng tôi sử dụng ruột mây làm khung, vì chúng có tính chất mềm nên không đảm bảo việc tạo hình nhưng thất bại. Tiếp đó, nhóm thử nghiệm với nan tre truyền thống nhưng cũng không khả quan, do tre quá giòn. Cuối cùng, chúng tôi tìm đến nan trúc và từ đó, vật liệu này trở thành cốt lõi cho các sản phẩm của Khởi", chị Kim Thủy nói.

Sau khi tạo khung là lợp giấy kiếng. Người thợ sẽ quét keo và dán giấy kiếng trên bề mặt sao cho căng, thẳng, không để lại nếp nhăn.
Trong ảnh là bạn Lê Công Mẫn (sinh viên Đại học Kiến trúc TPHCM) đang thực hiện công đoạn lợp giấy kiếng. "Mình gắn bó công việc này đã là năm thứ 3, việc làm lồng đèn xưa đòi hỏi người thợ phải đam mê và có sự kiên trì. Riêng lợp giấy kiếng này tốn ít nhất 5 tiếng", Công Mẫn cho biết.
Từ 16 đến 20 tiếng tiếp theo là bước lựa chọn mẫu vẽ và vẽ màu.
Các chi tiết, bộ phận sau khi vẽ sẽ lắp ráp lại, căng chỉnh dáng lồng đèn trên dây treo và bọc hàng đóng thùng chờ xuất đi.

Hiện tại xưởng có các lồng đèn như cự giải, ngư long, hồ điệp, tiến sĩ giấy, lồng đèn song thọ, thưởng nguyệt... Nếu tìm hiểu kỹ, mới thấy từng chi tiết đặt để của nhóm Khởi Đăng Tác Khí vào lồng đèn luôn chứa đựng những ý nghĩa. Theo người chế tác lồng đèn, Trung thu không chỉ là dịp để các bạn nhỏ vui chơi mà còn là dịp để thế hệ trước gửi gắm lại thông điệp thế hệ sau tiếp bước, như họa tiết vảy cá trên các lồng đèn ngư long được lấy ý tưởng từ những cánh hoa mẫu đơn, tượng trưng cho sự phú quý, lồng đèn song thọ cầu chúc sức khỏe, lồng đèn hồ điệp cầu chúc hạnh phúc, may mắn và khỏe mạnh...

Sản phẩm lồng đèn hồ điệp sau khi hoàn thành.

Những năm đầu khi mới ra mắt, các sản phẩm lồng đèn của xưởng cũng gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra, mỗi chiếc lồng đèn tùy kích cỡ sẽ có giá thành khác nhau, dao động từ 400.000 đồng đến 7 triệu đồng, một số sản phẩm đặc biệt có giá lên đến hơn 40 triệu đồng.

"So với các lồng đèn thủ công trên thị trường, giá các lồng đèn tại xưởng có phần 'nhỉnh' hơn. Tuy nhiên, với chúng tôi khách hàng bỏ tiền ra không chỉ là mua một chiếc đèn lồng mà là chung tay làm sống lại một nét đẹp của truyền thống vốn có của người Việt", anh Hoàng Sơn nói.

Bước sang năm thứ 3 hoạt động, ngoài hai vợ chồng chị Kim Thủy, nhóm Khởi Đăng Tác Khí hiện có khoảng 10 người tham gia, đa số là sinh viên của trường Đại học Kiến Trúc TPHCM, Mỹ Thuật TPHCM. Những ngày cận Trung Thu, các thành viên trong xưởng hoạt động liên tục từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm, ra đơn nào là đóng gói gửi đi đơn đó.

Khách hàng chủ yếu của xưởng là những người lớn tuổi mua về cho con cháu xem, những người mê văn hóa, ngoài ra còn có những nhà hàng, quán cà phê, các doanh nghiệp, một số khác là người nước ngoài...

Mùa Tết Trung thu năm nay, xưởng sản xuất hơn 100 chiếc lồng đèn. Mỗi năm, xưởng lại mày mò tìm cách cải tiến sản phẩm của mình như làm sao dễ tháo lắp, đóng gói, vận chuyển hơn. Ngoài ra, để nhiều người có thể biết đến, xưởng cũng đang phối hợp với một số đối tác mở triển lãm để ai cũng có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu văn hóa.

Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục