Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nhật Bản và bài toán dân số già

Hoàng Xuân Phương

Sau hai thập niên trì trệ, Nhật Bản đang nỗ lực để đưa con ngựa kinh tế trở lại đường đua, bằng việc gia tăng năng suất lao động lên ngang tầm Hoa Kỳ và Đức, và bằng việc mở rộng lực lượng lao động đến giới nữ và cho cả những người già bắt đầu nghỉ hưu.

Gánh nặng dân số già

Nhật Bản hiện là nước già nhất thế giới với hơn 25% dân số có tuổi đời lớn hơn 65. Nhưng tỷ lệ này tiếp tục tăng nhanh, dự kiến sẽ chiếm đến 36% vào năm 2040.

Dân số Nhật Bản đã gia tăng gần gấp ba trong thế kỷ 20 và đạt đến đỉnh cao 128 triệu người vào năm 2010. Nhưng nay với tỷ suất sinh đẻ giảm xuống, tuổi thọ tăng lên và không có các cuộc di cư đáng kể khiến đất nước này phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số và sự thiếu hụt lực lượng lao động một cách nhanh chóng.

Với tình trạng dân số như hiện nay, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) dự báo Nhật Bản chỉ có thể duy trì mức độ tăng trưởng GDP 1% mỗi năm cho đến năm 2040. Trong trường hợp năng suất lao động bình quân chỉ tăng 1,2% tính trên GDP/đầu người thì đến năm 2040 Nhật Bản cần có đội ngũ lao động lên đến 62 triệu người. Nhưng thực tế lúc đó nước này chỉ còn 49 triệu người ở trong lứa tuổi lao động, thiếu hụt đến 25%.

Lực lượng người già quá đông đã tạo áp lực lên nền kinh tế và an sinh xã hội của Nhật Bản.

Hy vọng từ doanh nghiệp tư nhân

Để giải quyết thách thức trên, chính phủ nước này đã kêu gọi sự đóng góp quan trọng hơn nữa từ phía các doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế.

Nhật Bản đang dẫn đầu thế giới trong nhiều ngành công nghiệp tiên tiến nhưng năng suất lao động bình quân của công nhân nước này thấp hơn cùng ngành, cùng tuổi tại Hoa Kỳ hay tại Đức đến một phần ba. Trong khi các tập đoàn kinh tế và những công ty lớn sẽ còn tiếp tục chậm trễ trong việc cải thiện năng suất lao động, thì một điều tra mang tên “The future of Japan: Reigniting productivity and growth”t thực hiện bởi Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) cho biết nhóm doanh nghiệp tư nhân sẽ vươn lên dẫn đầu quá trình cải cách này.

Báo cáo cho thấy nhóm doanh nghiệp này có khả năng tăng thêm năng suất lao động từ 50% đến 70%, đơn giản chỉ bằng việc ứng dụng công nghệ mới và phương thức quản lý kinh doanh hiện đại. Chính loại hình doanh nghiệp tư nhân này là môi trường tốt nhất để tạo thêm công ăn việc làm và vị trí lãnh đạo cho nữ giới. Với truyền thống Nhật Bản, việc này đòi hỏi những thay đổi về chính sách, phương pháp quản trị, và nhất là tập quán văn hóa vốn có. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân vốn linh động hơn trong việc tạo nên những giá trị tăng thêm mới bằng việc tung ra các dòng sản phẩm hay dịch vụ, đẩy mạnh ranh giới nghiên cứu sáng tạo, và xâm nhập vào các thị trường mới.

Bằng việc giảm thiểu chi phí và đưa vào dây chuyền những giá trị tăng thêm mới, nhóm doanh nghiệp tư nhân này sẽ bổ sung vào tổng GDP của năm 2025 tại Nhật Bản thêm 1.400 tỉ đô la Mỹ, cao hơn đến 30% giá trị so với lộ trình kinh tế trước đây, và nâng mức tăng GDP hàng năm của Nhật Bản lên đến 3% thay vì chỉ 1,3% như hiện nay. Như vậy, tổng GDP của nước này được dự kiến 4.900 tỉ đô la Mỹ và tiếp tục tăng lên trong khoảng 5.768-6.290 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.

Các lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp hiệu quả nhất gồm công nghệ chế tạo với mức đóng góp 109-186 tỉ đô la Mỹ, ngành bán lẻ 105-156 tỉ đô la, dịch vụ tài chính 96-120 tỉ đô la và ngành chăm sóc sức khỏe tăng thêm từ 14 tỉ đô la đến 21 tỉ đô la.

Hiện lực lượng lao động nữ lên đến hàng triệu người sẵn sàng để tham gia vào hệ thống doanh nghiệp tư nhân, ở cả trong lực lượng lao động và trong các vị trí sáng lập hay lãnh đạo, điều hành. Chính phủ Nhật Bản hy vọng với các chính sách thúc đẩy tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển sẽ đẩy tỷ lệ phụ nữ trong lứa tuổi 24 đến 44 tham gia doanh nghiệp lên đến 80%, so với 71% hiện nay.

Những giải pháp căn cơ

Bên cạnh khuyến khích tăng trưởng kinh tế tư nhân, Chính phủ Nhật Bản cũng bắt đầu thay đổi các luật lệ và quy định để tạo môi trường thuận lợi cho những người lớn tuổi còn sức khỏe, còn năng lực tiếp tục cống hiến vào nền kinh tế. Cả nước hiện có 6,1 triệu người lứa tuổi 60-62 tiếp tục làm việc trong các công ty, xí nghiệp, chiếm 20% tổng lượng người của lứa tuổi lao động. Nhưng một cuộc điều tra của chính phủ gần đây cho thấy có đến 66% số người lớn tuổi muốn được tiếp tục làm việc. Điều này buộc Nhật Bản phải xem xét lại tất cả hệ thống luật lệ để bảo đảm cho những người lớn tuổi, kể cả những người từ 65 tuổi trở lên có thể tiếp tục làm việc.

Trở lực ngăn cản sự tham gia của người lớn tuổi vào lực lượng lao động hiện nay chủ yếu từ phía công ty, doanh nghiệp. Họ cho rằng cần phải tiết giảm chi phí để cạnh tranh, cho rằng không có hệ thống quản lý người già, và những người lớn tuổi không còn động lực phấn đấu để thăng tiến, điều mà các ông chủ vẫn dùng để bóc lột nhân công. Nhưng tình trạng này nay dần được xóa bỏ với cách tiếp cận, cả từ phía chính phủ lẫn từ phía doanh nghiệp.

Cách tiếp cận thứ nhất, khá phổ biến, là các doanh nghiệp chấp nhận trả lương cho người lớn tuổi theo khối lượng công việc mà họ làm được, tính trên sản phẩm, giá trị dịch vụ hay thời gian cống hiến. Điều này không làm cho chi phí doanh nghiệp tăng lên, trái lại nhờ vào kinh nghiệm những người lớn tuổi có khả năng rút ngắn công việc cho doanh nghiệp. Ở Công ty Thực phẩm Kagome hay Công ty Bán hàng Takashimaya, người lớn tuổi có thể sắp xếp làm việc toàn thời hay bán thời gian.

Một tiếp cận khác được khởi xướng bởi Bộ An sinh, Lao động và Sức khỏe nhằm tạo cho những người lớn tuổi khỏe mạnh chăm sóc những người già yếu. Điều này giúp cho một lực lượng trẻ có thể tham gia vào lĩnh vực khác, và giúp cho các cụ già có môi trường tâm lý tốt hơn nhờ giao tiếp, chuyện trò thân mật với nhau.

Nhưng cách tiếp cận thứ ba đang được chú ý nhất với việc tạo nên những hệ thống để các người lớn tuổi có thể tham gia vào công việc cụ thể tại các công ty. Hệ thống Mitsui gồm các cụ già có tài năng, có kinh nghiệm đang cố vấn cho hơn 650 doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các ngành kỹ nghệ khác nhau. Trong khi đó Mystar 60 cũng là một mạng lưới cố vấn của các cụ già, và Mystar Engineering cung cấp cho doanh nghiệp cả cách để mở rộng thị trường.

Với những giải pháp này, nước Nhật hy vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng kinh tế sau nhiều năm trì trệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Phong trào chạy bộ nở rộ nhưng không phải ai cũng...

0
(SGTT) - Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các bác...

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Kết nối