Sáng 23-6, tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức công bố quyết định chuyển Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế Liên Khương.
- Nhiều hạng mục sân bay Long Thành thi công vượt tiến độ
- Sân bay Tân Sơn Nhất khai thác 680 chuyến bay/ngày vào cao điểm hè
Với quyết định trên, Liên Khương trở thành Cảng Hàng không quốc tế đầu tiên của khu vực Tây Nguyên, được xem như cú hích góp phần phát triển ngành du lịch vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
Cảng Hàng không quốc tế Liên Khương có đường cất hạ cánh dài 3.250m, rộng 45m, kết cấu bê tông nhựa... đáp ứng khai thác chủng loại máy bay Code D như B757, A300 và tương đương trở xuống.
Đây là loại hình cảng hàng không, sân bay phục vụ các chuyến bay quốc tế, nội địa thường lệ, không thường lệ, các loại tàu bay tư nhân, tàu bay quân sự và các loại tàu bay khác khi được các cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác.
Từ tháng 1-2017 đến nay, cảng Hàng không Liên Khương đã phục vụ hơn 1.700 chuyến bay không thường lệ (charter) từ Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... của các Hãng hàng không Air Asia, Korean Air, Thai Vietjet, Vietjet Air.
Hiện tại, cảng Hàng không Liên Khương đón 6 chuyến bay quốc tế/ngày. Hãng hàng không Vietjet Air đang khai thác 2 đường bay từ Đà Lạt đi Incheon và Busan (Hàn Quốc) với tần suất 6 chuyến bay/tuần. Trong khi đó, Jeju Air của Hàn Quốc là hãng hàng không nước ngoài duy nhất đang khai thác đường bay từ Hàn Quốc đến Đà Lạt với tần suất 14 chuyến/tuần.
Ngày 17-5-2024, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Quy hoạch Cảng Hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Liên Khương là cảng hàng không cấp 4E-cấp cao nhất ở Việt Nam hiện nay, công suất phục vụ 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến công suất của cảng hàng không sẽ được nâng lên 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Theo TTXVN, báo Điện tử Chính phủ