(SGTTO) – Hình ảnh cháu Nguyễn An 13 tuổi ngày hôm qua, Chủ nhật 30-8 đã tham gia Nhóm đạp xe lang thang đạp từ TPHCM ra Biên Hòa, sau đó đạp xe tiếp lên rừng Hiếu Liêm, Mã Đà vào di tích chiến khu Đ khiến không ít thành viên trong nhóm đạp xe vốn có lắm người đạp thường xuyên phải thán phục.

Cháu Nguyễn An 13 tuổi đã tham gia đạp xe xuyên rừng Mã Đà, Hiếu LIêm thuộc tỉnh Đồng Nai.

Theo lời anh Trần Minh Thành, người khởi xướng chuyến đạp xe với cung đường 208 km với gần 30 người thì cháu Nguyễn An có lẽ là trường hợp nhỏ tuổi hiếm hoi đạp xe xuyên rừng trên cung đường này.

Một cung đường mà thành viên trong nhóm có tài khoản Nguyen Hoang Anh Tuan đã viết: “Con đường này đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc. Có nắng, có mưa, có cây cối xanh mát, có mùi thơm của hoa dại ven đường rừng, có tiếng chim hót, xem thấy bướm lượn lờ, có con còn đậu trên người anh bạn đồng đạp. Có đầy đủ mọi loại địa hình trên cung này: Từ đường nhựa, đường thuỷ (đi ghe, phà), đến đường đất, sỏi đá… và cả đường sình lầy, đất đỏ, dính dớp, các hố, vũng nước lồi lõm màu đỏ lòm được độ thêm sự hầm hố, chất chơi bằng một cơn mưa tầm tã của núi rừng tăng thêm tính phiêu lưu, kỳ thú”.

Trong “Ký sự chinh phục rừng Mã Đà- Hiếu Liêm” bằng hình ảnh, video mà anh Nguyễn Công Tạo đăng và viết trong nhóm thì nhóm đã đi “từ Sài Gòn – Biên Hoà – Mã Đà – Sài Gòn tới 208km”.

Theo anh Thành, bé Nguyễn An đạp xe cùng với đội từ nhà ở Sài Gòn đi Biên Hòa 40 km Sau đó có xe 7 chỗ hậu cần đưa bé tới cửa rừng ở Bờ Hào. Từ đây bé đạp xe hoàn thành xuyên 50 km đường rừng, sau khi ăn uống ở Trị An, xe hậu cần đưa bé về lại Sài Gòn. Ngoài ra trong nhóm có 1 bạn bị chấn thương chân do không quen đạp xa, phải về bằng xe hậu cần, còn tất cả mọi người đều tự đạp về với cung đường hơn 208 km.
Nhóm đạp xe lang thang đã có một ngày đầy cảm xúc khi đạp xe xuyên rừng với cung đường hơn 200 km.

Rừng Mã Đà, Hiếu Liêm thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, nơi đây có nhiều địa điểm thu hút khách du lịch ưa khám phá, mạo hiểm bằng xe đạp, xe máy như di tích lịch sử căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ; di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam; địa đạo Suối Linh, các hồ Bờ Hào, hồ thủy điện Trị An rộng hơn 32.00 héc ta, thác Ràng, công viên đá… Đặc biệt đây một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích tự nhiên lớn của Việt Nam, hơn 60.000 héc ta đa dạng phong phú về động thực vật cần bảo tồn.

Anh Trần Minh Thành, người khởi xướng chuyến đạp xe xuyên rừng.

Trước chuyến đi, anh Trần Minh Thành đã cảnh báo mọi người trong nhóm về độ khó của cung đường mùa này. Đó là đường lên dốc nhiều và xuống dốc cũng rất nhiều, hết cẩn thận và rà thắng khi đổ dốc. Vì là dốc đất cát mềm và có thể lún bất ngờ nên khi tốc độ khá cao nếu thắng sẽ té xe do đất, cát lún, trượt rất nguy hiểm.

Có vẻ là tay đạp xe trekking chuyên nghiệp, anh Thành phân tích: Đoạn băng rừng đầu 13 km chủ yếu là lên dốc. Dốc leo cao nhất là 6,5% ở km 3,9 km. Leo 158 m, đổ 125 m. Đoạn băng rừng thứ hai khoảng 16 km chủ yếu là xuống dốc. Dốc leo cao nhất là 8,6% ở km 11,5 km. Leo 163 m, đổ dốc 243 m. Đoạn đường này mọi người nên hết sức cẩn thận khi đổ dốc.

Đoạn băng rừng thứ 3 địa hình phức tạp. Leo qua 2 cái đồi ở km 2, và km 3. Nhưng dốc cao nhất là ở km 11,8 km là 8,6%, leo 175 m, đổ dốc 178 m. Nên cẩn thận khi đổ dốc ở km 4.

Một thành viên có tài khoản Khuôn Lê cho biết hai cái dốc cao cuối khi vừa qua trạm kiểm lâm mọi người chú ý khi đổ dốc vì dưới dốc có cây cầu, nếu đổ tầm trên 35km/giờ là không bao giờ thắng kịp nhé. Đoạn này không sóng điện thoại, nên đi tốp có vài người để giúp nhau. Trước đây, thành viên này từng đi và có kinh nghiệm khi “chỗ nầy lần trước thả mạnh quá không dám thắng luôn, cuối cùng nhấc được bánh trước, bánh sau va mạnh vào bực cầu bể bánh luôn”.

Hành trang của những người đam mê đạp xe trong nhóm là hai ruột xe dự phòng, áo mưa, đèn trước sau, điện thoại sạc đầy pin, có mang theo cục sạc dự phòng, đội nón bảo hiểm cả khi đi đường và lúc băng rừng. Mang bao tay, đi giày bít mỏ và mang vớ che kín chân, nên mặc quần thể thao dài và áo khoát mõng dài tay có nón che để tránh côn trùng rắn rết. Nhớ đeo kính che bảo vệ mắt.

Kinh nghiệm của nhóm từ chuyến đi là nên tải bản đồ off-line MAPS.ME về điện thoại. Sau đó chọn “tải bản đồ” trong phần mềm và chọn bản đồ Việt Nam tải về lưu lại trên điện thoại. Đây là một trong các apps bản đồ off-line không thể thiếu trong điều kiện không có tín hiệu sóng điện thoại, không có 3G, 4G hay wifi. Phần mềm này rất cần thiết khi đi đường rừng núi hay đi bụi nước ngoài khi điện thoại không có SIM, không có sóng.

Hồng Ngọc

(Hình ảnh trong bài viết do Nhóm đạp xe lang thang cho phép sử dụng)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây