…Xuân ra đời / Điềm ngọc ấm như ngà / Thơ có tuổi và chiêm bao có tích… (Ra đời, Hàn Mặc Tử).
Khi con người có mặt trên thế gian, cổ tích ra đời. Những câu chuyện ngắn, dài xuất hiện từ thuở hồng hoang truyền đi trên môi người, lưu lại trong ký ức và in trên trang sách. Cổ tích là tự sự muôn đời của thế nhân. Ở đó, cảm xúc lan tỏa, trải nghiệm chia sẻ và suy tư kết tinh. Hồn nhiên, giản dị, cổ tích thấm vào tâm thức của chúng ta, từ thời thơ bé, qua lời kể của cha, của mẹ, của bà: một thế giới mở ra chân trời tưởng tượng ngát hương và rộn rã sắc màu kỳ ảo.
Đời sống văn minh, khoa học bùng phát, lý tính lên ngôi, cổ tích vẫn tiếp tục mọc lên từ những khu vườn lung linh trực giác.
Con người lớn lên và già đi, vẫn xao xuyến bồi hồi khi kể và khi đọc những câu chuyện tưởng đã cũ mòn đi qua lớp lớp thời gian dâu bể.
Mùa xuân trở về không chỉ bằng bước đi của thời gian mà còn bằng nhịp điệu của vũ trụ. Cái mới mẻ từ những ân sủng của tự nhiên mang lại cho con người một cảm giác về sự thiêng liêng, về niềm hy vọng. Mùa đánh thức, mùa lay động. Một mạch sống dường như đang chảy mạnh, nối liền xưa và nay, và cổ tích trở về…
Cổ tích làm cho Trái đất nhỏ đi và con người xích lại gần nhau. Có một câu chuyện mang nhiều cái tên khác nhau đã xuất hiện trên bao nhiêu đôi môi người ở khắp các châu lục, trở thành kinh điển: Tấm Cám, Cô bé Lọ Lem…
Câu chuyện này quá quen thuộc, có thể nói gì với chúng ta hôm nay?
Trong cổ tích, tính cách nhân vật thường không thay đổi, kết thúc thường có hậu. Tấm Cám của Việt Nam cho thấy một cô Tấm sau bao biến cố phải đối đầu với cái ác là dì ghẻ và Cám, đã rất khác xưa. Nàng nói dối với ý thức phải trừng trị Cám, dù đã được vững vàng ở ngôi hoàng hậu. Và tiếp đó là hành động ra tay trả thù người dì ghẻ, bằng cách gửi hủ mắm chứa thi hài Cám đến cho bà. Cái kết thúc này khó mang lại một cảm xúc vui, hài lòng, yên tâm cho người đọc, thậm chí làm ta rùng mình, kinh hãi. Một kết thúc trái với lệ thường. Một nhân vật trái với nguyên tắc. Một mỹ cảm thưởng ngoạn thông thường sẽ không chấp nhận điều này. Nhưng xét trên góc độ ngoại lệ của tư duy và phương pháp sáng tác cũng như góc độ hiện thực, sẽ thấy Tấm Cám của Việt Nam (cũng như vài truyện ở châu Á như Thái Lan, Myanmar…) là thể hiện một tư duy và phong cách nghệ thuật cực kỳ hiện đại. Nhân vật Tấm đã không còn ngây thơ, hồn hậu, trong trắng, hiền lành như chúng ta đã biết. Tấm đã vấy bẩn và vướng vào tội ác. Tấm muốn trả thù. Lòng sân hận đã biến Tấm thành một con người khác mất rồi, Tấm cũng như dì ghẻ và Cám thôi.
Chúng ta có thể đôi khi biến thành một con người khác như Tấm không? Việt Nam lịch sử chiến tranh triền miên; dân tộc ta, trong cuộc đấu tranh dằng dai với cái ác, có khi nào đã không còn được như xưa: trung hậu, hiền lương, “côi cút làm ăn, lo toan nghèo khó” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu)?
Ý thức về tác hại của bạo lực và sự tha hóa của con người trong vòng xoáy của bạo lực là một thông điệp có ý nghĩa thời sự mà cổ tích Tấm Cám gửi đến cho chúng ta. Phải chăng đó là một đúc kết mang tính cảnh tỉnh, thoát thai từ bao chứng kiến về lịch sử cộng đồng? Và nó cũng có cội rễ từ triết lý nhà Phật?
Cô bé Lọ Lem (Cindrella) của phương Tây thì lại khác. Một kết thúc đẹp mà ai cũng mê, lung linh chất mỹ lệ và vương giả. Nhưng giữa truyện cũng có một chi tiết làm ta ngạc nhiên, đến rùng mình. Người chị (em) con gái bà dì ghẻ của Lọ Lem, đã không ngần ngại gọt chân mình đến ròng ròng máu để cố mang cho vừa chiếc giày thủy tinh xinh đẹp (do Lọ Lem đánh rơi khi vội vã chạy khỏi hoàng cung vào thời khắc phép tiên kết thúc lúc nửa đêm) mà sứ thần mang đến, nhưng đành thất bại. Một việc làm lạ mà không phi lý phải không? Lạ, bởi xưa nay ai cũng hiểu trong tương quan với giày, chân ta luôn luôn là cái chính. Không phi lý vì trong tình huống này giày trở thành yếu tố chính: có bao nhiêu đôi chân vô danh, nhưng chỉ có duy nhất một chiếc giày quý giá, bởi nó là bậc thang giúp các cô gái đổi đời. Lệnh vua đã ban ra rành rành: ai mang vừa chiếc giày này sẽ là cô gái mà hoàng tử chọn. “Gọt chân cho vừa giày”, một thành ngữ đã hình thành, rất quen thuộc trong văn hóa Đông – Tây phải chăng hình thành từ cổ tích này?
Ý thức về giá trị là một điều nảy sinh sớm nơi sinh hoạt tinh thần của con người. Đặc biệt trong xã hội phương Tây, nơi mà phát triển và hiện đại hóa là một tiến trình gia tốc, nơi con người thường xuyên chứng kiến những đảo lộn kinh hồn, trong đó, những tráo đổi về giá trị có thể nói là thách thức vừa âm thầm, vừa hiển lộ mà từng cá nhân và toàn thể cộng đồng có thể phải đối mặt từng ngày. Đối mặt và ý thức để mà chọn lựa cho chính mình hay cho cộng đồng của mình, bởi trong từng việc nhỏ, khi chúng ta ngả về cái phụ thay vì kiên trì đi theo cái chính, chúng ta có thể bắt đầu đánh mất mình, và rồi trượt dài trên con đường tha hóa.
Những tra vấn không ngừng về giá trị đã được các triết gia Đông – Tây, cổ – kim tiến hành và chia sẻ, nhưng sức hút của nền văn minh vật chất đã cuốn con người vào từ trường của nó, buộc chúng ta chỉ còn biết ngập trong gánh nặng của những gì mình đã làm ra, cả về kiến thức lẫn tài sản.
Bao giờ con người biết trở về với bản lai diện mục của mình, lại được sống hiền hòa và lại được tự do? Câu hỏi trầm thống này được cất lên rất nhiều lần, trong văn chương và triết học của toàn nhân loại, nhưng có lẽ, chỉ có thể tìm thấy câu trả lời, một lần cho tất cả, từ phương Đông, trong những cội nguồn tư tưởng cổ xưa. Cái minh triết ấy của phương Đông, phương Tây hôm nay đã biết quay về khám phá. Còn chúng ta, hình như chúng ta vẫn còn thờ ơ, trong mải mê trên con đường gọi là phát triển?
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Xuân ÂL