(SGTT) – Nằm ở ngoại ô thủ đô Amsterdam (Hà Lan), Zaanse Schans cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp đồng quê yên bình và hình ảnh những chiếc cối xay gió đặc trưng của đất nước này.
- Đến Hà Lan, thăm làng cổ Giethoorn đẹp như cổ tích vào cuối Thu
- Ascona, vùng đất yên bình ở miền Nam Thụy Sĩ
Với địa hình thấp, Hà Lan phải đối mặt với các nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng suốt chiều dài lịch sử. Để chống lại lũ lụt, người Hà Lan đã xây dựng các hệ thống thủy lợi như đê biển, trạm bơm... Theo đó, cối xay gió đóng vai trò quan trọng trong việc guồng nước đổ ra sông, ra biển nhằm giảm tình trạng ngập lụt.
Ngày nay, nhiều cối xay gió vẫn còn ở Hà Lan, đặc biệt ở làng Zaanse Schans với những chiếc cối có tuổi đời lên tới hàng trăm năm hay làng cối xay gió Kinderdijk - di sản thế giới được UNESCO công nhận năm 1997.
Nằm ở ngoại ô thủ đô Amsterdam, Zaanse Schans cuốn hút với lối kiến trúc đặc trưng của các ngôi nhà truyền thống Hà Lan.
Cảnh quan nơi đây yên tĩnh với những chiếc cối xay gió khổng lồ nằm bên dòng sông, những vườn hoa tulip trải dài, xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ cùng nhiều bảo tàng lớn nhỏ khác... cho du khách thỏa sức tham quan và mua sắm.
Theo TTXVN, ngôi làng Zaanse Schans có tổng cộng 13 chiếc cối xay gió, trong đó có sáu chiếc cối xay gió cổ nằm dọc theo bờ sông Zaanse thơ mộng. Những chiếc cối xay gió ở đây có những cái tuổi đời lên tới hơn 300 năm, được xây dựng từ thế kỷ 17.
Làng Zaanse Schans được bao quanh bởi dòng sông Zaan quanh năm uốn lượn hiền hòa, mỗi ngôi nhà như một "ốc đảo nhỏ".
Nếu muốn ngắm trọn cảnh đẹp Zaanse Schans, du khách có thể thuê một chiếc xe đạp để dạo qua những con đường nhỏ, ngắm nhìn một bên là cối xay gió, một bên là cánh đồng xanh ngút ngàn và nhiều ngôi nhà ống khói cao đậm chất đồng quê Tây Âu.
Du khách cũng có thể tản bộ, thong thả ngắm hoàng hôn buông xuống trên những chiếc cối xay gió đầy lãng mạn.
Ngoài cối xay gió, du khách có thể tham quan những ngôi nhà gỗ nhỏ và các xưởng chế tác thủ công. Hiện nay, mặc dù Zaanse Schans rất phát triển du lịch, nhưng người dân vẫn đang sinh sống bình thường trong các ngôi nhà này.
Nguyễn Phong