BS CKI Cao Thanh Ngọc(*) -
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM từng tiếp nhận người bệnh nữ, 42 tuổi, ngụ ở An Giang, nhập viện trong tình trạng ói ra máu, xuất huyết đường tiêu hóa do tự ý săn tìm thuốc chữa viêm khớp.
Người bệnh từng bị sưng khớp, đi khám và được chẩn đoán là viêm khớp dạng thấp. Bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng viêm để điều trị. Tuy nhiên, sau một tuần dùng hết thuốc, người bệnh không quay lại tái khám mà được hàng xóm mách bảo có một loại thuốc dân dã chữa bệnh khớp rất hay. Người bệnh đã mua về sử dụng và cảm thấy triệu chứng đau nhức giảm hẳn.
Tuy nhiên, người bệnh phải sử dụng thuốc liên tục, hết thuốc thì triệu chứng lại bắt đầu xuất hiện trở lại. Tự chữa bằng loại thuốc dân dã này liên tục trong ba tháng, người bệnh bị ói ra máu, phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Do người bệnh có một thời gian dài sử dụng loại thuốc dân dã nhưng có chứa chất Corticoid và tạo ta tình trạng lệ thuộc thuốc, gọi là bị hội chứng Cushing. Bác sĩ phải vừa điều trị bệnh viêm khớp, vừa “cai thuốc” cho người bệnh.
Việc sử dụng thuốc giảm đau có hai loại. Một là thuốc kháng viêm không chứa Corticoid. Khi người bệnh tự sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ có thể gây ra những tác dụng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa hoặc làm tăng những biến cố về bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, gây suy thận nặng hơn.
Hai là thuốc kháng viêm có chứa Corticoid. Khi mới dùng thì người bệnh rất thoải mái, dễ chịu, giảm đau, ăn ngon, ngủ dễ. Nếu người bệnh không biết, vẫn sử dụng trong một thời gian dài với liều cao thì sẽ dẫn đến những biến chứng như loãng xương, tăng huyết áp, tiểu đường, rạn da, dễ nhiễm trùng, đục thủy tinh thể… Những triệu chứng trên gọi chung là hội chứng Cushing.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm khớp
Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một bệnh lý viêm khớp có tính chất tự miễn, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính màng hoạt dịch ở nhiều khớp và có hoặc không các tổn thương ngoài khớp. VKDT có biểu hiện sưng đau nhiều khớp kèm theo tình trạng cứng khớp buổi sáng kéo dài. Bệnh biểu hiện rõ khi thời tiết thay đổi hoặc khí trời ẩm ướt.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở tất cả các chủng tộc và lứa tuổi. Lứa tuổi thường bị bệnh nhiều nhất là 30-50 tuổi (chiếm 73-85%). Nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam gấp 2-6 lần. Nam giới mắc bệnh có xu hướng nặng nề hơn nữ giới.
Các khớp thường bị ảnh hưởng là khớp nhỏ ở cổ tay, bàn tay, cổ chân, bàn chân. Ngoài ra, tất cả các khớp khác cũng đều có thể bị ảnh hưởng như khớp khuỷu, vai… Nếu không được điều trị, khớp viêm có thể tiến triển đến hẹp khe khớp, dính, biến dạng khớp và gây tàn phế.
Dấu hiệu và nguyên nhân
Dấu hiệu chủ yếu của viêm khớp sớm trong VKDT là đau và sưng khớp. Khớp viêm có thể sưng, nóng, song thường ít tấy đỏ. Tình trạng viêm khớp được cho là đang hoạt động nếu đau khi sờ nắn hoặc khi vận động khớp thụ động. Sưng khớp có thể là sưng nề phần mềm quanh khớp hoặc sưng tại khớp. Sưng tại khớp thường kèm theo các dấu hiệu của tràn dịch khớp.
Người bệnh cần đi khám khi có các dấu hiệu như đau nhức khớp hoặc cứng khớp thường xuyên vào buổi sáng; đau khớp dai dẳng, nặng thêm theo thời gian; khớp sưng, nóng, đau đối xứng; đau khớp, mệt mỏi, đôi khi sốt như cúm làm hạn chế vận động, hoạt động hàng ngày; sưng đau khớp kéo dài trên hai tháng ở phụ nữ trung niên.
VKDT là bệnh lý tự miễn, nghĩa là cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của màng hoạt dịch khớp gây viêm khớp. Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Sự xuất hiện của bệnh được cho là do sự tương tác giữa các yếu tố di truyền, môi trường, hoóc môn, miễn dịch và nhiễm trùng. Các yếu tố về kinh tế xã hội, tâm lý và lối sống (chẳng hạn vấn đề hút thuốc lá, uống cà phê, tiếp xúc sillicon) có thể ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh có thể khởi phát sớm hơn ở những người hút thuốc lá.
Cần chẩn đoán sớm bệnh
Chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng bởi vì tổn thương phá hủy khớp có thể xuất hiện rất sớm trong quá trình của bệnh. Khoảng 30% người bệnh có biểu hiện bào mòn xương tại thời điểm chẩn đoán và tỷ lệ này có thể tăng lên 60% trong vòng hai năm. Tuy nhiên, VKDT khó chẩn đoán vì không có một xét nghiệm riêng nào dành cho bệnh này. Bệnh dễ chẩn đoán nhầm cũng như dễ bỏ sót.
Chính vì vậy, người bệnh cần đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán sớm. Khi khám bệnh, người bệnh cần mô tả kỹ các triệu chứng. Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng kết hợp với một số xét nghiệm để chẩn đoán. Bệnh này không chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu người bệnh đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm và được chữa đúng thì khớp sẽ hết viêm, người bệnh sẽ hết đau và tránh được biến dạng khớp, tàn phế về sau.
Bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng thuốc, có hai nhóm thuốc được chỉ định. Một là thuốc điều trị triệu chứng để cho người bệnh giảm sưng đau khớp trong giai đoạn đầu. Song song đó, bác sĩ sẽ cho những thuốc cơ bản trong điều trị bệnh như Methotrexate hoặc các thuốc mới như thuốc sinh học nếu người bệnh không đáp ứng với điều trị cơ bản. Bên cạnh việc dùng thuốc thì người bệnh cũng cần áp dụng các biện pháp khác như tập thể dục nhẹ nhàng và áp dụng chế độ ăn uống cân bằng.
Tác dụng phụ của thuốc
Tác dụng phụ thường gặp của các thuốc kháng viêm trong điều trị viêm khớp là gây ra kích ứng dạ dày, do đó những triệu chứng cồn cào nóng bụng có thể là do dạ dày bị viêm khi dùng thuốc. Người bệnh cần báo cho bác sĩ điều trị biết điều này. Thông thường bác sĩ sẽ cho thuốc bảo vệ dạ dày phối hợp. Nếu tình trạng không giảm thì phải cân nhắc đổi sang loại thuốc khác ít kích ứng dạ dày hơn. Nếu người bệnh không chú ý thì dùng lâu dài có thể gây ra loét dạ dày tá tràng dẫn đến xuất huyết tiêu hóa có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Thường thì người bệnh không tuân thủ điều trị, chỉ đi khám lần đầu thấy bệnh chưa ổn hoặc ổn rồi thì người bệnh tự điều trị, lấy toa thuốc cũ đi mua thuốc uống tiếp, dẫn đến người bệnh uống liều cao liên tục sẽ gây ra những tác dụng phụ. Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất trong điều trị VKDT là việc lạm dụng các thuốc giảm đau một cách thái quá hoặc sử dụng các chế phẩm “giả danh” thuốc nam, thuốc bắc, đông y, các bài thuốc gia truyền, thực chất pha Dexametha-sone, làm giảm triệu chứng nhanh chóng nhưng để lại hậu quả về sau cực kỳ nghiêm trọng như tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, béo phì… Điển hình là hội chứng Cushing như má đỏ do giãn tĩnh mạch, tụ mỡ ở vùng gáy (lưng trâu), da mỏng, tăng huyết áp, rạn da bụng, tụ mỡ bụng, teo cơ ở tay và chân, khó lành vết thương.
---------
(*) Phòng khám Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.