Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Lo Covid-19, tín đồ du lịch huỷ chuyến đi, chọn những địa điểm vắng vẻ

(SGTTO) – Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều du khách quyết định hủy lịch trình của mình trong khi một số người vẫn tiếp tục chuyến đi trong sự cẩn thận và đề cao việc bảo vệ sức khỏe.

E ngại việc đi du lịch

Việc xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Đà nẵng và Quảng Ngãi trong những ngày qua đã khiến nhiều du khách hủy bỏ kế hoạch du lịch Đà Nẵng, Hội An của mình, trước cả khi thành phố Đà Nẵng ngừng đón khách du lịch trong vòng 14 ngày kể từ 26-7 để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Cần đeo khẩu trang đúng cách khi đến nơi công cộng. Ảnh: Trần Linh

Chị Đoàn Thị Huyền Trâm (23 tuổi, ngụ tại TPHCM) cho biết đã hủy bỏ toàn bộ kế hoạch du lịch Đà Nẵng – Huế vào tháng 8. “Tôi hủy vé máy bay và bỏ luôn tiền cọc khách sạn, cũng không có ý định dời lịch vì không biết tới khi nào dịch bệnh mới được kiếm soát hoàn toàn”.

Một số du khách tuy không dự tính đến Đà Nẵng nhưng cũng đã hủy bỏ lịch trình đến những địa phương khác vì lo ngại nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Anh Ngô Vĩnh Thành (18 tuổi, ngụ TPHCM) nói: “Mình dự định đi du lịch Phan Thiết vào cuối tháng 7 này nhưng tình hình dịch bệnh hiện nay khiến mình cảm thấy thật sự hoang mang. Dù buồn nhưng mình vẫn quyết định không đi nữa vì không biết mọi thứ có thật sự an toàn không”.

Tương tự, nhóm bạn của chị Nguyễn Thị Ni (32 tuổi) cũng quyết định không đi Cần Thơ vào đầu tháng 8 nữa. Chị nói: “Dù Cần Thơ chưa có thông tin gì về nguy cơ dịch bệnh nhưng chúng tôi e ngại nguồn lây nhiễm từ các tỉnh đã có dịch hay những người tiếp xúc gần với các F1, F2… rất nhiều và chưa thống kê hết được”.

Bên cạnh đó, một số du khách vẫn tiếp tục kế hoạch du lịch hè của mình trong sự cẩn trọng để có thể tận hưởng kỳ nghỉ nhưng vẫn đảm bảo an toàn sức khoẻ. “Tôi cùng mấy người bạn sẽ đi chơi Vũng Tàu cuối tuần này. Chúng tôi có biết thông tin về dịch bệnh tại Đà Nẵng nhưng hiện tại Vũng Tàu chưa có thông tin nào về ca nhiễm trong cộng đồng nên tụi mình sẽ luôn cẩn thận trong chuyến đi sắp tới”, chị Vũ Thị Hoa (28 tuổi) chia sẻ.

Chị Hoa cho biết mình cùng bạn bè đã điều chỉnh lịch trình, tránh đến các nơi đông người đồng thời di chuyển từ TPHCM đến Vùng Tàu bằng xe máy để có thể chủ động hơn trong việc đi lại. “So với việc đi xe khách đông đúc thì đi bằng xe máy có vẻ an toàn hơn, tránh các nguy cơ tiếp xúc”, chị nói. Tuy nhiên ngoại trừ chuyến đi Vũng Tàu này, chị Hoa đã huỷ chuyến đi Đà Lạt vào giữa tháng 8 và chuyến đi Huế vào cuối tháng 8 vì lo ngại tình hình dịch bệnh trong những ngày tới.

Anh Trần Tuấn Anh (20 tuổi) cho biết: “Mình vẫn đi Phú Quốc vì đã thanh toán toàn bộ chi phí cho công ty du lịch. Mình cảm thấy Phú Quốc vẫn còn an toàn khi chưa có ca bệnh nào, lại là đảo xa. Bên cạnh đó, mình cũng sẽ luôn mang theo nước rửa tay và khẩu trang theo bên mình”.

Du khách có thể làm gì để bảo vệ bản thân?

Quyết định vẫn đi du lịch, các tín đồ du lịch cho biết sẽ tăng cường bảo vệ bản thân và tránh ảnh hưởng đến cộng đồng. Họ tạm thời không chọn Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam… trong chuyến hành trình của mình.

Hết sức thận trọng khi đến những nơi đông người. Ảnh: Thành Hoa

Chị Vũ Thị Hoa nói: “Để đảm bảo an toàn cho chuyến đi, chúng tôi đã dặn nhau chủ động cập nhật, nắm chắc thông tin dịch bệnh thông qua các kênh truyền thông chính thống”. Cả nhóm luôn đeo khẩu trang, không đến bãi biển đông nghẹt người, rửa tay đúng cách thường xuyên.

Bên cạnh đó, những người có kinh nghiệm cho rằng du khách nên tránh những nơi tụ tập đông người. Nếu máu phiêu lưu vẫn thôi thúc, bạn có thể tham gia các hoạt động gần gũi với thiên nhiên như trekking, đạp xe, leo núi, cắm trại…

Bên cạnh đó, mọi người cũng có thể lựa chọn cách di chuyển bằng phương tiện cá nhân trong suốt hành trình như xe máy, xe đạp, ô tô riêng… để tránh nhưng nguy cơ tiếp xúc khi di chuyển bằng phương tiện công cộng như tàu lửa, xe khách.

Đặc biệt, du khách phải luôn mang theo khẩu trang và nước rửa tay để đảm bảo vệ sinh cũng như an toàn cho chính bản thân lẫn cộng đồng xung quanh.

Trước khi lên tàu xe, cần khai báo y tế điện tửTheo công văn 7234 của Bộ Giao thông Vận tải gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục, sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để đảm bảo các hoạt động giao thông vận tải được an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm Covid-19, hành khách phải:-Luôn đeo khẩu trang đúng cách trong khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe… và trên các phương tiện vận tải hành khách. -Trước khi lên tàu xe cần khai báo y tế điện tử bắt buộc tại nhà, chỉ khai báo y tế giấy khi không thực hiện được khai báo y tế điện tử (không áp dụng với taxi và xe buýt); kiểm tra thân nhiệt; sát khuẩn tay. -Hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi, không khạc nhổ bừa bãi. -Trong quá trình di chuyển nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần thông báo với tiếp viên hoặc nhân viên phục vụ trên tàu xe, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị kịp thời.

Thuý An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối