Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Những công nghệ lọc nước phổ biến hiện nay

(SGTT) – Từ nhu cầu muốn có nguồn nước an toàn cho sức khỏe, nhiều gia đình đã chọn mua những thiết bị lọc nước như máy lọc nước dùng cho cả nhà hoặc bình lọc cá nhân.

Theo các nhà sản xuất, những thiết bị lọc nước được thiết kế nhằm lọc và loại bỏ tạp chất hay các thành phần kích thước nhỏ ra khỏi nước. Thị trường các thiết bị này khá đa dạng về chủng loại và giá cả. Người dùng có thể phân loại chúng theo công nghệ lọc, gồm công nghệ UF, Nano và RO.

Công nghệ lọc nước UF

Nhiều người đã chọn mua thiết bị lọc nước để an tâm hơn về nguồn nước sử dụng.

Nhân viên của Siêu thị Điện máy Chợ Lớn (TPHCM) cho biết công nghệ lọc nước UF (ultra filtration) còn được gọi là màng siêu lọc.

Công nghệ này dùng màng lọc có áp suất thấp, chỉ giữ lại những ion, khoáng chất, muối khoáng có ích và loại bỏ những thành phần gây hại có kích thước lớn ra khỏi nguồn nước.

Quá trình lọc diễn ra ở nhiệt độ thường và áp suất thấp nên tiêu thụ ít điện năng, giúp tiết kiệm chi phí. Đồng thời, màng lọc UF không thải nước lãng phí, góp phần tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên công nghệ này cũng có khuyết điểm như các loại cặn bẩn, rong rêu và vi khuẩn sẽ bị giữ lại ở phía đáy ly lọc. Sau một thời gian sử dụng, thiết bị lọc sẽ bị đóng cặn gây tắc nghẽn đầu lọc, ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Đồng thời, do màng lọc có kích thước lớn nên vô tình các vi khuẩn gây hại sẽ dễ dàng đi theo nguồn nước lọc. Điều này vô tình sẽ làm ảnh hưởng đến cơ thể khi sử dụng trong thời gian dài, nguy cơ gây ra các bệnh về đường ruột, hệ tiêu hóa…

Công nghệ Nano

Khi lõi lọc nước gặp trục trặc hoặc quá cũ, người dùng có thể thay mới.

Máy lọc nước nano phần lớn đều có kích thước nhỏ gọn, không chiếm nhiều không gian. Công nghệ này dùng áp lực nước tự nhiên đẩy nước qua các lõi lọc nên không cần điện vẫn có thể hoạt động, góp phần tiết kiệm chi phí.

Ưu điểm của công nghệ này là nước sau khi lọc sẽ được loại bỏ những tạp chất nhưng vẫn giữ lại được những khoáng chất tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, công suất lọc của máy lọc nano không cao. Nếu có nhu cầu sử dụng lượng nước nhiều trong ngày, người dùng sẽ gặp bất tiện và không có đủ nước dùng.

Bên cạnh đó, vì khe lọc có kích thước lớn nên dễ gây tắc màng, do đó yêu cầu nguồn nước đầu vào phải bảo đảm chuẩn sạch, không có quá nhiều cặn bẩn. Lỗ lọc kích thước lớn nên khó loại bỏ hầu hết vi khuẩn có hại cho cơ thể.

Công nghệ RO

Một hệ thống lọc nước công nghệ RO.

Theo thông tin từ một số hãng cung cấp, công nghệ lọc nước RO (reverse osmosis) là công nghệ lọc hiện đại nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Công nghệ này ứng dụng quy trình thẩm thấu ngược kết hợp với màng lọc có kích thước cực nhỏ 0,1 – 0,5 nanomet, được cho là sẽ lọc được chất lượng nước tinh khiết đạt 99%.

Các sản phẩm lọc nước sử dụng công nghệ RO thường không kén nguồn nước đầu vào, như nước máy, nước phèn, nước mưa…

Thiết bị sẽ lọc sạch cặn bẩn, rong rêu, vi khuẩn có hại. Nguồn nước sau khi được thanh lọc đảm bảo chất lượng nước đầu ra đạt chỉ tiêu theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế Việt Nam, có thể uống trực tiếp mà không phải đun sôi.

Tuy vậy, công nghệ này vẫn tồn tại một số nhược điểm như trong quá trình loại bỏ cặn bẩn, vi khuẩn có hại… cũng sẽ vô tình loại bỏ hoàn toàn khoáng chất có trong nước. Người dùng có thể khắc phục bằng cách chọn mua thiết bị lọc có trang bị các lõi bổ sung tái tạo khoáng chất đã mất đi.

Ngoài ra, lượng nước thải ra của sản phẩm cũng tương đương với lượng nước tinh khiết được lọc sạch, gây lãng phí nước. Thiết bị này phải dùng điện mới có thể hoạt động được.

Chọn công nghệ lọc nào?

Theo các chuyên gia, việc lựa chọn công nghệ lọc phần lớn phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, được đo bằng chỉ số TDS, tức chỉ số đo tổng lượng chất rắn hòa tan. Nguồn nước khác nhau như nguồn nước ở đô thị, nhà máy nước, nước giếng, nước mưa.. sẽ cho chỉ số TDS và mức độ ô nhiễm khác nhau.

Nếu ưu tiên tiêu chí là không cần dùng điện, không có nước thải ra trong quá trình lọc, mà nguồn nước có mức TDS thấp, người dùng có thể chọn công nghệ lọc UF.

Theo ghi nhận, công nghệ RO đang được nhiều người chọn lựa khi mua thiết bị lọc nước vì có khả năng thanh lọc sạch với nguồn nước bị ô nhiễm cao và chỉ số TDS cao.

Công nghệ này cũng thường được sử dụng trong một số cơ sở kinh doanh nước đóng bình để cung cấp ra thị trường.

Không chỉ dựa vào nguồn nước đầu vào, chất lượng nước lọc còn phụ thuộc vào chất lượng lõi lọc. Nhiều người thường chỉ biết đến công nghệ lọc một cách tổng quan nhưng không có đủ thông tin về chất lượng lõi lọc. Do vậy, họ có thể chọn phải máy lọc nước có chất lượng lõi lọc kém, dẫn đến nguồn nước sử dụng không đảm bảo.

Ngoài ra, để nâng cao mức độ an toàn, người dùng cũng có thể lưu ý chọn mua những loại máy lọc nước có tích hợp đèn UV diệt khuẩn hoặc lắp thêm thiết bị này cho máy lọc.

Một loại đèn UV.

Cụ thể, UV là tia cực tím có bước sóng ngắn, tác động mạnh trên vi khuẩn nên có thể làm biến dạng và tiêu diệt chúng. Đèn chiếu tia cực tím được trang bị cho máy lọc nước nhằm khử khuẩn cho nước trong máy lọc.

Về hình dạng, đèn UV trang bị cho máy lọc nước tương tự một bóng đèn huỳnh quang được lắp đặt ngầm trong nước. Khi dòng nước chảy qua, đèn có tác dụng khử vi khuẩn nhưng không làm thay đổi mùi vị của nước.

Bình lọc cá nhân cũng là một sản phẩm tiện dụng.

Tuy nhiên, người dùng khi chọn mua cần lựa chọn loại đèn UV phù hợp công suất của máy lọc nước, khoảng 10W đối với máy lọc dùng trong gia đình.

Khi không cần lọc nước, người dùng cũng không cần tắt đèn đi. Và để bảo đảm đèn hoạt động tốt, người dùng nên vệ sinh đèn thường xuyên và lắp đèn vào nguồn điện có điện áp ổn định.

Tùy nhãn hiệu và kích cỡ, các loại đèn UV trên thị trường có giá từ 700.000 đồng trở lên. Người quan tâm có thể tham khảo sản phẩm của nhãn hiệu Karofi, SMY, Aqua Pro…

Theo ghi nhận, thị trường có nhiều nhãn hiệu máy lọc nước gia đình cho người tiêu dùng lựa chọn, như Kangaroo, Karofi, Sunhouse, Coway, Pureit, Toshiba… Giá bán từ khoảng 3 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng/máy tùy theo thương hiệu, công nghệ lọc và công suất.Người dùng cũng lưu ý không nên chọn mua những loại máy lọc giá rẻ không rõ thương hiệu. Khi lõi lọc quá cũ hoặc hư hỏng, có thể thay mới bằng các loại lõi cùng nhãn hiệu bán trên thị trường.Ngoài ra, người dùng cũng có thể chọn mua các thiết bị lọc nước gắn tại vòi nước gia đình với giá từ 400.000 đồng trở lên, bên ngoài bằng inox và lõi lọc bằng sứ. Những thiết bị này có thiết kế nhỏ gọn, được gắn trực tiếp vào vòi nước để lọc các chất gây hại, khử mùi.

Bình lọc nước cá nhânNgoài các thiết bị lọc nước có dung tích lớn thiết kế dành cho gia đình, thị trường cũng có nhiều thương hiệu thiết bị lọc nước cá nhân. Thiết bị lọc nước cá nhân phổ biến là bình lọc nước với kiểu dáng nhỏ gọn như bình đựng nước thông thường, dễ sử dụng. Với thiết bị này, người dùng có thể để tại bàn làm việc, mang theo trong chuyến dã ngoại, chơi thể thao hoặc thay thế bình nước cá nhân khá tiện lợi.Về thiết kế, hiện có nhiều mẫu mã bình lọc nước cá nhân với kiểu dáng bắt mắt bày bán tại nhiều cửa hàng, các trang thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo… Chúng có giá bán từ 300.000 đồng trở lên. Theo sự giới thiệu của nhiều hãng, bình lọc nước cá nhân này thường có thiết kế lõi lọc bằng nano, giúp lọc sạch nước và có thể uống ngay. Tùy dung tích lớn nhỏ mà lượng nước có thể lọc được mỗi lần có khác nhau, ít nhất là từ 200ml trở lên.Nên chọn loại bình lọc cá nhân cho người chuyên chơi các môn thể thao như đạp xe, chạy bộ, có dung tích khoảng 700ml, loại vòi nhỏ với lượng nước vừa phải mỗi lần uống, có quai xách hoặc dây đeo tiện mang theo. Loại bình vòi nhỏ này sẽ không thích hợp nếu dùng cho người cần uống mỗi lần một lượng nước khá nhiều.Người dùng có thể chọn mua bình lọc nước cá nhân của các nhãn hiệu Aquasana, Carryon, Brita, Torayvino… xuất xứ từ các nước như Đức, Mỹ, Nhật Bản. Cụ thể, có thể kể tới bình lọc nước cầm tay Aquasana với dung tích 650ml, sản xuất tại Mỹ; bình lọc nước Dafi Atria được nhập khẩu từ châu Âu; bình lọc nước Purisoo của Hàn Quốc…

Thái Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kinh nghiệm thiết kế không gian bếp cho căn hộ chung...

0
Căn bếp được đánh giá là một khối chức năng phức tạp nhất trong tổng thể căn hộ chung cư, đòi hỏi nhà thiết...

Bật mí hệ thống lọc nước tối tân từ A. O....

0
Không chỉ tiện nghi và đẹp với trăm góc sống ảo, penthouse của Dino Vũ còn được hoàn thiện với các chất liệu và...

A. O. Smith áp dụng công nghệ mới giúp nhận biết...

0
Trước thực trạng lõi lọc giả, lõi lọc chất lượng kém bán tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe...

Kết nối