Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Mẹ và bé cùng yoga

Các thai phụ khi mang thai đến tuần thứ 12 được khuyên vận động nhẹ để tốt cho mẹ và bé, vì sau khoảng thời gian đó, các bà mẹ sẽ có những biến chuyển về cân nặng và thay đổi về cơ thể bên trong. Do đó, hiện bộ môn yoga dành riêng cho thai phụ được nhiều bà mẹ quan tâm và các khóa học ngày càng được mở rộng.

Vào một ngày cuối tuần, chị Bùi Bích Duy, hiện đang công tác tại Tổng công ty PVFCCo, mang thai năm tháng, đã đăng ký lớp học yoga dành cho thai phụ. Chị cho biết, trong lúc ba tháng đầu thai kỳ, chị đã tìm hiểu về yoga thai phụ và quyết định đến lớp tập vào tháng thứ 5. “Vì thai của tôi ổn định nên bác sĩ khuyên trong thời gian này đi lại vận động cho khỏe. Lớp học ở trung tâm cũng bảo, nên có chồng đi theo để hỗ trợ một số động tác”, chị nói.

Nhu cầu học yoga thai phụ tăng

Một lớp học yoga dành cho thai phụ tại trung tâm Vyoga World .  Ảnh: Tường Vi
Một lớp học yoga dành cho thai phụ tại trung tâm Vyoga World . Ảnh: Tường Vi

Cùng đi với chồng vào lớp học tại một trung tâm yoga ở quận Tân Bình, TPHCM, chị Bùi Lan Dung mang thai được năm tháng, cho biết: “Tôi cũng tìm hiểu kỹ thông tin về việc học yoga sẽ làm tăng sức đề kháng cho bé, tốt cho bà bầu và giúp sinh dễ dàng hơn. Khi đi siêu âm, bác sĩ bảo em bé của tôi khỏe nên sau những tháng đầu chu kỳ thai, tôi đã đến lớp học yoga”.

Chị Hoàng Thị Thu Huyền, đại diện của Vyoga World cho biết, do chu kỳ mang thai của các bà bầu không giống nhau nên lúc đầu khi trung tâm mở lớp rất ít người đến học, một lớp khoảng 1-2 người. “Nhưng hiện nay, nhu cầu học yoga thai phụ ngày càng cao nên Vyoga World quyết định mở mỗi lớp khoảng 15-20 học viên. Nếu học yoga có giáo viên kèm cặp hướng dẫn, họ sẽ thấy yên tâm hơn, bởi học viên sẽ biết mình tập như thế nào là đúng và vừa phải”, chị Huyền nói.

Các lớp yoga dành cho thai phụ còn dành hẳn những ngày học đặc biệt trong từng khóa để các ông bố tương lai cùng tham gia. Theo chị Huyền, đây là một hoạt động với mục đích kết nối giữa vợ chồng trong quá trình cùng chăm sóc cho đứa bé chuẩn bị chào đời và thể hiện sự giúp đỡ của chồng dành cho vợ trong quá trình luyện tập. “Không phải lúc nào mẹ cũng làm được nhiều động tác, nếu các ông bố giúp, các bà mẹ sẽ tốt hơn nhiều”, chị Huyền tư vấn.

[box type=”bio”] Những địa điểm học yoga dành cho thai phụ

* Các trung tâm thuộc hệ thống Vyoga World:

+ Tầng 5 trung tâm thương mại Maximark 3/2, 3C đường 3/2, quận 10, TPHCM.

+ Trung tâm thương mại Maximark Cộng Hòa, 15-17 đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM.

* Mommy Health Club, 7A Phạm Đình Toái, quận 3, TPHCM.

* Thầy Nguyễn Thiện Tín, điện thoại: 098 674 43 25[/box]

Lợi ích của yoga cho bà bầu

Các chuyên gia về yoga cho rằng những người phụ nữ mang thai tập yoga sẽ có sức khỏe tốt, tinh thần sảng khoái, cải thiện được vóc dáng vì trọng lượng không tăng quá mức cần thiết, cơ thể linh hoạt hơn, thích nghi tốt trong nhiều tình huống khác nhau khi làm việc tay chân hay trí óc.

Theo Đông y sĩ Nguyễn Thiện Tín, kiêm giảng viên dạy yoga, đồng tác giả quyển sách Yoga cho phụ nữ mang thai, các động tác của yoga sẽ giúp khung xương chậu của thai phụ đàn hồi tốt. Bên cạnh đó, tập hít thở sâu là cách để xoa bóp nội tạng, mở rộng dung tích phổi, cung cấp ô xy, nhằm tăng lưu lượng tuần hoàn, máu chảy về tim nhiều hơn, máu nuôi nội tạng nhiều hơn, đề phòng táo bón, phù chân, giãn tĩnh mạch sinh lý… “Từ tháng 4-5 học viên nên hình thành thói quen hít thở và thả lỏng đúng (hít mũi, thở miệng) để đến tuần thứ 40 của thai kỳ khi chuẩn bị sinh bất kỳ lúc nào, các bà bầu sẽ biết cách kiểm soát các dấu hiệu đau bụng, cơn gò tử cung, vừa đau bụng và lưng xuất hiện bằng cách hít thở”, vị Đông y này cho biết.

Chị Thu Huyền cho rằng: “Yoga tốt cho mẹ để có thể lưu thông máu huyết vì trong quá trình luyện tập sẽ tiết ra hoóc môn endorphin tạo sự phấn khích nhẹ giúp người mẹ cảm thấy thoải mái và sảng khoái hơn, vượt qua được những khó chịu trong quá trình mang thai, làm cho bé cảm thấy hạnh phúc hơn. Luyện tập, những động tác hít thở, thư giãn, xoay mình giúp máu lưu thông đến toàn bộ cơ thể, đẩy máu đến nhau thai nhiều hơn và nuôi bé tốt hơn, mẹ và bé đều khỏe”.

Theo các chuyên gia, đến những tháng sau khi mà cân nặng của người mẹ thay đổi nhiều, thì việc luyện tập giúp tránh được nặng bụng, cảm thấy khó chịu, tê chân, phù chân rồi thường xuyên bị đau lưng hay những vấn đề do thay đổi thể chất.

Chuyên gia Thiện Tín cho biết: “Ngoài học yoga còn có thể đi bộ. Từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 9 của thai kỳ, do thai lớn nhanh nên chèn nép bụng nhiều, khiến thai phụ phù chân nhiều hơn, tử cung có xu hướng chèn về phía phải nên các bà bầu nên nằm nghiêng sang trái và kết hợp kê chân lên cao. Tháng thứ 8 thì ngưng tập yoga nhưng nên tập hít thở và đi bộ nhẹ nhàng”.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng, những phụ nữ mang thai bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, có ý định tập yoga thì nên đi khám sức khỏe tổng quát trước khi tập. Và, những trung tâm dạy yoga cho thai phụ thì phải đăng ký Sở Y tế.

[box type=”warning”] Những nguyên tắc an toàn khi tập yoga:

1. Nên tập yoga sau ba tháng đầu thai kỳ, lúc này cơ thể đã thích nghi với sự thay đổi khi mang thai. Có hai thời điểm tốt để tập yoga là vào sáng sớm trong khoảng thời gian mặt trời mọc và buổi chiều lúc mặt trời lặn.

2. Những tư thế cần tránh như tư thế lộn ngược, chèn ép bụng, tư thế nằm sấp, hai tay giơ cao khỏi đầu…

3. Tập luyện đều đặn mỗi ngày 30 phút.

4. Khi bạn mới tập nên chọn những động tác nhẹ nhàng và thận trọng. Không làm những động tác quá sức, quá căng vì cơ và dây chằng thường lỏng lẻo trong quá trình mang thai. Có thể tập những tư thế nâng cao nhưng phải ngưng tập khi cảm thấy mệt.

5. Trong ba tháng cuối thai kỳ, cần thay đổi tư thế nhiều hơn, lưu ý điều chỉnh khoảng cách tới chân sao cho phù hợp với phần bụng ngày càng lớn của bạn. Tránh tập những động tác gối cao hơn khung xương chậu, vì những tư thế này khiến thai nhi không thoải mái và có thể khiến sản phụ đau bụng, buồn nôn.

6. Hít vào và thở ra thật chậm bằng mũi. Thư giãn xen kẽ giữa hai tư thế kéo dài khoảng 1 phút.

7. Sau buổi tập nên nằm thư giãn ít nhất 5 phút. Đi dạo thả lỏng cơ thể sau buổi tập cũng rất tốt.

8. Sau buổi tập 10-15 phút mới được tiếp xúc với nước, 15-20 phút mới được ăn thức ăn lỏng, sau 30 mới được dùng thức ăn đặc.

9. Không nên tập các môn thể dục khác ngay sau khi tâp yoga.

10. Không nên tập yoga trong trường hợp: cao hay tụt huyết áp; có nguy cơ sẩy thai; ngộ độc thai nghén; chóng mặt, buồn nôn, nôn nhiều; có tiền sử sinh non.

11. Thông thường khi tập yoga không được uống nước nhưng thai phụ thì nên uống một chút nước.[/box]

Tường Vi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hơn 1.000 người yêu yoga đồng diễn tại TPHCM

0
(SGTT) – Ngày quốc tế Yoga lần thứ 9 đã diễn ra vào sáng 21-6 tại TPHCM, thu hút đông đảo người yêu yoga...

Trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến yoga retreat trên “ốc đảo”...

0
(SGTT) - Đối với các yogi (người tập yoga nói chung), những chuyến trải nghiệm yoga retreat (du lịch nghỉ dưỡng kết hợp yoga,...

5 điểm đến lý tưởng ở Việt Nam dành cho người...

0
(SGTT) - Nhân Ngày Quốc tế Yoga (21-6), trang đặt phòng uy tín Booking.com bình chọn top 5 điểm đến lý tưởng tại Việt...

Giảm mỡ toàn thân, lấy lại vóc dáng sau Tết Nguyên...

0
(SGTT) – “Tết mà không thưởng thức bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt…thì làm sao mà biết hương vị tết”, đó là...

Tạm biệt 2021, năm không bao giờ quên được của những...

0
(SGTT) - Trải qua năm 2021 đầy biến động, đỉnh điểm nhất là đợt dịch lần thứ tư bùng phát, các cơ sở kinh...

Doanh nghiệp và chuyên gia: Xu hướng du lịch chăm sóc...

0
(SGTT) - Du lịch chăm sóc sức khỏe là một trong những xu hướng tất yếu mà khách du lịch sẽ lựa chọn khi...

Kết nối