Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Mập mờ thực phẩm hữu cơ

VŨ YẾN –   

Cùng với nỗi lo thực phẩm bẩn, không an toàn, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới thực phẩm organic – thực phẩm hữu cơ (không sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng…). Từ nhu cầu đó, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ mở ra nhiều hơn.

Tuy nhiên, có phải tất cả đều là cửa hàng thực phẩm hữu cơ, làm sao để nhận biết thì không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu.

Nhập nhằng khái niệm

organic1

Chị Minh, nhà ở quận Thủ Đức, TPHCM, là một trong những người đang có xu hướng ưu tiên chọn mua những thực phẩm hữu cơ. Để được vậy, tiền chợ mỗi ngày phải đội lên nhiều so với trước đây. Chị Minh cho biết, tại các cửa hàng được cho là bán thực phẩm hữu cơ, giá các mặt hàng như rau, củ, thịt heo… đắt hơn 2-3 lần so với mặt hàng cùng loại mua ở chợ hay siêu thị. Tuy giá cao nhưng chị cũng bấm bụng mua vì muốn yên tâm về bảo đảm an toàn thực phẩm cho cả nhà.

Mặc dù vậy, chị Minh cũng băn khoăn không biết chắc chắn đó có phải là thực phẩm hữu cơ hay không. “Tại một cửa hàng bán thực phẩm sạch trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, trên bao bì sản phẩm tôi không thấy có ghi chú, nhãn mác nào khẳng định đó là hữu cơ, chỉ thể hiện là sản phẩm trồng bởi người Nhật, nhưng nhân viên thì khẳng định chắc chắn. Thôi thì, mua bằng niềm tin trước, từ từ tìm hiểu và lựa chọn thêm”, chị Minh nói.

Băn khoăn của chị Minh cũng là băn khoăn của không ít người tiêu dùng khi đi mua, lựa chọn thực phẩm hữu cơ.

Tại một cửa hàng giới thiệu bán thực phẩm hữu cơ trên đường Phạm Viết Chánh, quận 1, TPHCM, khi khách hàng hỏi mua các thực phẩm hữu cơ thì nhân viên chỉ vào khu vực quầy kệ trưng bày các loại nông sản như rau cải, cà chua cherry, đọt su su… Nhãn mác trên bao bì của các sản phẩm này ghi tên cửa hàng, số điện thoại và dòng chữ “Theo tiêu chuẩn Orgaric”. Khi khách hàng thắc mắc tại sao lại là tiêu chuẩn Orgaric thì nhân viên nói đó là tiêu chuẩn hữu cơ – organic, nhưng “in nhầm thành orgaric”. Đồng thời, nhân viên này nói rằng các sản phẩm tại cửa hàng là sản phẩm được trồng theo hướng hữu cơ, được quản lý bởi người Nhật ở trang trại trên Đà Lạt, chứ chưa có tổ chức quốc tế hay một đơn vị độc lập nào cấp giấy chứng nhận.

“Trang trại trồng theo công nghệ, hướng hữu cơ thì sẽ ra sản phẩm hữu cơ thôi, người Nhật quản lý, hướng dẫn thì cứ yên tâm”, cô nhân viên trấn an.

Ở một cửa hàng cũng giới thiệu bán thực phẩm hữu cơ trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, khi khách hàng thắc mắc sao xà lách có giá lên tới hơn 500.000 đồng/kg thì cô nhân viên cửa hàng khẳng định do đây là sản phẩm hữu cơ, có thể ăn ngay mà không cần rửa, hoàn toàn an toàn, đặc biệt tốt cho sức khỏe nên giá cao.

Tuy nhiên, cô nhân viên này cũng cho biết, gọi sản phẩm hữu cơ là bởi được trồng theo hướng hữu cơ, công nghệ hữu cơ, chứ chưa có đơn vị nào chứng nhận. Theo đó, trên nhãn mác bao bì sản phẩm không có bất kỳ dấu hiệu nào để người tiêu dùng nhận biết.

Chưa hẳn là hữu cơ

Feature-Image-Organic-farming-by-Green-Blender

Ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH liên doanh Organik Đà Lạt,  cho biết hiện nay trên thị trường không ít các đơn vị, cửa hàng treo biển hiệu bán thực phẩm hữu cơ, tự xưng, tự nhận, khẳng định rau, củ là hữu cơ nhưng khi được hỏi đơn vị nào chứng nhận, cơ quan nào cấp phép thì lại lúng túng, nói là thực phẩm trồng theo hướng hữu cơ.

Trên thực tế, cho tới thời điểm này, chưa một cơ quan, tổ chức nào tại Việt Nam kiểm tra, chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Giấy chứng nhận canh tác hữu cơ, sản phẩm hữu cơ mà một số ít công ty, đơn vị có là được cấp bởi một số tổ chức nước ngoài như Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (EU Organic Farming), Công ty Control Union…

Cũng theo ông Hùng, mới đây Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, đã mời đóng góp ý kiến để sắp tới ban hành các tiêu chuẩn về trồng trọt hữu cơ Việt Nam. Trong tương lai, Việt Nam cần thành lập hiệp hội sản xuất, hiệp hội người tiêu dùng, hiệp hội người làm thương mại hữu cơ để hỗ trợ lẫn nhau; đồng thời, giúp người tiêu dùng hiểu về hữu cơ, từ đó có lựa chọn đúng.

Ông Hùng cho biết, để đạt được chứng nhận hữu cơ, doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian, công sức, phải trải qua quy trình kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế từ đất, nguồn nước, vật tư canh tác… Mức chi phí để chứng nhận là 2.500 đô la Mỹ. Mỗi năm đơn vị chứng nhận lại sang Việt Nam kiểm tra, kiểm soát.

Cơ quan, đơn vị chứng nhận sẽ cấp cho doanh nghiệp mã số chứng nhận hữu cơ. Để biết sản phẩm có thực sự đạt chứng nhận hữu cơ chưa, người mua có thể vào trang web của tổ chức cấp giấy chứng nhận hữu cơ, nhập mã số của đơn vị, sẽ biết được thông tin chính xác. Các thông tin về mã số, đơn vị chứng nhận… nếu có sẽ được doanh nghiệp thể hiện trên bao bì, nhãn mác sản phẩm, giúp người tiêu dùng tra cứu.

Ông Hùng cũng cho biết, khó để nhận biết bằng mắt thường đó là rau, củ hữu cơ hay rau, củ trồng thông thường. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm hữu cơ trong thời gian dài thì có thể nhận biết.

Có nhiều tiêu chuẩn hữu cơ, chứng nhận hữu cơ được các tổ chức khác nhau trên thế giới chứng nhận. Người tiêu dùng có thể nhận biết trên bao bì sản phẩm các chứng nhận như USDA Organic do Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ủy ban Hữu cơ quốc gia chứng nhận, NSF/ANSI-Tiêu chuẩn quốc gia Mỹ (American National Standard Institute); ACO-Chứng nhận hữu cơ của chính phủ Úc (Australian Certified Organic)…

“Môi trường tại Việt Nam nhiễm nhiều hóa chất, muốn làm được hữu cơ phải mất rất nhiều thời gian cải tạo. Sản lượng sản phẩm hữu cơ thời gian đầu thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với sản phẩm trồng thông thường, khó có sản lượng ồ ạt để đâu đâu cũng thấy sản phẩm hữu cơ. Theo tôi biết, hiện tại có khoảng 10-15 đơn vị được chứng nhận hữu cơ thực sự. Thực tế trồng theo hướng hữu cơ chưa chắc sản phẩm đã đạt chuẩn hữu cơ”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết hiện tại Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy định về nuôi trồng, chăn nuôi hữu cơ, cũng như chưa có đơn vị, cơ quan nào chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp, đơn vị đã áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ, theo hướng hữu cơ của nước ngoài, thậm chí nuôi heo bằng một số loại lá cây và cho ra sản phẩm gọi là heo hữu cơ.

“Tôi nghĩ, sản phẩm đó tốt hơn sản phẩm chăn nuôi thông thường, có thể gọi là thực phẩm sạch, an toàn, nhưng gọi tên là hữu cơ thì chưa chính xác bởi cần có đơn vị độc lập kiểm tra, chứng nhận xem sản phẩm đạt chất lượng hữu cơ thực sự chưa”, ông Giang nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối