Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Manh mún khó phát triển du lịch

VĂN NAM –

Dưới góc nhìn của nhiều người trong ngành, du lịch Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Thế nhưng, do cách làm manh mún, thiếu tính liên kết vùng khiến ngành du lịch chưa phát triển xứng tầm, chưa khai thác hết tiềm năng này.

Mạnh ai nấy làm

Vấn đề này một lần nữa được đặt ra tại buổi hội thảo quốc tế chuyên đề “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia”, được tổ chức tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) cuối tuần qua.

Tại buổi hội thảo, ông Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, cho rằng nói đến du lịch là nói đến dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí và dịch vụ mua sắm. Thế nhưng, hiện nay cả bốn dịch vụ này chưa phát triển đồng bộ. Theo ông, làm thế nào có thể khiến du khách nước ngoài tiêu đến đồng tiền cuối cùng trước khi họ về nước xem ra còn quá khó. “Du khách Việt Nam đến nước khác đều muốn tiêu đến những đồng bạc cuối cùng, còn khách nước ngoài đến nước ta thì ta không lấy được gì ngoài tiền ở khách sạn”, ông Lịch nêu thực trạng.

Du lịch vùng duyên hải miền Trung còn nhiều tiềm năng nhưng đang phát triển một cách tự phát. Trong ảnh là khách du lịch nước ngoài tham quan khu tháp Chàm Pô Sah INư tại Phan Thiết, Bình Thuận.
Du lịch vùng duyên hải miền Trung còn nhiều tiềm năng nhưng đang phát triển một cách tự phát. Trong ảnh là khách du lịch nước ngoài tham quan khu tháp Chàm Pô Sah INư tại Phan Thiết, Bình Thuận.

Theo ông Lịch, du lịch vùng duyên hải miền Trung còn nhiều tiềm năng nhưng nếu cứ phát triển một cách tự phát như lâu nay thì không thể khai thác tiềm năng được. Xét về địa lý, du lịch trên vùng này có năm cửa ngõ về hàng không, gồm Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và TPHCM. Nếu liên kết được năm cửa ngõ này sẽ tạo ra một không gian du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây là khu vực có tiềm năng về du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử tâm linh.

Một trong những trở ngại hiện nay là hạ tầng giao thông yếu kém. Mặc dù đã có tuyến đường cao tốc nhưng khách du lịch đi từ TPHCM đến thành phố Phan Thiết phải mất 4-5 giờ đồng hồ. “Nếu có tuyến đường cao tốc nối TPHCM-Bình Thuận, du lịch ở tỉnh này sẽ có cơ hội phát triển hơn”, ông Lịch nói với khách tham dự hội thảo. Nếu đã xác định du lịch là chiến lược phát triển kinh tế cho vùng duyên hải miền Trung, theo ông Lịch, thì Nhà nước không nên chần chừ thêm nữa, mà phải nhanh chóng tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển du lịch liên vùng, áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) đối với các hạng mục hạ tầng giao thông liên vùng. “Phải thay đổi tư duy từ phát triển điểm du lịch thành vùng du lịch”, ông Lịch phát biểu.

Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết lượng khách trong nước đi du lịch Lào và Campuchia tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Năm ngoái, Campuchia đón khoảng 1 triệu du khách Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng lượng khách quốc tế đến quốc gia này. Tương tự, Lào cũng đón khoảng 1,1 triệu du khách Việt Nam trong năm 2015, chiếm 27,6% tổng lượng khách quốc tế đến đất nước này.

Ở chiều ngược lại, lượng khách du lịch từ Lào đến Việt Nam trong năm 2014 chỉ khoảng 140.000 lượt, chiếm 1,7% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Lượng khách đến từ Campuchia là khá hơn, khoảng 400.000 lượt khách, chiếm 5,1% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. “Lượng khách du lịch từ Lào, Campuchia đến Việt Nam còn rất khiêm tốn. Do vậy, cơ quan du lịch của ba nước cần thúc đẩy sự liên kết, tạo động lực phát triển du lịch liên vùng trên tinh thần ba quốc gia, một điểm đến”, ông Hải nói.

Tạo sản phẩm du lịch xuyên quốc gia

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng du lịch là lĩnh vực “xuất khẩu tại chỗ”, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Cho dù có những giai đoạn nền kinh tế cả nước có khó khăn, nhưng ngành du lịch vẫn phát triển. Song, ông cũng nêu thực trạng rằng nhiều địa phương nói phát triển du lịch mà tối đến trên đường phố còn thấy cảnh thanh niên tổ chức đua xe, du khách phải “trốn” trong khách sạn. “Đây đó còn nạn chặt chém du khách thì làm du lịch sao được”, ông Thọ nói thẳng. Riêng đối với tỉnh Bình Thuận, ông Thọ đề nghị chính quyền địa phương nên tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch thể thao trên biển, trên cát để đón dòng khách từ Hà Nội, TPHCM, doanh nhân từ nước ngoài đến nghỉ dưỡng. Địa phương này nên tận dụng bãi biển ở Mũi Né, Hòn Rơm, Kê Gà và La Gi với đường bờ biển 192 km nối với Vũng Tàu, Ninh Thuận để tạo thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Để góp phần thúc đẩy du lịch vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, vị chủ tịch hiệp hội du lịch đề xuất xây dựng một sân golf “xuyên quốc gia”. Sân golf này có quy mô 27 lỗ, nằm tại khu vực biên giới ba nước, chín lỗ nằm trong lãnh thổ Việt Nam, chín lỗ trên lãnh thổ Nam Lào và chín lỗ nằm trên địa phận Đông Bắc Campuchia. Khu vực sân golf này cũng sẽ xây dựng một trung tâm triển lãm sản phẩm du lịch của ba nước, nhằm hình thành một khu đô thị gắn với du lịch thể thao, sinh thái làm điểm đến của người dân cả ba nước. Ông Thọ cho biết ý tưởng xây một sân golf tại khu vực biên giới này đã được các quan chức ngành du lịch của ba nước bàn đến mới đây.

Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch liên vùng và liên quốc gia, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói rằng Cộng đồng kinh tế ASEAN đi lại rất tự do. Một nghiên cứu mới đây của viện cho thấy, trong 10-15 năm tới, số người trung lưu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng mạnh. Những người này khi đi du lịch sẽ chi tiêu nhiều, nên ngành du lịch của cả ba nước cần tính đến yếu tố đó để liên kết phát triển du lịch liên vùng, tạo sản phẩm du lịch đẳng cấp.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định bảy vùng du lịch trong cả nước. Theo đó, vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ là những vùng du lịch quan trọng của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương này đều thiếu một tầm nhìn xa, sản phẩm du lịch đặc thù còn đơn điệu và trùng lắp, chỉ tập trung khai thác tài nguyên sẵn có.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Học nấu món miền Tây bên dòng sông Tiền

0
(SGTT) - Nằm êm đềm bên dòng sông Tiền, du khách đến Mekong Riverside Boutique Resort & Spa (thành viên Sáng kiến Điểm đến...

Ngắm tulip nở rộ tại vườn hoa lớn nhất thế giới

0
(SGTT) – Vườn hoa tulip lớn nhất thế giới Keukenhof (Hà Lan) đang thu hút đông đảo du khách ghé thăm nhờ hàng triệu...

Kết nối