Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Nghề buôn chất âm cũ

(SGTT) – Đi ngược lại xu hướng chung là thiết bị nghe nhìn hiện đại, nhỏ gọn, nhiều người ngày nay tìm cách làm giàu bằng việc sưu tầm và bán lại những thiết bị âm thanh cũ và cồng kềnh như máy cassette, đầu băng cối, máy hát đĩa than…

Đầu băng cối xưa được nhiều người tìm lại để thưởng thức âm thanh analog trọn vẹn nhất. Ảnh: Kim Loan.

Nếu trước đây, từng kiêu hãnh là những thiết bị điện tử sang trọng, phải những gia đình có thu nhập khá trở lên mới có thể sở hữu được, thì giữa thời đại bùng nổ của thiết bị điện tử với công nghệ ngày càng hiện đại, máy cassette, đầu băng cối, đĩa than… trở thành đồ cổ.

Nhu cầu nghe âm thanh của ngày xưa

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây không ít người bắt đầu tìm về những âm thanh hoài cổ và sẵn sàng chi trả với mức giá vài chục triệu đồng chỉ để sở hữu một dòng máy hát mà thị trường đã không còn sản xuất từ rất lâu. “Ngày xưa trong nhà tôi cũng có một máy cassette, nhưng sau này bán đi vì ít sử dụng, nhà cửa lại chật hẹp. Bây giờ cuộc sống cũng khá hơn trước, tìm mua lại để nghe cho vui sẵn để trưng trong nhà như một món đồ kỷ niệm ngày xưa”, anh Thành Tài, 50 tuổi, ngụ quận Tân Phú, cho hay.

Với sự lên ngôi của xu hướng hoài cổ (retro), những quán cà phê mang phong cách xưa cũ thịnh hành, nhiều chủ quán cũng bắt đầu săn lùng máy cassette, đĩa than hay cuộn băng cối… làm vật dụng trang trí quán. Anh Lâm Dương, 33 tuổi, chủ quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, chia sẻ: “Vì quán được thiết kế từ theo phong cách của những thập niên trước, nên mỗi vật trang trí lớn, nhỏ cũng phải mang hơi hướng hoài cổ hết. Nhiều khi phải nhờ bạn bè tìm giúp cả tháng trời cho đúng cái máy cassette kiểu xưa, chứ máy bây giờ có tích hợp thêm hát đĩa CD thì không đúng kiểu nữa”.

Nghề chiều lòng người hoài cổ

Nhờ nhu cầu ngày càng tăng, nhiều người chủ các cửa hàng điện tử bắt đầu tìm kiếm sưu tầm và cất công sửa chữa, tân trang lại các thiết bị âm thanh cổ. Theo nhiều người chuyên sửa chữa và bán máy cassette, băng cối, đĩa than cũ, những thiết bị đã úa màu thời gian này được ưa chuộng bởi chất lượng âm thanh analog. “Âm thanh analog chậm và rất mộc nên tiếng hát của ca sĩ phải dày, trùm lên cả nhạc đệm vì vậy khi nghe đã tai hơn nhiều so với âm thanh kỹ thuật số”, anh Cao Hùng, 42 tuổi, ngụ quận 9, chuyên buôn bán băng, máy cassette cũ cho hay.

Với những người có kinh nghiệm trong nghề, bên cạnh việc tìm kiếm những dòng máy hiếm còn phải săn thêm linh kiện để thay thế. Để phục chế được chất âm analog, đôi lúc thợ sửa phải chấp nhận “hy sinh” vài máy phổ biến, dễ tìm để cứu những dòng máy hiếm nhưng đã quá cũ. Anh Văn Thành, 39 tuổi, ngụ quận 11, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ điện tử, cho biết: “Có khi chỉ là con ốc hay cọng dây nối nhỏ thôi, nhưng máy sản xuất cách đây lâu quá rồi không tìm được linh kiện để thay, tôi phải rã hai, ba máy khác ra để lấy phụ tùng thay qua”. Anh Thành nói thêm, “bù lại những con máy hiếm bán giá cũng cao hơn, có khi hai chục, ba chục triệu cũng không chừng”.

Theo tiết lộ từ nhiều người bán lâu năm, các dòng máy hát băng hay đĩa than xưa chủ yếu là hàng cũ mua lại từ những người không còn nhu cầu sử dụng hoặc là hàng tồn kho xách tay từ nước ngoài về. Nhiều “tay buôn” chuyên sưu tầm máy hát, băng đĩa cũ cũng chia sẻ, khách hàng nên tìm hiểu và chọn mua từ những người uy tín trong nghề để tránh “tiền mất tật mang”.

Bán đồ cổ kiểu ‘tân thời’

Tại TPHCM, khi nói đến đồ cũ, nhiều người nghĩ đến khu vực chợ Nhật Tảo, quận 11, là nơi mua bán thiết bị điện tử từ mới đến cũ nhộn nhịp nhiều năm qua. Tuy nhiên, điều thú vị là hoạt động mua bán các thiết bị âm thanh cũ ở trên mạng xã hội lại luôn rầm rộ hơn cả. Nhiều hội nhóm mua băng cassette, đĩa than, máy hát thu hút hàng ngàn tài khoản tham gia. Người bán liên tục chia sẻ hình ảnh, video về các loại máy hát, băng, đĩa và để lại thông tin chi tiết, giá cả và địa chỉ liên hệ để người mua liên lạc. Nhiều loại máy hát, băng đĩa hiếm được nhiều người tìm mua, đôi lúc phải đấu giá. Anh Văn Thành cho hay: “Những máy xách tay mà hàng tồn kho còn nguyên hộp, hay băng gốc của các ca sĩ nổi tiếng khách hàng họ chuộng lắm. Có lúc phải để khách đấu giá luôn, ai trả cao nhất thì sở hữu, vì những loại như vậy rất hiếm, có khi tìm cả 2, 3 năm trời cũng không ra”.

Máy cassette cũ thường chia làm 2 loại:

  • Máy tự hành: Bên trong máy tích hợp sẵn đầu phát, loa, ampli có giá từ khoảng 800 ngàn trở lên.
  • Đầu câm (cassette deck): chỉ đọc băng, để nghe nhạc cần phải có thêm loa, ampli bên ngoài, giá thành cũng cao hơn, khoảng 2- 3 triệu đồng trở lên. Đầu băng cối hiệu Akai là đầu băng phổ biến hiện nay, được nhiều dân chơi, sưu tầm máy trao đổi, buôn bán. Ngoài ra, một số hiệu khách cũng được nhiều người chuộng như: Teac, Bell&Howell, Sony, Ampex, Studer, Tesla Và Pioneer,… Mức giá cũng tùy thuộc vào độ hiếm và chất lượng của máy, từ vài triệu đến vài chục triệu.

Thanh Dương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile tại Aswan,...

0
(SGTT) – Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile là trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích khi đến thành phố...

Bảy đóa sen ‘nở’ trên sông Hương mừng Đại lễ Phật...

0
(SGTT) - Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024 tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hạ thủy bảy hoa sen giữa dòng sông...

Nhiều nước bắt đầu đánh thuế xe điện

0
(SGTT) - Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang triển khai các loại thuế phí mới đối với xe điện. Động...

Dự kiến tháng 6 chọn xong nhà thầu trạm dừng cao...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch, 8 trạm dừng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mở thầu vào...

Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của...

0
(SGTT) - Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS cấp sai quy...

Toàn cảnh depot Long Bình với góc nhìn từ trên cao

0
(SGTT) - Depot Long Bình nằm tại thành phố Thủ Đức, có diện tích trên 20 hec-ta. Đây là trung tâm điều khiển và...

Kết nối