(SGTT) - Sau Hà Nội, Bình Dương, TPHCM, cuốn sách “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành tháng 11-2023) đã được nhóm biên soạn tổ chức giao lưu với sinh viên, giảng viên, chuyên gia cùng các độc giả tại trường Đại học Cần Thơ vào sáng ngày 11-12.
Nhóm tác giả sách “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh” gồm 25 chuyên gia hàng đầu về phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Sách gồm 4 phần, 23 chương. Phần đầu nói về xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển; Phần thứ hai tập trung vào chủ đề nông công nghiệp, doanh nghiệp và nguồn nhân lực; Phần thứ ba đề cập đến vấn đề hội nhập và tận dụng ngoại lực để phát triển đất nước; Phần thứ tư, các tác giả xoay quanh đề tài hướng đến phát triển bền vững, bao trùm.
Đây là tập hợp nhiều kết quả nghiên cứu, nhận định, phân tích, kiến giải về một tương lai phát triển bền vững, hùng cường của Việt Nam vào năm 2045. Bằng cách kết hợp kinh nghiệm thực tiễn, góc nhìn sâu sắc cùng sự nhạy bén của nhiều chuyên gia, cuốn sách mang đến cho người đọc một cái nhìn tổng quan về kinh tế-xã hội, những vấn đề đặt ra cũng như giải pháp cần thiết vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh.
Nhóm chủ biên cuốn sách là Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản, từng là thành viên Tổ chức tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hiện là thành viên Hội đồng cố vấn dự án Việt Nam 2045 của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam và nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, chuyên gia tư vấn giáo dục và nghiên cứu lịch sử.
Giáo sư Trần Văn Thọ cho biết, cuốn sách ra đời để góp tiếng nói vào cuộc thảo luận của toàn xã hội về mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam. “Cụ thể sách sẽ trả lời câu hỏi: Để đạt mục tiêu dân giàu nước mạnh trong khoảng hai thập niên tới, Việt Nam cần chuẩn bị những tiền đề gì? Về các tiền đề này, cuốn sách sẽ bàn vấn đề cần đổi mới thể chế ở những lĩnh vực nào? Cần chiến lược, chính sách cụ thể gì để kinh tế phát triển nhanh, bền vững?”, ông chia sẻ.
Theo bà Phạm Chi Lan, để tiến tới một Việt Nam có nền kinh tế phát triển vào năm 2045 là một hành trình dài, nhiều gian nan, thử thách. “Kinh tế thế giới lẫn Việt Nam luôn có sự chuyển biến nhanh chóng, vì vậy, thế hệ trẻ khi đọc cuốn sách này cần hiểu những giá trị mà thời đại mới đặt ra nhằm nắm bắt thời cơ đưa đất nước phát triển thịnh vượng”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Ông Trần Hữu Phúc Tiến kỳ vọng, những nội dung đề cập trong trong sách sẽ là đề tài để các bạn sinh viên tranh luận, đồng thời mong muốn nhiều trí thức trẻ hôm nay sẽ trở thành tác giả của các công trình nghiên cứu, tác phẩm phản biện tương tự trong tương lai.
Lạc Long