Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Người thổi hồn cho Macramé

(SGTT) – Những năm gần đây, tại TPHCM, nghệ thuật đan Macramé nổi lên như một thú vui mang tính giải trí của nhiều người. Với Võ Thị Mỹ Diễm, đây được xem là nghề không chỉ giúp cô lập nghiệp thành công mà quan trọng hơn là nhận ra giá trị của mình.

Mỹ Diễm bên những sản phẩm sáng tạo của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đến thăm căn hộ của Võ Thị Mỹ Diễm ở quận Phú Nhuận, TPHCM vào một trưa hè, người viết rất ấn tượng với căn phòng tràn ngập sản phẩm Macramé tinh tế. Cô tự hào cho biết mình là một trong những người đầu tiên làm Macramé tại TPHCM.

Bà chủ ở tuổi 23

Vốn bị bệnh thấp khớp từ nhỏ, Mỹ Diễm phải vào bệnh viện hằng tháng. Vì thế, cô luôn tự ti rằng mình quá yếu ớt và là gánh nặng của gia đình cho đến khi tìm thấy… Macramé. Từ một cô gái ốm yếu, Mỹ Diễm đã trở thành bà chủ, tự lo được chi phí chữa bệnh hằng tháng cho mình.

Năm 2015, sau khi biết đến nghệ thuật đan, thắt sợi Macramé do một người bạn giới thiệu, Mỹ Diễm đã bắt đầu tìm học và làm ra những thành phẩm đầu tiên. Những sản phẩm cô làm ra rất khéo léo, tinh tế và nhận được nhiều lời khen khi chia sẻ trên mạng xã hội. “Tiếng lành đồn xa”, khách hàng tìm đến ngày một nhiều, Mỹ Diễm đã quyết định khởi sự kinh doanh Macramé từ đó.

Mỹ Diễm cho biết việc thắt Macramé dựa trên hai nút thắt (bằng tay) cơ bản và bảy đến tám nút thắt phụ, tạo ra những sản phẩm có họa tiết lạ mắt và đặc trưng. Nguyên liệu làm Macramé là sợi cotton dệt hoặc sợi se, có giá bán dao động từ 140.000 đồng đến trên 200.000 đồng/cuộn 1kg tùy vào kích cỡ của sợi. Để tiết kiệm chi phí phát sinh bởi các bên trung gian, Mỹ Diễm chọn đặt sợi với số lượng lớn ngay tại xưởng. Loại sợi se có độ co giãn ít hơn sợi dệt nên phù hợp làm các sản phẩm lớn và đòi hỏi sự chắc chắn như xích đu, võng… Thời gian làm ra một sản phẩm kéo dài khoảng vài giờ cho đến vài ngày tùy vào độ lớn và các chi tiết trên sản phẩm. Chẳng hạn, với những loại rèm lớn có chiều ngang 1,6m và chiều dài 2m, Mỹ Diễm phải làm liên tục trong hai ngày; còn những mặt hàng nhỏ như túi xách, cần khoảng 5 giờ đồng hồ để hoàn thành.

“Thông qua việc giới thiệu ra thị trường và định giá các sản phẩm đan Macramé, tôi mong muốn góp phần đa dạng hóa thị trường sản phẩm trang trí tại Việt Nam và góp phần nâng cao giá trị của hàng thủ công”.

Hợp tác, mở rộng thị trường

Ngoài làm hàng, Mỹ Diễm còn cung cấp vật liệu làm Macramé và dịch vụ làm sản phẩm theo yêu cầu. Các khách hàng dịch vụ bao gồm cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Một trong những khách hàng doanh nghiệp thân thiết của Mỹ Diễm là các studio áo cưới với loại cổng cưới. Ngoài ra, cô còn hợp tác trưng bày sản phẩm với các showroom và thiết kế phòng theo chủ đề Macramé cùng các đơn vị thiết kế nội thất.

Giá cả của những sản phẩm này khá cao, cụ thể, rèm cửa kích thước như trên có giá dao động từ 1,6-2,2 triệu đồng, ghế xích đu có giá từ 1,6-4 triệu đồng, các sản phẩm nhỏ như túi, mành treo tường có giá dao động từ 300.000 – 500.000 đồng… Mỹ Diễm cho biết cô định giá dựa trên chi phí làm ra sản phẩm, trong đó, giá một ngày công tối đa 500.000 đồng. Cô thừa nhận, sản phẩm của cô có giá hơi cao so với thị trường vì cô đầu tư rất nhiều thời gian, công sức. Doanh thu tối thiểu một tháng của Diễm là 15 triệu đồng, cô chỉ nhận từ 5 đến 15 đơn hàng mỗi tháng để bảo đảm chất lượng của sản phẩm.

Nhân rộng niềm đam mê

Bên cạnh đó, Mỹ Diễm còn mở khóa học thắt Macramé với học phí gần 1,5 triệu đồng/khóa. Tại đây, Mỹ Diễm thiết kế giáo trình bài bản để hướng dẫn học viên làm các vật dụng từ cơ bản đến nâng cao, đồng thời chia sẻ cho họ mẹo để làm nhanh và đẹp hơn. Đây cũng chính là điểm khác biệt của các khóa học này trên thị trường vì những khóa khác thường được tổ chức dưới dạng hội thảo nhỏ (workshop), chỉ tập trung dạy cách làm ra một sản phẩm nhất định. Học viên của Mỹ Diễm rất đa dạng, từ những người làm trong ngành thiết kế, nhân viên văn phòng đến bà nội trợ. Đa số họ tìm đến bộ môn Macramé để thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng.

Mỹ Diễm còn lập ra một nhóm chia sẻ kinh nghiệm đan Macramé trên Facebook với hơn 2.000 thành viên để trao đổi kinh nghiệm và duy trì kết nối với khách hàng và học viên cũ, nhờ đó mà cô thường xuyên nhận được đơn đặt hàng mỗi tháng và thu hút học viên đăng ký tham gia khóa học. Mỹ Diễm cho biết, hiện tại, các khách hàng tự tìm đến với Mỹ Diễm thông qua truyền miệng là chủ yếu. Bàn về các chiến thuật truyền thông để chủ động tìm kiếm khách hàng mới, cô cho biết vẫn chưa có đủ nguồn lực thực hiện và năng lực sản xuất còn thấp để đáp ứng nhiều nhu cầu hơn.

Macramé là nghệ thuật dệt vải sử dụng kỹ thuật đan, thắt nút được cho là bắt đầu từ thế kỷ 13 tại Ả Rập. Tuy nhiên, chính những người thủy thủ châu Âu đã góp phần to lớn vào việc lan truyền kỹ thuật thắt nút khắp thế giới vào giai đoạn 1700 – 1830. Trải qua hàng thập kỷ, Macramé có lúc thoái trào, song đã gây sốt trở lại và trở thành một hiện tượng vào những năm cuối thập niên 1970. Những năm gần đây, giới trẻ khắp thế giới đã sôi sục trào lưu làm Macramé nhờ vào sự lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, giới trẻ TPHCM cũng không phải là ngoại lệ. Các sản phẩm Macramé rất đa dạng như rèm cửa, vỏ gối, drap trải giường, túi xách, vòng tay, áo kiểu…

Hạnh Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Có những start-up lãng mạn

0
(SGTT) - Xuất hiện khoảng mươi năm trước, nhưng phải đến những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam mới phát...

Thú thưởng trà của người trẻ

0
(SGTT) - Những ngỡ trà sẽ bị lu mờ bên cạnh những loại nước uống có ga, bật lon kêu tanh tách của cuộc...

Tắm rừng và sự chữa lành

0
(SGTT) - New Zealand nổi tiếng với chương trình “đơn thuốc xanh”. Người Mỹ có hơn 150 dự án “đơn thuốc công viên”, người...

Cổng thiên đường ở Alhambra

0
(SGTT) - Bây giờ nghĩ lại, hành trình đến với “cổng thiên đường” của tôi bắt đầu từ những nguyên nhân rất đời thường....

Đắk Nông – 3 tuyến du lịch trải nghiệm không thể...

0
(SGTT) - Công viên Địa chất Đắk Nông được định hướng trở thành “Xứ sở của những âm điệu”, nơi hội tụ những thanh...

Công viên địa chất Đắk Nông – điểm đến mới năm...

0
(SGTT) - Tháng 10-2019, Công viên địa chất Đắk Nông được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) đề cử...

Kết nối