Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Đi học nấu ăn rồi… lấy chồng

NGUYỄN HUỆ NGHI –

Chỉ cần lấy được ông chồng biết nấu ăn là đủ, nhiều cô gái đã nghĩ vậy. Và cũng nhiều cô gái đã phải tự cứu mình vào phút chót: tranh thủ đi học khóa nấu ăn trước khi cưới chồng.

Một tờ báo có bài viết về nỗi khổ của cô gái 25 tuổi rồi chưa biết cách luộc rau, chiên cá. Nghe tưởng đâu chuyện lạ khó tin nhưng đây lại là thực tế phổ biến, đặc biệt ở đô thị. Việc thiếu vắng bữa ăn gia đình, những bữa ăn lệ thuộc vào dịch vụ bên ngoài, sự cá nhân hóa trong gia đình đã khiến cho cách truyền trao kinh nghiệm vào bếp giữa phụ huynh cho những cô con gái bị ảnh hưởng nhất định.

chuyennha

Điều nghịch lý hơn, có những gia đình vẫn duy trì bữa ăn thường xuyên, bếp vẫn đỏ lửa, nhưng vì cưng chiều con, cha mẹ hay người giúp việc tự xử lý hết mọi việc, để rồi cuối cùng, nấu nướng bị mặc nhiên coi không phải là chuyện của con cái. Những “tiểu thư, công chúa” ngày nay sẽ dành thời gian vào việc học hành, vui chơi hướng ngoại với bạn bè đồng trang lứa, lên mạng “tám” đủ thứ chuyện trên đời hay đi làm về đã có người nhà cơm bưng nước rót. Trong một số gia đình ngày nay, tuy có đông con gái, nhưng có khi ông bố được mặc định là người phải lủi thủi thức khuya dậy sớm vào bếp, đi chợ, lo lau chùi nhà cửa. Lỗi ở người lớn do cưng chiều con mà không chỉ vẽ kinh nghiệm, nhưng lỗi cũng nằm chính nơi sự tự ý thức, chủ động ở nơi những cậu ấm cô chiêu trong trường hợp này.

Sẽ có người cho rằng đây là cái nhìn khắt khe truyền thống, nhưng trong đời sống gia đình hiện đại, khi sự bình đẳng trong trách nhiệm là có thật, thì với xã hội phương Đông lấy mái ấm làm hạt nhân quan trọng, tâm lý người phụ nữ giỏi chăm lo nội trợ vẫn là một lý tưởng khó thay đổi. Thông qua việc tổ chức một bữa ăn trong gia đình, một người vợ, người mẹ không chỉ tạo ra cái ăn, lương thực cho cả nhà mà còn tạo ra niềm vui được chăm sóc, tạo ra không gian sinh hoạt, sự hài hòa về tinh thần trong mái ấm. Và điều đó nhất định phải được làm một cách hứng thú chứ không hề miễn cưỡng hay bị ép buộc. Nếu giữ quan niệm này như một giá trị văn hóa trong gia đình thời hiện đại, thì kỹ năng nội trợ mà các bà mẹ dành cho con gái không thể thất truyền.

Có một chuyện tiếu lâm dân gian kể rằng, anh thanh niên kia đi kiếm vợ với tiêu chí là phải biết nấu nướng.Khi đến nhà nọ có con gái cưng, lần nào cũng được mời dùng bữa thịnh soạn, đầy những món ngon. Bà mẹ cô gái giới thiệu món nọ món kia trên bàn là một tay cô gái chế biến. Anh ta mừng quá, phen này vừa được vợ đẹp lại có tài tề gia nội trợ, phải về mời cha mẹ qua nói chuyện cưới hỏi sớm. Đám cưới diễn ra đâu đó, hai vợ chồng về ở riêng và đây là quãng thời gian anh ta cay đắng nhận ra một sự thật: vợ mình thà chết đói chứ không chịu vào bếp, cô ta giỏi chăm sóc cho bề ngoài chứ không biết nấu nướng bất kỳ món ăn nào. Vỡ mộng. Hỏi ra mới biết, những món ngon trước đây ở nhà vợ là do mẹ vợ nấu. Bà mẹ vợ đã ra tay làm bếp và nói dối để cô con gái có thể kiếm được chồng.

Trên thực tế chắc không đến mức như vậy. Nhưng đã có hiện tượng nhiều bạn gái của người viết bài này đã quyết định đi đến Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM, các trung tâm dạy nấu nướng hoặc tìm đến bạn bè để học hỏi “vài chiêu cơ bản” vào “phút 89” trước khi lên xe hoa cho dù trước đó, họ có đầy đủ lý lẽ để biện hộ cho việc đàn bà không cần phải lo nội trợ.

Chẳng biết hiệu quả của những khóa học cấp tốc “chữa cháy” sẽ giải quyết được bao nhiêu phần về nhu cầu thực tế giúp các chị em ù ù cạc cạch trong chuyện bếp núc nội trợ để những cô gái có thể làm tròn vai người vợ đảm, cô con dâu thảo hiền theo tiêu chí truyền thống. Nhưng điều có thể thấy rõ nhất đó chính là ngay cả khi người chồng trong gia đình hiện đại không hề đòi hỏi vợ phải nấu ăn ngon, ngay cả khi xã hội đã thực sự giải phóng người phụ nữ ra khỏi căn bếp, thì nấu nướng vẫn là một thứ kỹ năng hết sức cần thiết và cơ bản, giúp con người chủ động, biết cách tổ chức cuộc sống trong gia đình không quá phụ thuộc vào người thân.

Nấu nướng cũng là một cách thế giản dị nhất thể hiện sự quan tâm, yêu thương và chăm sóc dành cho các thành viên trong gia đình và tạo nên một nếp nhà ổn định, hài hòa. Đó cũng là lý do mà gần đây, rất nhiều bộ phim truyền hình của Hàn Quốc, một mặt phản ánh đời sống gia đình hiện đại ở xứ kim chi, mặt khác cũng lồng ghép vào đó rất nhiều bài học, kỹ năng nấu nướng, chăm lo vun vén gia đình cho những phụ nữ trẻ. Nhiều “cô chiêu” ngày nay chết mê chết mệt với những bộ phim này và thường thì họ học cái dễ nhất, là vẻ đẹp, sự hào nhoáng của các diễn viên trong phim nhưng bài học nội trợ thì có thể đợi đến gần lúc xây dựng một mái ấm thì họ mới chịu… ngộ ra!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Phim đề tài về gia đình tiếp tục ‘ăn khách’ trong...

0
Năm nay, phim điện ảnh và truyền hình Việt tiếp tục “bội thu” các giải thưởng, thành tích về doanh thu khi khai thác...

Thế giới riêng: Nhiều kết nối, nhiều ảo tưởng

0
(SGTT) - Ngày nay, khung cảnh sum vầy của bữa ăn gia đình Việt Nam đã bị công nghệ tước đi một cách dễ...

Nhiều khoá học kỹ năng và trải nghiệm cho trẻ vào...

0
(SGTT)- Hè đến cũng là thời điểm mà nhiều phụ huynh băn khoăn nên lựa chọn khóa học nào cho trẻ để không lãng...

Từ hiện tượng “Hội những người ghét cha mẹ”: Phụ huynh...

0
(SGTT) - Sau những lùm xùm trên mạng xã hội, thật khó khăn để tôi có thể len lỏi vào “Hội những người ghét...

Mùa dịch, ở nhà làm nội trợ cũng “vui lắm à...

0
(SGTT) - Nấu ăn, trồng cây hay chơi và học cùng con cái, dọn dẹp nhà cửa... là những hoạt động phổ biến của...

Tọa đàm vì sự hòa nhập vào đời thường của người...

0
(SGTTO) - Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Foundation - STF) và Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC)...

Kết nối