Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Mùa xuân, nói về thú chơi cây cảnh

(SGTT) – Mỗi dịp xuân về, phố xá ngập tràn những loài hoa, những loại cây kiểng đua nhau khoe sắc, làm phong vị ngày Tết cũng căng đầy trong không khí và lòng người cũng thêm xuân. Không chỉ mùa xuân, người Việt cũng đã có thú chơi cây kiểng quanh năm từ rất lâu do nền văn hóa gắn liền với cây và đất.

Khi kinh tế phát triển, tình yêu cây yêu hoa cũng biến hóa theo nhiều hình thức khác nhau, không chỉ là thú tiêu khiển mà còn là ngành kinh doanh, là niềm đam mê bạc tỉ.

Từ cây mai – nữ hoàng phương Nam

Giống như hoa đào với người miền Bắc, hoa mai có một vị trí riêng biệt – một nữ hoàng không có đối thủ trong lòng người dân Nam bộ mỗi dip xuân về. Hầu như ở những miền quê, nhà nào cũng có ít nhất một cây mai, to cũng được, nhỏ cũng được, nhưng những ngày đầu năm mới mà nở rộ hoa xem như điềm may mắn cả năm. Những cây mai cổ thụ đắt tiền đầu tiên cũng là do các đại gia đi săn từ những cây mai trồng trong vườn nhà của người dân.

Cây mai giá 250 triệu đồng đang được vận chuyển về TPHCM

Từ mấy chục năm trước, việc sưu tầm và bán những cây mai “khủng” (giá trên trăm triệu đến bạc tỉ) đã nở rộ và vẫn tồn tại cho đến hôm nay với giá trị ngày càng cao.

Cây mai trắng, một dạng biến dị của mai vàng, được một người dân Bến Tre phát hiện đầu tiên cách đây hơn 50 năm, sau đó bán cho một đầu nậu cây kiểng ở Chợ Lớn với giá hơn 6 cây vàng thời đó.

Những cây mai giá trên 100 triệu thậm chí đến hơn 2 tỉ vẫn có người sẵn sàng mua nếu “phải duyên”. Cái “duyên” ở đây ngoài độ lớn của hoành thân (chu vi thân), độ rộng tán, dáng cây, bộ gốc rễ, độ sai hoa… còn là cái “hợp nhãn” rất riêng biệt, khó nói.

Ông N.V.Đ, kinh doanh bất động sản, là một người rất yêu hoa mai chia sẻ “Tôi là người Nam Bộ lớn lên cùng hình ảnh hoa mai. Khi có điều kiện tôi sắm cho mình cả vườn mai chỉ để ngắm mỗi khi xuân về, và để dọc theo con đường trước nhà. Có khi đang đi trên đường, thấy cây mai đẹp tôi dừng xe hỏi mua liền. Tôi không phải người quá sành sõi mà chỉ là một người rất yêu cây – đặc biệt là cây mai”.

Để nuôi dưỡng một vườn cây khỏe, sai hoa, phát triển tốt là cả một kỳ công về tiền bạc và tâm sức mà chỉ có tình yêu và niềm đam mê mới có thể làm được.

Trong thế giới cây kiểng, cũng có những trào lưu khác nhau đến rồi đi, tức là một loại cây nào đấy bỗng nhiên được ưa chuộng rồi giá vọt lên, sau đó lại hạ giá, hoa mai không phải loại cây đắt tiền nhất, nhưng có sức sống bền bỉ và một vị trí không thể nào thay thế được.

Hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình cây cảnh nói chung và cây mai nói riêng có phần ảm đạm, đặc biệt với thị trường mai giá cao, mai “khủng”.

Anh N.M Trường, chủ vườn mai ở thị trấn Định Quán, Đồng Nai, một trong những người chỉ bán mai giá trên trăm triệu chia sẻ chiều giáp tết Tân Sửu “Hiện nay, tôi còn 16 cây mai từ 100 tới trên 400 triệu. Mọi năm, chỉ đến giữa năm là tôi đã bán được tầm hơn 10 cây. Năm nay cho đến ngày 27 Âm lịch này tôi chỉ bán được có một cây thôi. Người chơi mai khủng năm nay ít đi trên toàn thị trường do tâm lý bất an và cũng không đi lại nhiều chúc Tết nhau. Nhưng đối với mặt hàng này, thì tôi đã quen chăm sóc và cũng không tốn nhiều công sức nên mình cứ dưỡng cây tiếp chờ người mua thôi. Tôi tự tin rằng hoa mai –nhất là mai cổ thụ như của tôi không bao giờ mất giá”.

Cây mai giá 300 triệu đồng tại vườn của anh Trường ở Định Quán- Đồng Nai

Chị  N.T.Ngọc Trang, nhân viên văn phòng, bồi hồi kể “Hồi xưa ông nội tôi có một cây mai rất to ở Bến Tre, bao nhiêu người hỏi mua rất cao giá ông không bán. Cây rất to, nhiều hoa, năm đứa cháu trèo lên không thấy người luôn. Khi ông đi thành phố, cậu tôi ở nhà bán mất cây. Ông về ngẩn ngơ nhìn gốc cây thẫn thờ như mất đi người bạn quý. Cây mai đó vẫn còn mãi trong ký ức của tôi cũng như ánh mắt buồn bã thất thần của ông nội những ngày sau đó!”.

Quả thật có những cây mai đẹp giá trị cao vẫn còn ở sân nhà những người dân, mặc dù vài trăm triệu đối với họ là số tiền lớn nhưng có người vẫn không bán do cái tình.

Thấy hoa mai, là như thấy mùa xuân rực rỡ nắng vàng, cũng là thấy cả hành trình mở cõi, sự gắn bó dần dà qua bao năm tháng của người Việt Nam với mảnh đất phương Nam hai mùa mưa nắng.

Đến niềm đam mê triệu đô

Có một câu chuyện có thật, đã thành giai thoại trong giới đại gia chơi cây ở Việt Nam. Chuyện rằng khi vị đại gia Đ. V. T gốc Nam Bộ nọ nắm quyền điều hành một doanh nghiệp lớn, dưới thời của ông, ông cho đặt hai cây mai cổ thụ giá bạc tỉ. Sau đó doanh nghiệp này chuyển quyền điều hành qua đại gia khác, thì hai cây mai được thay thế bằng hai cây vạn niên tùng mỗi cây giá triệu đô (hơn 20 tỉ đồng/cây thời đó) được chuyển từ Nhật về.

Lý do là người chủ trước là một người chơi cây mai có tiếng, còn vị sau đặc biệt ưu ái cây vạn niên tùng.

Kể câu chuyện vui có thật trên để thấy rằng, khi đã có niềm đam mê với cây cảnh, thì người chơi sẵn sàng dốc hầu bao để mua cho được cây mình thích, dù số tiền bỏ ra bằng cả gia tài với người khác, dù tốn biết bao công sức tìm kiếm và di chuyển cây về. Đã là dân chơi cây đẳng cấp hầu như đều chọn cho mình một loại cây “hợp duyên” nhất để sưu tầm.

Ông T.M.T, kinh doanh resort, lại thích một khu vườn phong phú nên đầu tư cả vườn cây triệu đô bao gồm vạn niên tùng, mai, những gốc cây cảnh như vú sữa, khế gốc đẹp và lâu năm. Vườn nhà cũng nuôi nhiều chó nên có lúc ông cười buồn kể lại chỉ vì chú chó Phú Quốc thích đào hang mà đào ngay gốc chết mất cây vạn niên tùng giá 2 tỉ đồng của ông. Sau tai nạn này, ông đành di tản cả đàn chó đi nơi khác để bảo vệ vườn cây cảnh triệu đô của mình.

Một góc khu vườn triệu đô của vị doanh nhân

Đối với người chơi cây thì ngoài vấn đề thể hiện đẳng cấp, lúc nào cũng đi kèm tình yêu thật sự với cây, nên họ rất quý cây và tiếc nuối mỗi khi cây chết hay có sự cố gì. Nhiều người chơi cây lâu năm còn cho rằng, khi người chủ cũ phải rời xa cây, thì cây cũng héo hon không còn sung sức, có thể do người mới chưa hiểu cách chăm sóc cây, hoặc cũng do nỗi buồn chia cách…

Thế mới biết, khi người để dạ yêu thương, sỏi đá vô tri cũng hóa linh hồn, cây tưởng vô giác cũng đầy lưu luyến.

Mai Thy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Để chấm dứt chuyện ‘hông giống con giáp nào’

0
Dạo gần đây cứ khi Tết đến, hình tượng linh vật là con giáp năm đó được trưng bày và người dân và báo...

Bến Bình Đông nay và xưa 

0
(SGTT) - Bến Bình Đông, một bến thuyền hiện hữu từ thời xa xưa, là nơi mang dấu ấn sông nước Sài Gòn xưa...

Ngay từ thời thực dân, cấm đốt pháo nhưng cho… đua...

0
(SGTT) - Vào cuối năm 1861, chỉ hơn hai năm sau khi chiếm được Sài Gòn, thực dân Pháp đã ban hành lệnh cấm...

Hàng Tết đầy kệ, siêu thị tại TPHCM dần nhộn nhịp

0
Trong những ngày này, không khí mua sắm Tết tại các siêu thị ở TPHCM đã dần nhộn nhịp, người dân có nhiều lựa...

Khởi sắc hoa tết Bình Thuận những ngày đón xuân về

0
(SGTT) - Chỉ còn hơn một tuần là đến Tết Âm lịch 2022, các nhà vườn trồng chuyên canh hoa, cây kiểng ở Lagi,...

Hàng Tết về ngập chợ vẫn vắng bóng người mua

0
Chỉ còn hai tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, không khí mua bán tại các chợ truyền thống vẫn khá...

Kết nối