Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Nhà trường hợp tác với doanh nghiệp, sinh viên vui

Đức Tâm

Chuyện hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường khá phổ biến từ nhiều năm qua, nhưng hợp tác kiểu như Công ty cổ phần Sài Gòn đầu tư kỹ thuật xây dựng (ECI Saigon) và trường Cao đẳng nghề kinh tế công nghệ TPHCM (TEC) là cùng xây dựng chương trình, cùng đào tạo và “bao tiêu sản phẩm” thật sự vẫn chưa nhiều…

Nhà trường nên là bên chủ động

Xuất phát từ việc sinh viên ra trường không tìm được việc làm do không đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp lại than không tuyển được nhân sự, ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng trường TEC, quyết định gõ cửa doanh nghiệp để cùng tìm cơ hội hợp tác.

Qua các mối quan hệ, ông tìm đến ECI Saigon. “ECI Saigon cần sinh viên ra trường phải biết làm việc, hiểu và thích nghi nhanh với công việc. TEC muốn sinh viên ra trường phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và có việc làm. Hai bên tìm được điểm chung và bắt tay hợp tác theo một hợp đồng chiến lược năm năm kể từ ngày 18-3-2015”, ông Lý cho biết.

Sinh viên TEC được học và thực tập ngay tại công trường xây dựng. Ảnh: Trường TEC
Sinh viên TEC được học và thực tập ngay tại công trường xây dựng. Ảnh: Trường TEC

Theo đó, TEC sẽ điều chỉnh chương trình học đối với sinh viên ngành kỹ thuật xây dựng trong khung giới hạn cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo góp ý của ECI Saigon. Những môn học chuyên ngành xây dựng, sinh viên sẽ học ngay tại công trường với sự giảng dạy của giảng viên trường TEC và hướng dẫn thực tập của chuyên viên ECI Saigon. Sinh viên được thực tập ngay khi đang học. Sai đâu sửa đó đến khi nào thuần thục thì chuyển sang môn kế tiếp.

Nói về cái lợi của chương trình, Nguyễn Như Hùng, sinh viên năm thứ ba của TEC, chia sẻ: “Sinh viên được thực tập ngay những điều vừa học, nắm bắt kiến thức và kỹ năng rất nhanh”.

Trong câu chuyện giữa ECI Saigon và TEC, để đi đến việc hợp tác cần rất nhiều nỗ lực của cả hai bên. Ông Nguyễn Đăng Lý cho biết: “TEC là một trường cao đẳng nghề nên thời gian thực tập chiếm đa số trong chương trình đào tạo nên chúng tôi dễ điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp”.

Nhưng liệu việc điều chỉnh giáo trình theo yêu cầu của doanh nghiệp A có khiến sinh viên ra trường không thể làm cho doanh nghiệp B? Trả lời câu hỏi này, ông Lý nói: “Chúng tôi điều chỉnh giáo trình đúng với những yêu cầu chung của doanh nghiệp, đi từ những bước cơ bản nhất mà một người lao động cần biết nên không sợ gặp phải trường hợp thích hợp với doanh nghiệp này mà lại không thích hợp với doanh nghiệp kia”.

Động lực để doanh nghiệp hợp tác

Chia sẻ về động lực hợp tác với TEC, ông Đỗ Trung Đức, Phó tổng giám đốc ECI Saigon, cho biết việc hợp tác này xuất phát từ quan điểm của lãnh đạo công ty về nguồn nhân lực.

“Thay vì phải đi tìm nguồn nhân lực, sàn lọc, rồi tái đào tạo, chúng tôi quyết định hợp tác với nhà trường để chủ động nguồn nhân lực. Nhà trường cung cấp kiến thức, chúng tôi giúp trang bị kỹ năng và thái độ đúng mực với nghề nghiệp. Trong quá trình học tập tại công trường, chúng tôi biết rõ ai sẽ là người phù hợp với doanh nghiệp”, ông Đức nói.

Xét về bài toán kinh tế, ông Võ Thanh Hà, Phó giám đốc kinh doanh của ECI Saigon làm một so sánh nhỏ: nếu phải tuyển kỹ thuật đội – người kỹ thuật phụ trách quản lý trực tiếp 40-50 công nhân công trường, mất rất nhiều thời gian. Sau đó, tốn chi phí trả cho họ trong quá trình thử việc. Chưa kể nếu họ không hợp, lại phải tuyển lại. Quá trình này nhân lên 20 lần để tuyển kỹ thuật đội cho 20 công trình, rất tốn kém.

Trong khi đó, với nguồn nhân lực hợp tác cùng nhà trường, trong quá trình thực tập, ít nhiều thì sinh viên cũng góp phần tham gia vào quá trình làm việc. Chỉ cần 50% đạt yêu cầu, khoảng 20 người là đã có 20 kỹ thuật đội lành nghề, hiểu văn hóa công ty khi ra trường. “Như vậy, xét về dài hạn, chúng tôi vẫn có lợi. Hy vọng việc hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cả ba bên: doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên”.

Vậy liệu doanh nghiệp có sợ rủi ro khi sinh viên do mình góp phần đào tạo sẽ chọn doanh nghiệp khác để làm việc? Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Trung Đức cho biết mức lương ECI Saigon trả đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời môi trường làm việc đủ tốt để giữ chân nhân viên.

Qua câu chuyện trên có thể thấy rằng để doanh nghiệp và nhà trường có thể hợp tác thì điều kiện tiên quyết là chương trình đào tạo của nhà trường phải đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Quan trọng không kém là tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp trong việc xây dựng nguồn lực cho chính mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Học nấu món miền Tây bên dòng sông Tiền

0
(SGTT) - Nằm êm đềm bên dòng sông Tiền, du khách đến Mekong Riverside Boutique Resort & Spa (thành viên Sáng kiến Điểm đến...

Ngắm tulip nở rộ tại vườn hoa lớn nhất thế giới

0
(SGTT) – Vườn hoa tulip lớn nhất thế giới Keukenhof (Hà Lan) đang thu hút đông đảo du khách ghé thăm nhờ hàng triệu...

Kết nối