Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Nghệ thuật nhận biết toa thuốc hắc ám

Nguyễn Xuân Tuấn Anh(*) – 

Sau sáu năm tu luyện, bác sĩ nhà ta được “xuống núi” với 12 thành công lực. Từ một sinh viên, chàng trở thành lương y hành nghề cứu người. Cùng những bạn đồng môn, kẻ lên rừng, người xuống biển, tỏa ra khắp chốn thi hành y thuật. Từ đây câu chuyện bắt đầu, chuyện của những trò bá đạo!

polypharma

Nhân chi sơ tính bổn thiện, người sinh ra tính vốn hiền, thầy thuốc mới ra trường ai cũng lương thiện nhưng (chữ nhưng nghiệt ngã) do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố giáo dục, xã hội, môi trường… hay tốt hơn hết, cái gì không rõ ta đổ thừa cho gien (gene), một số nhà y mất đi cái tính lương. Phần ẩu, phần tham, phần dốt sẽ nổi lên mà át đi phần thiện, phần tài, phần đức. Vậy làm sao mà ta phân biệt được chánh tà đây?

Dựa vào bề ngoài thì bác sĩ nào cũng sáng ngời, áo bỏ trong thùng, quần ủi thẳng ly, sắc đến mức có thể đứt tay nếu chạm vào, đầu chải gel láng mướt, ruồi đáp xuống trợt té, mặt hồng hào nở nang, kính trắng lấp lánh cả một trời tri thức. Ăn nói rổn rảng cứ như thánh phán, bằng khen treo đầy phòng mạch. Khó mà dựa vào hình dạng bên ngoài để phân biệt tốt hay xấu. Tuy nhiên có một cách, đó là xem… toa thuốc.

Khi bạn đi khám bệnh, sau khi hỏi bệnh, khám bệnh, cho làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ sẽ chẩn bệnh và ra một toa thuốc. Nếu toa hay, bác sĩ mát tay, bạn khỏi bệnh, khỏe mạnh, bằng trái lại thì “lợn lành chữa thành lợn què”. Toa thuốc là một tờ giấy, trên đó ghi tên ông X bà Y, sinh năm con gà con vịt, nhà ở ngã ba, ngã bảy nào đó, bị bệnh Z. Phần chẩn đoán này tối quan trọng, đó chính là căn bệnh mà bạn đang mắc phải. Nhiều bạn đi khám bệnh cả năm mà cũng không thèm đọc chẩn đoán để biết mình bị bệnh gì. Sau phần chẩn đoán là phần toa thuốc điều trị. Người sao thì toa vậy. Một lương y nghiêm túc sẽ kê toa rất cân bằng, có đủ “quân-thần-tá-sứ”, đó là một vị chính (quân, vua), một vị yểm trợ (thần, tể tướng), một vị canh chừng (tá, quan thượng thư), một vị điều hòa (sứ, sứ giả), nhìn vào không chê vào đâu được. Một bác sĩ giỏi nhưng hào hoa thì toa thuốc cũng lả lướt, ngoài “quân-thần-tá-sứ” thì thêm ít cung nữ xinh đẹp. Một bác sĩ nghiêm khắc thì toa chỉ còn vua và tể tướng, nhiều quan chức lại thêm rách việc. Nói chung một toa thuốc đẹp cũng y như một nồi canh chua ngon, ai cũng biết phải có cá lóc, bạc hà, ngò om, hành tiêu tỏi ớt… nhưng nấu ra một nồi canh chua chua ngọt ngọt là một chuyện, còn ra một nồi như cám heo là chuyện khác nữa.

Và bây giờ xin bàn đến cách phòng chống toa thuốc hắc ám.

Tiêu chuẩn đầu tiên là toa thuốc là phải… đọc được! Bác sĩ già như tui không giỡn đâu, rất nhiều lần thầy trò tui châu đầu giải mã một toa thuốc bệnh nhân đưa cho xem, mà đành thất bại. Chữ như giun như dế không thể đọc nổi. Toa này kê nhằm mục đích chỉ cho một người đọc: người bán thuốc. Hiện nay, tại các cơ sở y tế, toa được các em thư ký giỏi giang đánh rẹt rẹt và in vi tính nên cũng tránh được nạn này. Biến thể thứ cấp của loại này là toa… sai chính tả. Tên thuốc mà còn viết sai thì bạn có tin tưởng được vào tài nghệ của thiên thần áo trắng đó không?

Cách phát hiện toa thuốc hắc ám thứ hai là quá dài. Một căn bệnh thường chỉ cần hai đến bốn vị thuốc là quá đủ. Khi các bạn nhìn vào chẩn đoán mà chỉ thấy một lời chẩn đoán thí dụ như viêm dạ dày, tăng huyết áp, viêm khớp gối, giãn tĩnh mạch chân… mà thấy toa có đến 6-7 loại thuốc thì bạn đã có hân hạnh gặp toa thuốc hắc ám rồi đó.

Có lần tôi gặp một cô gái hiếu thảo dắt hai đấng sinh thành đi khám xương khớp nhức mỏi, cô cầm hai cái toa, mỗi toa có tới 10 loại thuốc gặp tôi. Nhìn vào lời chẩn đoán chỉ là thoái hóa khớp thôi nhưng thuốc giảm đau kê tới ba loại, vì uống thuốc giảm đau sợ loét dạ dày nên kê tên hai thuốc tráng bao tử, bác sĩ này lo xa nên nhét thêm calcium và thuốc bổ xương. Tuân thủ phương châm trong uống ngoài xoa nên có cả kháng viêm thoa ngoài da và sợ nhiều thuốc quá không hấp thu nổi nên có thuốc xịt vào mũi.

Đọc xong toa thuốc, tôi nhẹ nhàng hỏi cô gái: theo cô thì hai ông bà cụ có thể sử dụng được toa thuốc này hay không? Sau 5 giây suy nghĩ, cô trả lời dứt khoát: dạ không.

Sau tiêu chuẩn dài là tiêu chuẩn dai. Cái gì cần dài và dai thi các bạn biết rồi, chứ toa thuốc mà cứ lập đi lập lại năm này qua năm khác thì cũng nên xem lại! Khi bệnh thuyên giảm, bớt đi một món. Thuốc tức là tiền đó. Khi có thêm bệnh, bổ sung ngay một thuốc khác. Vấn đề được giải quyết thì lại ngưng thuốc đó. Toa thuốc sẽ linh hoạt, uyển chuyển như rồng bay phượng múa chứ không “copy and paste” ngày này qua ngày khác. Ngoại lệ: một số bệnh kinh niên như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… sau khi theo dõi, chỉnh liều thì toa có thể được quyền dai.

Tiêu chuẩn dễ nhận biết khác là sang chảnh. Sử dụng thuốc quá đắt tiền khi có những thuốc tương đương rẻ bằng 1/10 mà không xét đến hoàn cảnh người. Nghịch lý là những nước giàu lại thường có những toa thuốc rẻ tiền nhưng nghèo như Việt Nam nhưng lắm lúc các bác sĩ kê toa thuốc nhìn mà ná đom đóm vì đắt tiền. Ở Mỹ, trị tăng huyết áp rất khoái lợi tiểu, thuốc xưa và rẻ. Một bệnh nhân Việt kiều Mỹ mang tới một bịch to, trong số đó có hydrochlorothiazide là thuốc lợi tiểu trị cao máu. Tôi cười mỉa mai: Việt Nam ta giờ không ai xài thuốc này. Việt kiều nể quá luôn!

Như vậy khi nhận toa, xin bạn xem toa có đọc được không, có quá nhiều thuốc không và có giá cắt cổ không. Ai cũng mong muốn mình khỏe mạnh, và nhỡ có đau ốm thì sẽ gặp một toa thuốc hợp lý được kê bởi một bác sĩ giỏi và có tâm.

————————————-

(*) Thạc sĩ-bác sĩ, hiện đang giảng dạy tại bộ môn Nội, trường Đại học Y Dược TPHCM.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngắm tulip nở rộ tại vườn hoa lớn nhất thế giới

0
(SGTT) – Vườn hoa tulip lớn nhất thế giới Keukenhof (Hà Lan) đang thu hút đông đảo du khách ghé thăm nhờ hàng triệu...

Trưa nay ăn gì: Đổi vị bữa trưa với món há...

0
(SGTT) – Bên cạnh sushi, sashimi hay các loại mì soba, udon, ramen… ẩm thực Nhật Bản còn có món há cảo với hương...

Về Quảng Nam xem lễ rước sắc phong và chánh tế...

0
(SGTT) - Nằm trong khuôn khổ lễ hội Kỳ Yên năm 2024, sáng 18-4 (nhằm mùng 10-3 Âm lịch), tại xã Tiên Châu, huyện...

TPHCM: sẽ đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm metro...

0
(SGTT) - Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, để dọn mặt bằng làm tuyến metro số 2, hơn 400 cây xanh...

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa...

0
(SGTT) - Khi đi vào hoạt động, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút...

Kết nối