Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Ngành du lịch Huế xúc tiến “Kinh đô xưa, trải nghiệm mới”


(SGTT) - Thông qua chuyến Famtrip từ ngày 18 đến 20-9 cũng như hội nghị về xúc tiến quảng bá và kết nối du lịch Huế, ngành du lịch Thừa Thiên Huế kỳ vọng xúc tiến, quảng bá và tìm được những ý tưởng mới để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.

Được tổ chức lần thứ 3 bởi Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, chương trình Famtrip “Huế - Kinh đô xưa, trải nghiệm mới” thu hút sự tham gia của đại diện từ 70 công ty du lịch trong cả nước. Các doanh nghiệp tham gia trải nghiệm du lịch cộng đồng tại huyện miền núi A Lưới, tham quan Đại Nội, trải nghiệm thực tế ảo để tìm hiểu văn hóa xưa của triều Nguyễn bên cạnh một số trải nghiệm khác như đi thuyền và thưởng trà trên sông Hương, “chữa lành” tại An Nhiên Garden, tìm hiểu nghệ thuật tại Không gian Lê Bá Đảng, hay có bức hình check-in “ảo diệu” tại Sống Platform…

Đây là những sản phẩm, dịch vụ hướng đến “Kinh đô xưa, trải nghiệm mới” mà ngành du lịch Huế muốn giới thiệu.

Doanh nghiệp nghe kể về văn hóa, lịch sử của bà con dân tộc thiểu số sống tại A Lưới trong chương trình Famtrip “Huế - Kinh đô xưa, trải nghiệm mới”. Ảnh: Nhân Tâm

Từ thiên nhiên A Roàng đến thực tế ảo Hoàng cung

Nằm dưới chân núi Trường Sơn hùng vĩ, xã A Roàng (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) hiện đang là một điểm đến hấp dẫn với loại hình du lịch sinh thái và cộng đồng đặc sắc, lôi cuốn. Từ trung tâm huyện A Lưới, đi về phía nam chừng 30km, sẽ đến A Roàng. Cái mệt khi trải qua gần cả trăm cây số khi xuất phát từ thành phố Huế nhanh chóng tan biến lúc bạn đặt chân tới thung lũng nhỏ giữa đại ngàn.

Hiện nay, tại thôn A Roàng 2, xã A Roàng đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng với sự tham gia của bà con dân tộc Tà Ôi nơi đây. Trong một ngày đẹp trời, không mưa, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên thú vị trong hành trình 2 ngày 1 đêm.

Đó là trekking rừng nguyên sinh, được hoà mình vào thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực vùng cao, trải nghiệm nghệ thuật dệt thổ cẩm Dèng của các nghệ nhân người Tà Ôi (đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), tìm hiểu cách người bản địa lấy “sữa trời” (rượu Đoác), đắm mình trong làn nước ấm từ suối nước nóng thiên nhiên, thưởng thức các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của người Tà Ôi…

Từ A Lưới về lại trung tâm thành phố Huế, du khách có thể bỏ thời gian để thăm Đại Nội với nhiều cái mới. Đó là điện Kiến Trung được bảo tồn và phục dựng lại, đang thu hút nhiều du khách đến mặc cổ phục và check-in. Hay du khách có thể trải nghiệm dịch vụ thực tế ảo ngay tại Đại Nội để “trở về” triều Nguyễn ngày xưa.

Cụ thể, bằng công nghệ VR/AR/XR (thực tế ảo, thực tế tăng cường, thực tế hỗn hợp), công ty IVCOM đã phục dựng lại Hoàng cung Huế – Di sản văn hóa Thế giới đã biến mất vì chiến tranh ngày xưa, theo hình thức thế giới ảo kỹ thuật số và đem đến hình ảnh một Hoàng cung Huế đẹp và bí ẩn. Trong đó, dịch vụ Phi thuyền VR giúp du khách có thể tận hưởng hình ảnh tái hiện lại Hoàng cung trong quá khứ đã bị phá hủy 200 năm trước. Hay trò chơi VR Đầu hồ được trẻ em yêu thích vì các em có thể vui vẻ như khi chơi game, được trải nghiệm văn hóa bằng trò chơi truyền thống đã từng được yêu thích ở thời đại triều Nguyễn.

Các doanh nghiệp mặc cổ phục trải nghiệm tham quan Hoàng cung Huế bằng thực tế ảo. Ảnh: BTC cung cấp

Đi tìm những ý tưởng du lịch đột phá

Bên cạnh xúc tiến và quảng bá những điểm đặc sắc cũng như những trải nghiệm mới trên, ngành du lịch Thừa Thiên Huế cũng mong muốn tìm kiếm những ý tưởng đột phá trong phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với bản sắc văn hóa Huế.

Tại Hội nghị xúc tiến quảng bá và kết nối du lịch Huế 2024 chiều ngày 19-9 do Hiệp hội du lịch Việt Nam và Hiệp hội du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, nhiều ý kiến để phát triển du lịch Huế được đưa ra.

Dưới góc nhìn của một người châu Âu đến Cố đô vài lần, ông Mark Reeves – Giám đốc khối kinh doanh golf của Tập đoàn BRG – đơn vị chuẩn bị khai trương sân golf ở Huế - chia sẻ Huế cần tận dụng sông Hương để phát triển du lịch bứt phá với các dịch vụ du thuyền trên sông và các mô hình giải trí bên sông bên cạnh đa dạng hóa ẩm thực và giải trí ban đêm.

Đẩy mạnh phát triển dựa vào sông Hương và kinh tế đêm cũng là đề xuất từ Phó Giáo sư tiến sĩ Trần Đình Thiên. “Sông Hương đẹp đến mức không ai dám đụng chạm đến nó, nên khó để phát triển”, ông ví von. “Huế cần có hình mẫu phát triển du lịch khác thường để phát triển”.

Ông Đào Trọng Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội, cho hay hiện nay giới trẻ và các Tiktoker đang dẫn đầu xu hướng du lịch trong nước. Vì vậy, ngành du lịch Huế có thể phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên những đối tượng này. Trong khi đó, ông Lương Tiến Sỹ từ THP Travel, đề xuất Huế có thể phát triển thêm du lịch tâm linh thông qua tận dụng các nơi thờ vua, chúa để làm du lịch, kể những câu chuyện văn hóa, lịch sử cho du khách.

Sau chuyến đi đến và trải nghiệm du lịch tại A Roàng, ông Trương Đức Hải, Chủ tịch Hội lữ hành G7, kiến nghị cần phát triển nhiều hơn các điểm dịch vụ dọc các tuyến đến các điểm du lịch tại huyện A Lưới như điểm dừng chân, cây xăng, nơi lưu trú, nhà hàng… vì hiện nay ngày càng nhiều khách tự đi ô tô để trải nghiệm dịch vụ.

Hội nghị xúc tiến quảng bá và kết nối du lịch Huế 2024 ghi nhận nhiều ý kiến để ngành du lịch Huế đa dạng hóa sản phẩm. Ảnh: Nhân Tâm

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đề nghị Sở Du lịch Thừa Thiên Huế nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới, như du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao, hội nghị bên cạnh phục hồi và phát triển các đặc sản gắn với nghề truyền thống của địa phương. Ông Siêu cũng nhắc đến cần phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, khám phá-trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng-chăm sóc sức khỏe, du lịch có trách nhiệm, tạo cơ hội việc làm và chia sẻ lợi ích với cộng đồng.

“Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang phát triển đa dạng các loại hình như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch chăm sóc sức khỏe, sinh thái, làng nghề… Tuy nhiên, Huế sẽ không phát triển bùng nổ mà thay vào đó là tạo ra khác biệt và giữ bản sắc của mình”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ tại hội nghị.

Ông chia sẻ thêm châu Âu, chủ yếu là Pháp, vẫn phải là thị trường truyền thống của Huế. Bên cạnh đó, ngành du lịch Huế cần phải nghĩ thêm về mở rộng phát triển các thị trường mới khác. Ông cũng mong mỏi sẽ có nhiều nhà đầu tư lớn với những dự án du lịch tầm cỡ đến Huế để tạo động lực phát triển du lịch Cố đô.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối