ĐAN NGỌC -
Mạnh ai nấy đều mua sắm theo ý thích riêng của mình là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất hòa giữa chồng và vợ. Những lệch pha về chi tiêu này còn khiến vợ chồng bực bội, gia đình căng thẳng, nặng nề.
Một số người thấy người yêu của mình có tính tiết kiệm sẽ cảm thấy rất an tâm. Điều đó không sai nhưng khi cùng chung một mái nhà thì chị H. (quận 9, TPHCM) mới thấy cuộc sống và sở thích của hai người khác nhau hoàn toàn. Trong khi chị H. xem giá trị tinh thần của mình là những cuốn sách, báo hay đĩa phim là quan trọng thì chồng chị lại toan tính gạo, muối, đường; trong khi chị tìm mua những loại rau sạch, thực phẩm sạch để có những món ăn tốt cho sức khỏe thì chồng chị lại tiếc tiền vì cho rằng giá của những thực phẩm này quá đắt.
Không chỉ sự tính toán quá chi li cũng như tính keo kiệt của bản thân làm người bạn đời khó chịu, bực bội mà sự vung tay quá trán, tiêu xài hoang phí của chồng hoặc vợ cũng làm cuộc sống vợ chồng trở nên nặng nề hơn vì những lời lẽ khinh thường của vợ, chồng. Những câu “xỉa xói”, chê trách được phát ra về sự ăn xài hoang phí, sĩ diện hão, phá hoại về người bạn đời.
Anh P. (quận 2, TPHCM) cho biết, anh mua chiếc ti vi màn hình mỏng hiện đại về nhà với lý do làm đẹp nhà, xem ti vi không bị hại mắt và còn mời bạn bè đến xem bóng đá tại nhà để vợ không phải càu nhàu vì anh luôn vắng mặt suốt cả mùa bóng Euro. Không đồng tình với chồng, vợ anh vẫn “mặt nặng mặt nhẹ” mỗi khi buổi tối anh P. mở ti vi ngồi xem. Anh cho biết, vợ anh không hài lòng vì cho rằng anh tiêu xài hoang phí vì nhà đã có một chiếc ti vi mặc dù đã cũ nhưng vẫn còn sử dụng được.
Khác với anh P. một chút, vợ chồng chị T. và anh Q. (quận 10, TPHCM) thỉnh thoảng lại cãi nhau vì anh Q. muốn thay đổi chiếc máy tính để bàn bằng chiếc laptop gọn nhẹ, cấu hình mạnh, nhiều chức năng để anh thuận tiện trong việc thiết kế những bản vẽ của mình. Trong lúc đó, chị T. muốn thay chiếc máy giặt đã cũ kỹ bằng chiếc máy giặt chạy êm ru và ít hao điện, nước. Ai cũng cho là nhu cầu của mình mới thiết thực và xem việc mua sắm của người bạn đời là không cần thiết, hoang phí và những cuộc tranh luận nổ ra.
Theo tư vấn của các chuyên gia tâm lý và cả những tư vấn từ các dịch vụ tài chính cá nhân. Để dung hòa cuộc sống, gia đình cần lập ra một bảng chi tiêu để “trình bày” cho người bạn đời khi người ấy muốn mua sắm bất cứ thứ gì trong tháng. Bảng chi tiêu với những con số còn giúp cả hai vợ chồng biết lo và tự biết dừng lại hoặc biết chi tiêu cân đối hơn.
Nếu người bạn đời có việc mua sắm hợp lý, bạn đừng tiếc lời khích lệ và sự đồng lòng của bạn cũng là thiện chí để người bạn đời thấy không phải lúc nào việc chi tiêu cũng là bất hợp lý. Tuy nhiên, nếu người bạn đời đã lỡ mua sắm những thứ không cần thiết thì bạn nên dùng lời lẽ góp ý, không trách mắng hay chì chiết, cả hai sẽ ngồi cùng nhau bàn bạc, điều chỉnh lại cách mua sắm. Ngoài ra, nếu bạn có thích đến cỡ nào thì trước khi mang món đồ về nhà bạn nên hỏi ý kiến của người bạn đời. Nguyên tắc mua sắm có sự đồng tình của người bạn đời sẽ giúp hai vợ chồng tôn trọng nhau hơn.