Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Lớp học cho nhà làm phim nghiệp dư

Hà Bi-

Trau dồi kiến thức về làm phim chưa bao giờ là chuyện đơn giản, không chỉ vì chi phí học tập cho ngành nghề này khá cao, mà còn do hiện có ít trung tâm đào tạo chất lượng. Do đó, để áp ứng nhu cầu này, Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh (TPD) (Hà Nội) đã tổ chức chuỗi các khóa học nhỏ (workshop) dành cho các nhà làm phim nghiệp dư, với mức phí tham dự 50.000 đồng/buổi.

Học từ thực tế

Phim ảnh là một ngành đòi hỏi sự cọ xát thực tế rất lớn. Bởi vì, từ lý thuyết đến thực hành là một chặng đường vô cùng gian khổ. Trên thực tế, một đạo diễn giỏi không chỉ biết mỗi chuyên môn của bản thân, mà cần biết công việc của cả nhà sản xuất, diễn viên, dựng phim, âm thanh, ánh sáng…

Có như vậy, đạo diễn mới kiểm soát được chất lượng đầu ra sản phẩm đúng với ý muốn. Vì thế, không ít đạo diễn xuất thân từ nhà quay phim, diễn viên, hay thường thấy nhất là vị trí trợ lý đạo diễn.

Xuất phát từ thực tế này, chuỗi các khóa học mà TPD mở ra trong thời gian qua tập trung vào các vị trí được xem là “ít danh tiếng” trong một đoàn làm phim. Buổi học đầu tiên, các nhà làm phim nghiệp dư được trải nghiệm công việc thực tế của một trợ lý đạo diễn khi bắt đầu một dự án. Những người nắm giữ vị trí này thường được gọi là “người hùng thầm lặng”, đứng cạnh đạo diễn và xử lý rất nhiều việc liên quan.

Anh Tuấn Minh (Hà Nội) cho biết: “Đi học, mình mới biết hóa ra trong một đoàn phim có thể chỉ cần một trợ lý đạo diễn, nhưng cũng có thể cần tới 3 người, 5 người, và đều rất… bận”.

Theo đó, những công việc mà trợ lý đạo diễn thứ nhất phải học có thể sẽ là cách liên kết giữa văn phòng sản xuất với trường quay, đảm bảo thông suốt liên lạc với đạo diễn, quản lý sản xuất để “chạy” kịch bản, bối cảnh, diễn viên…

Người trợ lý cũng sẽ giúp đạo diễn trong việc vực dậy tinh thần và thúc đẩy hoạt động cho cả ê kíp – vốn là việc vô cùng ôm đồm và vụn vặt.

Trợ lý đạo diễn thứ hai có thể là người trợ giúp điều phối lịch làm việc (casting – thử vai, mua đạo cụ, sắp đặt hiện trường…), và giải quyết mọi rắc rối nảy sinh trên trường quay. Tùy vào độ lớn và phức tạp của dự án phim mà sẽ có một hay nhiều trợ lý đạo diễn.

Những kiến thức này trong giáo trình tại các trường đại học có thể nhắc tới, nhưng trên thực tế nó biến đổi không ngừng. Do đó, TPD đã mời những người có nhiều kinh nghiệm trong cả lĩnh vực làm phim lẫn sản xuất video viral (các đoạn phim lan truyền) tới trao đổi, như nhà sản xuất Ngô Đài Trang, đạo diễn Đỗ Quốc Trung.

Trong khóa học, các khách mời chia sẻ về quãng thời gian họ làm trợ lý đạo diễn cho các đạo diễn tên tuổi như Bùi Thạc Chuyên, Victor Vũ, Nguyễn Hoàng Điệp, Đặng Nhật Minh; cũng như vị trí này trong một đoàn sản xuất phim ngắn/viral quảng cáo.

Khóa học tiếp theo là về vị trí sản xuất, với sự tham dự của nhà sản xuất người Pháp Jérôme Bleitrach, giúp các học viên mở rộng hiểu biết về quy trình sản xuất phim hệ thống Pháp và Việt Nam, trang bị kỹ năng phân tích kịch bản từ góc nhìn của nhà sản xuất, công việc của sản xuất tại hiện trường… Đặc biệt, sau phần lý thuyết, học viên được thực hành qua các dự án nhỏ.

1(2)Nhà sản xuất Ngô Đài Trang (giữa) trên trường quay.

Cần những giờ học chất lượng

Nhiều bạn trẻ bày tỏ đam mê tìm hiểu các kiến thức và công việc liên quan tới phim ảnh, bởi ngành nghề này đang phát triển nhanh tại Việt Nam. Nói tới phim ảnh hiện nay, không chỉ đơn giản là viết kịch bản – sản xuất phim – phát hành online/chiếu rạp. Những kiến thức của ngành này còn ứng dụng rộng rãi trong truyền thông, quảng cáo, sử dụng cho bất kỳ ngành nghề nào nhằm đẩy mạnh tốc độ phủ sóng thương hiệu.

Có thể nhận thấy rõ điều này qua sự phát triển của các phim ngắn tạo hiệu ứng mạnh, hay những video ca nhạc lồng ghép quảng cáo thương hiệu của nhiều ca sĩ tên tuổi thời gian gần đây. Một người làm phim khéo sẽ kéo cả tên tuổi ca sĩ lẫn nhà tài trợ đi lên.

Tuy vậy, các khóa học ngắn hạn lẫn chương trình học dài hạn hiện tại chưa thỏa mãn nhu cầu học hỏi và trải nghiệm của bạn trẻ. Ngày nay, học không chỉ từ sách vở và bài giảng trên lớp, mà chủ yếu thông qua việc thực hành, từ đó nâng cao kinh nghiệm xử lý tình huống hiện trường.

Phạm Hà, một học viên lớp H17 (khóa học của TPD) cho biết đã đi tìm nơi có thể trao đổi trực tiếp các khúc mắc của bản thân trong nghề nghiệp, nhưng ở Việt Nam việc này khá khó.

“Học chính quy thì lớp rất đông, học viên không nổi bật thì khó lòng được trợ giúp nhiệt tình. Tự học thì mất phương hướng, vì ít trải nghiệm thực tế, không biết cần đi như thế nào. Rất may là mình được tham gia chuỗi khóa học này. Nghe, thắc mắc, rồi được nhúng tay vào một dự án phim ngắn nữa, tuy nghiệp dư nhưng vỡ vạc được rất nhiều. Có những thứ nhỏ xíu thôi, chỉ khi bước vào hiện trường bạn mới biết được”, Phạm Hà nói.

Với 350.000 đồng/7 buổi học tại TPD, học viên được trao đổi nghiệp vụ vị trí trợ lý đạo diễn, sản xuất, trợ lý sản xuất, đạo diễn… với những người có kinh nghiệm. Sau các khóa học này, những học viên có nhu cầu cọ xát nhiều hơn có thể đăng ký tham gia các dự án phim ngắn nằm trong khuôn khổ WAFM Confetti (một dự án phim truyện của trung tâm TPD) để thực hành và nâng cao kỹ năng xử lý ngoài hiện trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối