Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Nhiều dự án bệnh viện bị đình trệ

MINH AN –  

Trước thực trạng quá tải bệnh viện ngày càng trầm trọng, nhiều công trình dự án trọng điểm của ngành y tế TPHCM được khởi công. Nhưng sau đó đa phần các dự án bị chậm tiến độ vì thiếu vốn, hoặc chậm giải phóng mặt bằng. Vì vậy người dân thành phố còn phải chờ đợi khá lâu để có thể khám chữa bệnh tại các bệnh viện mới.

Quy hoạch một loạt dự án bệnh viên

Thống kê của Sở Y tế TPHCM cho thấy tình trạng quá tải tại các bệnh viện ngày càng gia tăng. Năm 2015 công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM là 170%, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình ở mức 116%, hay Bệnh viện Nhi đồng 2 là 109%.

Mặc dù ngành y tế đã thực hiện các biện pháp như đề án đưa bác sĩ bệnh viện tuyến trên xuống chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, mở phòng khám vệ tinh, bệnh viện vệ tinh… nhưng tình trạng quá tải vẫn không hề thuyên giảm.

Vào giữa tháng 4-2016, tại hội thảo “Xu hướng quốc tế và phát triển bệnh viện”, ông Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của Sở Y tế cho biết hiện tại ở cụm y tế Tân Kiên (Bình Chánh) có nhiều dự án đang kêu gọi đầu tư như dự án Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Tai Mũi Họng cơ sở 2, Bệnh viện Truyền máu Huyết học (300 giường, tương đương 500 tỉ đồng), Bệnh viện Ung Bướu (quy mô 1.000 giường), trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – cơ sở 2 (quy mô đầu tư 2.500 tỉ đồng)…

Cũng theo ông Duy, theo kế hoạch, từ năm 2016-2020, TPHCM sẽ có 89 dự án lĩnh vực y tế được đầu tư với tổng vốn 21.641 tỉ đồng. Ngoài việc chi ngân sách đầu tư cơ sở y tế công, chính quyền thành phố đã chấp thuận chủ trương cho tư nhân đầu tư xây dựng bệnh viện theo hình thức hợp tác đối tác công tư như dự án Bệnh viện Tân Bình, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, quận 1, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tại Khu đô thị mới Nam thành phố theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao); cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu tại phường Tân Phú, quận 9 có tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng trên diện tích 5 ha.

Nhiều dự án chậm triển khai

Ngày 16-5 vừa qua, Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân đã họp với Sở Y tế thành phố về nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các bệnh viện. Đại diện Sở Y tế cho biết, nhiều dự án xây mới, cải tạo bệnh viện của thành phố triển khai quá chậm.

Cụ thể các dự án như khu khám bệnh mới của Bệnh viện Ung Bướu (số 47 đường Nguyễn Huy Lượng, phường 14, quận Bình Thạnh) sau 10 năm được phê duyệt đến nay vẫn chưa đủ thủ tục để khởi công xây dựng; Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh) sau 6 tháng khởi công san lấp mặt bằng tới nay vẫn chưa giải tỏa xong; dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (một trong những bệnh viện cửa ngõ của thành phố) sau nhiều năm được phê duyệt vẫn chưa hoàn tất hồ sơ…

Đặc biệt, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, tại phường Tân Phú, quận 9, được ngành y tế lên kế hoạch chi tiết trong việc giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công gần 10 năm nay. Đến khi việc đền bù, giải phóng mặt bằng hoàn tất, tháng 3-2015 bệnh viện Ung Bướu đã phát đi thông báo khởi công vào đầu tháng 4, nhưng sau đó một số nhà thầu khiếu kiện trong việc tổ chức đấu thầu.

Trước thực trạng đó, kế hoạch khởi công bệnh viện tiếp tục trì hoãn, và chưa biết đến khi nào dự án được khởi công thật sự.

Dự án Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đang trong tình trạng chậm tiến độ xây dựng. Trước đó, dự kiến đến cuối năm 2016 bệnh viện này sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành nhưng thông tin từ ban quản lý dự án cho biết, việc giải ngân vốn chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ, đặc biệt là công tác đấu thầu mua trang thiết bị y tế.

Dự án Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có 14 hạng mục trang thiết bị y tế, nhưng đến nay Bộ Y tế mới chỉ đồng ý 4 hạng mục, còn 10 hạng mục đang chờ đấu thầu. Bên cạnh đó, tổng vốn xây dựng bệnh viện là 1.033 tỉ đồng, nhưng đến nay, dù đã hoàn thành 90% phần xây dựng cơ bản nhưng mới giải ngân được 450 tỉ đồng.

Còn dự án Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2012, nhưng đến tháng 5-2014, UBND huyện Bình Chánh mới duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng dự án này. Đến nay, dự án vẫn nằm yên bất động.

Ông Huỳnh Văn Biết, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, chia sẻ mặc dù lãnh đạo sở đã cố gắng nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành được bệnh viện cửa ngõ nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người dân đổ về trung tâm TPHCM vui chơi dịp giỗ...

0
(SGTT) - Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người TPHCM đã tìm về các địa điểm ở trung tâm thành phố để vui chơi,...

Còn khoảng 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được...

0
(SGTT) -  Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2024, cả nước còn khoảng 32.000 tỉ đồng...

Đang lắp đặt trạm dừng chân tạm trên tuyến cao tốc...

0
(SGTT) - Theo ghi nhận Kinh tế Sài Gòn Online, trên tuyến cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang đang có nhiều điểm thi...

Bộ Xây dựng đề nghị xử lý hành vi ‘thổi giá’...

0
(SGTT) - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá và...

Ngắm cầu gỗ dài nhất Việt Nam từ trên cao

0
(SGTT) – Với độ dài khoảng 800m, cầu gỗ ông Cọp là điểm check-in được nhiều du khách tìm đến khi ghé thăm xứ...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa đơn giản với bún thịt...

0
(SGTT) – Bún tươi ăn cùng thịt heo quay giòn rụm là món ăn trưa đơn giản, được nhiều người lựa chọn. Khi thưởng...

Kết nối