Hoàng Xuân Phương
Tục ăn trầu ở nước ta đã có từ ngàn xưa, từ thời Hùng Vương dựng nước. Và nay, dù không mấy ai còn biết ăn trầu thì mâm trầu cau vẫn là cái lễ không thể bỏ trong nghi thức cưới hỏi truyền thống của người Việt.
Miếng trầu là đầu câu chuyện
Sài Gòn xưa có tới “18 thôn vườn trầu” ở miệt Bà Điểm. Nhưng nay giữa lòng thành phố cao sang nhộn nhịp vẫn tồn tại các điểm bán những lá trầu tươi, các buồng cau mới, và những khay trầu dọn sẵn. Ở mỗi góc chợ như “cầu ông Tạ”, người ta vẫn bày bán trầu cau, chủ yếu để phục vụ lễ tết, dâng cúng đất đai, phục vụ giỗ chạp, và lẽ dĩ nhiên không thể thiếu trong nghi thức cưới hỏi.
Miếng trầu vẫn là đầu câu chuyện. Ngày nay trong các lễ làng hay dịp trọng đại người ta vẫn đặt một mâm cau trầu lên trước, và khi mọi người hay viên chủ sự cầm miếng trầu lên thì cũng là lúc khởi đầu nghi thức hay bàn công chuyện. Thời xưa miếng trầu còn là nghi thức ngoại giao. Tống Cảo trong sứ bộ Trung Hoa kể rằng: “Lê Hoàn cầm cương ngựa, cùng sứ giả cùng đi, rồi lấy trầu mời trên mình ngựa. Đó là phong tục mời khách rất quý”.
Truyện xưa, rất xưa kể rằng khi bộ tộc Duyong tìm đến sinh sống trên một hòn đảo gần Palawan (Philippines) thì bị chiến binh bộ tộc Tabon vây hãm. Nhưng vị nữ tù trưởng từ từ bước ra trước mặt quân thù, cúi xuống nhặt một con hàu, cạy miệng, rồi nhổ vào đó một cụm nước nhai từ trái cau.
Bà đặt con hàu xuống bãi biển, lùi lại phía sau, và từ trong hàng ngũ chiến binh một người đàn ông bước ra, nhặt lấy con hàu, rồi cũng nhổ vào đó một ngụm nước nhai từ lá trầu. Màu máu đỏ tràn ra khỏi vỏ, mỗi lúc một nhiều. Họ nhận ra đó là những bộ tộc anh em, cuộc chiến chấm dứt, sống chung hòa bình.
Người cổ vùng Đông Nam Á đã biết ăn những con hàu tươi dưới biển bằng nước trầu cau từ rất sớm. Nước lá trầu và nước trái cau một khi được trộn vào nhau, nhổ vào con hàu sẽ làm cho thịt nó chín, trở thành thức ăn. Cách nay 17.000 năm, các đảo vùng Đông Nam Á còn nằm gần nhau vì biển lúc đó rất cạn, bề mặt sâu hơn hiện tại đến gần trăm mét.
Rồi từ thói quen ăn uống, cung cách mưu sinh dọc theo bãi biển suốt nhiều ngàn năm đó trở thành tập quán văn hóa trong đời sống, trong các lễ nghi, tạo thành nét chung cho cả một vùng. Điều đó thật kỳ diệu, thật đáng quý.
Tập tục lâu đời ở Đông Nam Á
Ngày nay, địa bàn hoang dại của những cây cau vẫn còn tìm thấy ở các nước sát bờ biển Đông, từ Malaysia, Indonesia, Philippines, đến Việt Nam. Trong khi dấu vết những cây cau được trồng tìm thấy nơi các di tích văn hóa xa hơn, ở hang Spirit tại Thái Lan, ở Bản Chiềng thuộc văn hóa Hòa Bình, và ở Núi Nấp tại Thanh Hóa nơi hàm răng các di cốt sau hàng ngàn năm vẫn còn phủ lớp men đen bởi tục ăn trầu.
Tiếng cổ nước ta gọi cau là nang, trong khi văn liệu ghi là lang – tân lang để ví chàng rễ như cây cau. Lĩnh Nam Chích Quái biên soạn trong thế kỷ 15 là cuốn sách sớm nhất ở nước ta đề cập đến chuyện trầu cau. Ở các nước khác thuộc vùng Đông Nam Á cũng có những sự tích trầu cau, có nơi giống nhau, có nơi khác nhau nhiều ít, nhưng chứng tỏ tục ăn trầu cau đã phổ biến tại đó từ rất sớm.
Tục ăn trầu cau ở Đông Nam Á cũng theo các dòng di dân, các con đường thương mại cổ mà đến với các dân tộc khác. Trầu cau xuất hiện trên văn bản tiếng Pali cách nay 2.500 năm, và nay người Ấn vẫn giữ thói quen ăn trầu, cả ngày lẫn đêm. Trầu cau xuất hiện trên văn bản chữ Hán trễ hơn đến 300 năm, và người Trung Hoa không có tục ăn trầu cau. Đó là khác biệt căn bản giữa người Việt với người Hoa.
Trong khi đó từ thế kỷ thứ 2, người Chiêm Thành (Chăm Pa) đã chọn cây cau làm vật tổ cho thị tộc lớn nhất, Kramukavamca. Mối liên kết giao thương, văn hóa và khoa học giữa thị tộc này với người Iran từ thế kỷ thứ 3 đã mang tục ăn trầu đến đế quốc xa xôi. Dưới thời vua Khosran II (590-628), tại Ba Tư có đến 30.000 cửa hàng trầu cau.
Tục ăn trầu cau lan truyền mạnh theo những con đường buôn bán hương liệu qua vùng Đông Nam Á nên nhiều nơi người ta vẫn giữ thói quen pha vào miếng trầu những thứ gia vị như quế, hồi, cát cánh, hồ tiêu hay vài loại vỏ chát của các loài cây khác. Ăn trầu có lẽ đã làm cho các thủy thủ ấm áp hơn, chống lại những cơn gió biển.
Cách têm miếng trầu thay đổi tùy nơi, tùy từng dân tộc. Có nơi cuốn tròn, có nơi xếp góc và đặt vào các loại ô hay khay, hoặc bình dân đơn giản, hay sang trọng dát vàng. Nhiều nơi miếng trầu được têm hình cánh phượng, xây cao thành mâm, dùng vào lễ cưới.
Màu đỏ máu nơi nước trầu cau là do phản ứng của loại nước này với can xi trong vỏ hàu. Trong tục ăn trầu, can xi vỏ hàu được thay bằng vôi đựng trong các bình. Nhưng nay bình vôi gần như biến mất, và cũng không mấy ai tìm được vôi để quết lên lá trầu như trước đây.
Nhưng mùa cưới vẫn diễn ra, nhiều khi tập trung vào các tháng cuối năm để sang năm mới nhà thêm dâu, thêm rể. Mâm trầu và khay rượu vẫn còn đó, duy trì nét đẹp của nền nếp văn hóa truyền thống.