Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Ngày Quốc tế không khí sạch đầu tiên diễn ra hôm nay 7-9

(SGTTO) - Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức người dân về vấn đề ô nhiễm không khí, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ngày Quốc tế không khí sạch vì bầu trời xanh. Tổ chức này thống nhất chọn ngày 7 tháng 9 hàng năm làm ngày quốc tế không khí sạch, bắt đầu từ năm nay.

Theo Liên hiệp quốc, việc thành lập Ngày Quốc tế không khí sạch nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cấp thiết của việc nâng cao nhận thức người dân về vấn đề ô nhiễm không khí, khuyến khích và thúc đẩy các hành động hướng tới cải thiện chất lượng không khí.

Tại Việt Nam, trong Mạng lưới Không khí sạch, tổ chức Live & Learn (Tổ chức sống và học tập vì môi trường và cộng đồng) phối hợp các tổ chức khác đã lên kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động và kêu gọi chung tay hành động hưởng ứng ngày này. Chuỗi sự kiện bao gồm các hoạt động hội thảo, tọa đàm, học trực tuyến và thử thách hành động vì không khí sạch...

Một số ứng dụng theo dõi chất lượng không khí.

Trong đó, hai hoạt động nổi bật gồm: chương trình Đại sứ xanh với các khóa học e-learning về chủ đề môi trường và các thử thách thay đổi bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng; chương trình kiểm tra khí thảo cho 5.000 xe máy tại Hà Nội phối hợp thực hiện bởi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt và Live & Learn; tập huấn báo chí về chủ đề không khí.

Ngoài ra, những ai quan tâm về chủ đề môi trường nói chung và không khí sạch nói riêng có thể tham gia nhóm facebook Mạng lưới Không khí sạch để tìm hiểu rõ hơn về các hoạt động này, kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.

Video cùng hướng tới chất lượng không khí sạch:

Theo thống kê, mỗi ngày chúng ta cần 10.000 lít không khí để hít thở, nhưng cứ 10 người thì có 9 người đang hít thở bầu không khí ô nhiễm. Hàng năm trên thế giới có 7 triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí gia tăng từ nhiều nguyên nhân: rác thải, giao thông, xây dựng, đun nấu, công nghiệp… Đây là “sát thủ vô hình” đối với sức khoẻ con người, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người có bệnh về hô hấp, tim mạch và những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Do đó, chúng ta cần có những biện pháp để hạn chế bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí: sử dụng các ứng dụng đo lường chất lượng không khí, nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ở bên ngoài...

Ngọc Khánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối