Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Làm “Người vận chuyển” đời thực

CHÍNH PHONG –

Khác với những gì bóng bẩy, xa hoa của “Người vận chuyển” trong các tập phim bom tấn cùng tên của điện ảnh nước ngoài, nhân lực trong ngành giao hàng thực tế chỉ cần một chiếc xe máy đủ tốt, thông thuộc đường sá một chút là có thể ra đường mưu sinh.

IMG_0227Người làm nghề giao hàng ngoài các tiêu chuẩn sức khỏe, biết cách chiều khách thì phải thông thuộc đường đi.

Bên cạnh các công ty giao nhận có quy mô lớn và nhiều năm kinh nghiệm như Viettel Post, EMS, Netco, Kerry Express, hàng chục công ty chuyên về giao nhận khác như Giao Hàng Nhanh, Eco Post, Hỏa Tốc, D&T Express, Global Express, An Bình Express cũng hình thành. Thêm vào đó là các trang thương mại điện tử Lazada.vn, Tiki.vn, Shoptretho.com.vn, Zalora.vn, Sieumua.com, Sendo.vn, Muachung.vn, Nhóm mua, Hot Deal hoặc các hệ thống siêu thị và chuỗi bán lẻ như Big C, Lotte Mart, Metro cũng đều có đội ngũ giao hàng bằng xe máy trong nội thành.

Việc nặng nhưng thu nhập cao

Giao hàng theo yêu cầu đang được xem là nghề giúp sinh viên nghèo đỡ đần tiền cha mẹ từ quê gửi lên, là sinh kế tạm thời cho một số người trước khi kiếm việc khác, là nguồn thu nhập thêm ngoài đồng lương cố định ở một chỗ làm khác cho nhiều người. Giao hàng cho các siêu thị thường có mức thù lao khoảng 8.000 đồng/đơn hàng, ngoài ra không có tiền xăng hay tiền lương gì hết. Ông Lương ở quận Bình Tân (TPHCM) ngày giao hơn 30 đơn hàng cho một hệ thống siêu thị, trừ tiền ăn và xăng còn được 200.000 đồng/ngày. Theo lời ông, buổi tối còn nhận chở thêm hàng ở chợ đầu mối Bình Điền, mỗi tháng tằn tiện cũng nuôi được hai đứa con sắp vào đại học.

Các trang thương mại điện tử thường trả thù lao thành hai phần gồm lương tháng (tùy doanh nghiệp) và hỗ trợ xăng xe khoảng 1,5 triệu đồng/tháng cùng 3.000 đồng/đơn hàng. Theo thống kê của anh Nam, một nhân viên giao hàng cho Tiki thì trung bình ngày đi 50 đơn hàng tính ra thu nhập cũng vào mức 5-7 triệu đồng mỗi tháng. Mỗi nhân viên được phân công giao hàng trên một địa bàn lớn bằng một quận nhỏ nhưng mỗi ngày tải hơn 50 đơn hàng không phải là chuyện đơn giản. Nhiều người lớn tuổi chạy xe ôm tưởng dễ, làm mấy ngày là nghỉ. “Nhiều nhân viên trẻ chịu không nổi cũng phải tự văng ra, tôi phải làm qua mấy chỗ mới quen. Có nhân viên bị cảnh sát giao thông phạt, sinh bực dọc rồi có thái độ không tốt với khách là thường. Ba lần bị khách phản hồi là bị đuổi việc rồi”, Nam nói.

Những người giao hàng thường được gọi là “shipper”, theo tiếng Anh. Chớ tưởng shipper đều thu nhập bèo. Có nhiều nơi, họ sống khỏe. Nhìn vào bảng công việc trong một ngày đầu tuần của Hùng, shipper 28 tuổi làm cho công ty Người Vận Chuyển, thấy anh giao 39 đơn hàng. Mỗi đơn hàng công ty tính phí 30.000 đồng, nhân viên hưởng 80%, công ty hưởng 20%. Như vậy, trừ tiền cắt về công ty, ngày hôm đó Hùng kiếm được hơn 900.000 đồng. Ban ngày, Hùng làm việc giao hàng vào khoảng 8-18 giờ, đêm anh làm việc chính của mình là nhân viên trực kỹ thuật ở một nhà máy thuộc công ty cấp nước.

Ông Xuân Hà, chủ của Công ty Người Vận Chuyển (quận Tân Phú, TPHCM), cho biết công ty không có chủ trương mở rộng địa bàn, chỉ tập trung tại TPHCM và giao hàng ngay trong buổi. Ví dụ, nhận đơn hàng buổi sáng thì giao dứt điểm trong buổi sáng, chứ không để sang buổi chiều hoặc ngày hôm sau như các công ty khác. Dù lấy phí đắt hơn các đối thủ cạnh tranh nhưng vì yếu tố “nhanh” nên công ty vẫn đông khách. Cũng theo ông, với các đơn hàng lớn, công ty lấy phí rẻ hơn so với các công ty khác. “Hầu hết các cửa hàng đều đi đơn hàng lớn. Hiện chúng tôi bán gói 100 đơn hàng/tháng với giá 2,5 triệu đồng, bán gói 400 đơn hàng/tháng với giá 4 triệu đồng, tức là chỉ có 10.000 đồng/đơn hàng. 400 đơn hàng đó, khách muốn chuyển ngày nào trong tháng cũng được”, ông Hà nói.

Vui buồn chuyện shipper

Quan trọng nhất trong dịch vụ giao nhận là xây dựng lòng tin, giữa khách hàng với công ty, giữa chủ công ty và nhân viên. Cầm một đơn hàng giao 10 chiếc laptop, hay cầm cục tiền vài chục triệu đồng thu hộ cho chủ hàng theo phương thức (COD – cash on delivery, giao hàng và thu tiền hộ), không phải ai cũng không nổi lòng tham. Dù có xác minh nhân thân của nhân viên kỹ hay bắt họ đóng tiền thế chân nhưng chuyện nhân viên trộm đồ và tiền đi vẫn có thể xảy ra.

Nhưng cũng có nhiều trường hợp chính công ty và nhân viên giao nhận bị người giả mạo chủ hàng lừa. Ông Hà kể rằng, có lần, một người xưng là chủ sạp ở chợ An Đông (quận 5, TPHCM) gọi đến nhờ giao hai chiếc đầm đến đường Ba Vân (quận Tân Bình), chủ sạp đề nghị công ty giao nhận ứng trả tiền trước 2 triệu đồng rồi đến thu của khách 2 triệu đồng này sau. Công ty vẫn ứng tiền theo kiểu đó cho chủ hàng khi biết cửa tiệm của chủ hàng. Lúc shipper gần đến nơi lấy đồ, chị ta gọi điện cho shipper nói là “đã chờ em sẵn ở cổng chợ, vì chợ nhiều sạp, sợ em không tìm ra, mà hàng của chị gần giao gấp”. Shipper đến ứng tiền trả trước 2 triệu đồng, mang đến đường Ba Vân không tồn tại số nhà người nhận, gọi điện thì chủ hàng tắt máy, cầm tờ hóa đơn lên chợ tìm thì không có sạp hàng này. “Coi như mất 2 triệu đồng cho hai chiếc váy rẻ tiền được gói bọc rất kỹ”, anh Hà nói.

Gần đây, nở rộ dịch vụ bán đồ ăn đêm giao tận nhà. Các cơ sở như Ncook, Food Hero kinh doanh lĩnh vực này đều có đội ngũ shipper riêng, trả công 18.000 đồng/giờ. Làm hàng này giá trị không lớn, rủi ro không nhiều nhưng cũng có nhiều chuyện cười chảy ra nước mắt. Có người đang ở nước ngoài gọi điện về đặt đồ ăn đêm cho bạn gái “để cô ấy có sức chát chít với mình”. Có anh Hà Nội mê cô tiếp viên hàng không trong TPHCM, ngoài yêu cầu đồ ăn còn dặn kỹ người shipper phải phong độ đàng hoàng “để bảo vệ không hỏi nhiều khi đưa đồ ăn vào khu tiếp viên đoàn”. Có anh đặt đồ ăn mang vào bệnh viện cho bạn gái, dặn sẽ chuyển tiền qua tài khoản, không được lấy tiền của cô bạn. Nhưng cô đang giận bạn trai nên kiên quyết tự mình trả tiền, nếu không lấy tiền thì không nhận đồ ăn.

Có trường hợp người đặt hàng không có khóa mở cửa, đứng trên ban công lầu cao ròng dây xuống kéo đồ ăn lên. Khi thả tờ tiền xuống trả thì tờ tiền mắc trên cành cây, shipper phải leo lên rung cây cho tiền rơi xuống, sau đó buộc tiền trả lại vào dây để người trên kéo lên. Có trường hợp người trú ở khách sạn gọi đến đặt bốn suất đồ ăn, shipper tới gọi điện không bắt máy, lên phòng đập cửa không thưa, phải gọi bảo vệ khách sạn lên. Bảo vệ sợ khách gặp nguy hiểm lấy khóa phụ lên mở phòng thì thấy bên trong có bốn cô đều trong tình trạng phê thuốc.

Nhiều khi là gặp bảo vệ chung cư làm khó: “Anh không được tự mình mang lên, anh mang bom lên thì sao? Để đấy tôi làm”. Nhưng shipper cự lại: “Mình anh mang lên, nhỡ anh thả chuột chết vào đồ ăn thì chúng tôi mang tiếng”. Bảo vệ ngại gọi chủ nhà xuống nhận, thế là cả hai dắt tay nhau cùng lên phòng chuyển đồ. Còn chuyện khách gọi đồ ăn nhưng khi shipper mang đến gọi cho khách mà khách không bắt máy là “chuyện thường ngày ở huyện”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Phong trào chạy bộ nở rộ nhưng không phải ai cũng...

0
(SGTT) - Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các bác...

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Kết nối