Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Những loại ung thư ở phụ nữ dễ tầm soát và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm

(SGTT) - Phòng ngừa, tầm soát, phát hiện sớm, điều trị hiệu quả có thể giúp giảm đáng kể gánh nặng mà ung thư mang lại. Theo TS.BS Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, Trưởng Bộ môn Ung Bướu ĐH Y Dược TPHCM, ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng… là những loại ung thư ở phụ nữ có thể tầm soát tốt (tức dễ tầm soát, dễ phát hiện) và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm.

Những loại ung thư nào phụ nữ thường mắc?

Ngày 19-10, chia sẻ trong buổi lễ trao tặng 2010 suất tầm soát ung thư cho phụ nữ yếu thế được tổ chức tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, TS.BS Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, Trưởng Bộ môn Ung Bướu ĐH Y Dược TPHCM, cho biết trên toàn cầu hàng năm có hơn 19 triệu ca mắc mới và gần 10 triệu ca tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, mỗi năm cũng ghi nhận khoảng 180.000 ca ung thư mới và 120.000 ca tử vong do ung thư.

TS.BS Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, Trưởng Bộ môn Ung Bướu ĐH Y Dược TPHCM, chia sẻ tại buổi lễ trao 2010 suất tầm soát ung thư cho phụ nữ yếu thế ngày 19-10. Ảnh: BTC

Một số loại ung thư đã ghi nhận tần suất gia tăng đáng kể gần đây. Theo khảo sát của Globocan năm 2022, tần suất và tử suất ung thư thường gặp nhất ở nữ giới Việt Nam bao gồm: ung thư vú (24.563 ca mắc mới, 10.008 ca tử vong), ung thư cổ tử cung (4.621 ca mắc mới, 2.571 ca tử vong), ung thư tuyến giáp (6.122 ca mắc mới, 858 ca tử vong) và ung thư buồng trứng (1.534 ca mắc mới, 1.003 ca tử vong). Ngoài ra, một số bệnh ung thư khác như phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày… cũng nằm trong bảng xếp hạng các loại ung thư mà nữ giới tại Việt Nam mắc phải chiếm tần suất và tử suất cao.

Bác sĩ Linh chia sẻ, các nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gồm có: thuốc lá, thức ăn, chế độ dinh dưỡng, tia bức xạ cực tím, bức xạ ion hóa, vi rút, vi khuẩn, di truyền… Tuy nhiên cũng có những loại ung thư đến nay vẫn chưa thể tìm được nguồn gốc gây bệnh, ví dụ như ung thư vú - cũng là loại ung thư có tần suất mắc và tử suất cao nhất ở phụ nữ Việt Nam. Từ năm 2002 đến 2020, số ca mắc ung thư vú ở phụ nữ Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, tần suất mắc tăng gấp đôi, theo số liệu từ Globocan.

Có thể thấy, ung thư không chỉ đem lại gánh nặng về sức khỏe mà còn về tài chính, sinh lý, tinh thần… cho người bệnh. Chính vì vậy, để giảm gánh nặng ung thư và điều trị hiệu quả thì việc phòng ngừa, phát hiện bệnh sớm là cực kỳ quan trọng.

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), 1/3 tổng số ca mắc ung thư có thể phòng ngừa và tầm soát phát hiện sớm. Trong đó, ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng… là những loại ung thư ở phụ nữ có thể tầm soát tốt và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm.

Kết quả tầm soát bất thường không đồng nghĩa với bị ung thư!

Việc tầm soát ung thư có nhóm mục tiêu riêng, không phải ai cũng cần thiết thực hiện tầm soát. Tuỳ theo nguy cơ mắc bệnh và phương tiện tầm soát, diễn tiến của bệnh mà ung thư được tầm soát khác nhau. 

Tầm soát ung thư theo nguy cơ mắc bệnh có hai loại: nguy cơ trung bình và nguy cơ cao, điều này được định nghĩa tuỳ theo loại bệnh, chẳng hạn đối với ung thư cổ tử cung, nhóm có nguy cơ trung bình là phụ nữ đã quan hệ tình dục từ 21- 65 tuổi. Bên cạnh đó, những đối tượng được xếp vào nhóm nguy cơ cao bao gồm người có tiền căn gia đình có người thân mắc ung thư hoặc có đột biến gen gây ung thư.

Ngoài ra, có nhiều loại ung thư không thể tầm soát tốt, ví dụ như ung thư buồng trứng, bởi ung thư buồng trứng ở vị trí sâu, bệnh phát triển nhanh. Nếu một người thường xuyên thực hiện tầm soát ung thư buồng trứng thì khả năng phát hiện bệnh là không đáng kể so với người không làm tầm soát.

Tuy nhiên “kết quả tầm soát bất thường không đồng nghĩa với bị ung thư”, bác sĩ Linh nói. Ông cho biết thêm, kết quả tầm soát bất thường chỉ có nghĩa là có nguy cơ cao có tổn thương tiền ung thư hay nếu có ung thư thì giai đoạn rất sớm, cần làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán xác định để kết luận.

Bác sĩ Linh cũng liệt kê nhiều loại ung thư có các phương tiện phát hiện khi chưa có triệu chứng lâm sàng, khi phát hiện sớm có thể điều trị hiệu quả như: ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp.

Ngoài ra, một số ung thư có triệu chứng sớm, bệnh nhân cần lưu ý, lắng nghe cơ thể và chú ý tình trạng sức khoẻ của mình. Các triệu chứng báo động có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư: khối bướu/hạch sờ thấy được, vết loét không lành, khàn tiếng kéo dài; khó nuốt, nuốt đau, nuốt nghẹn; xuất hiện bất thường: ói ra máu, tiểu ra máu…; mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Bên cạnh đó việc khám sức khỏe định kỳ để đánh giá tình trạng sức khoẻ chung cũng giúp phát hiện sớm bệnh ung thư. Theo bác sĩ Linh, các tiến bộ gần đây giúp tăng đáng kể kết quả điều trị ung thư. Rất nhiều ung thư có thể điều trị khỏi hoàn toàn nhất là nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. “Giai đoạn càng sớm, kết quả điều trị càng tốt. Trong mọi tình huống, có điều trị kết quả vẫn tốt hơn không điều trị”, bác sĩ Linh nhấn mạnh.

Trao tặng 2010 suất tầm soát ung thư cho phụ nữ yếu thế 

Từ thực trạng nêu trên, ngày 19-10, NAPAS, Mastercard và Payoo đã trao tặng 2010 suất tầm soát 4 bệnh ung thư cho phụ nữ yếu thế tại Hà Nội và TPHCM, đồng thời cam kết hỗ trợ 200 suất tầm soát chuyên sâu (trị giá 5 triệu đồng/suất) cho những phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bác sĩ khám và tư vấn cho chị em phụ nữ tham gia chương trình "Chạm chia sẻ, Trao hy vọng". Ảnh: BTC

Cụ thể, trong tổng số 2010 suất tầm soát, 1000 suất sẽ được phân bổ cho đại diện Hội Chữ Thập Đỏ TP Hà Nội, 600 suất cho đại diện Hội Chữ Thập Đỏ TPHCM và 400 suất cho Đoàn Thanh niên Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM. Dự kiến, hoạt động tầm soát cho 2010 phụ nữ sẽ diễn ra từ ngày 19-10 đến 26-10 tại 4 bệnh viện: Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108.

Ngoài ra, sau khi có kết quả tầm soát bước đầu, Hội Chữ Thập Đỏ TP Hà Nội và Hội Chữ Thập Đỏ TPHCM sẽ tiếp tục chọn lọc danh sách 200 phụ nữ khó khăn nhất trong số những người có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng để trao gói hỗ trợ tài chính tầm soát chuyên sâu.

Song song với hoạt động tầm soát, dự án “Chạm sẻ chia, Trao hy vọng” cũng tổ chức “Gian hàng 0 đồng” tại các bệnh viện, cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, nước mắm, muối, dầu gội, sữa tắm... Những phụ nữ tham gia tầm soát sẽ được trao tặng một voucher mua sắm tương ứng 220.000đ để lựa chọn các mặt hàng thiết thực tại “Gian hàng 0 đồng” nhằm phục vụ cuộc sống hàng ngày, giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính. 

Trúc Nhã

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối