Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Lại rộ chuyện Tây ba lô dạy tiếng Anh

Khi nhu cầu học tiếng Anh từ người bản xứ tăng cao, một số trung tâm Anh ngữ ở Việt Nam gần đây lại đẩy mạnh chiêu bài “giáo viên người bản ngữ” để thu hút học viên, bất kể chất lượng và bằng cấp của các giáo viên này.

Giáo viên bản ngữ đủ trình độ giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam hiện đang rất khan hiếm. Ảnh: Whyy.org

Gần đây, một số trang tin tức nước ngoài đã đăng tải về tình trạng những người đi du lịch bụi từ nước ngoài, hay còn gọi là “Tây ba lô”, đổ xô đi dạy tiếng Anh “chui” cho các trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam. Tờ tin tức ABC (Úc) từng phản ánh tình trạng này xuất phát từ tâm lý sính chuộng giáo viên người nước ngoài cùng việc khan hiếm những giáo viên bản ngữ đủ bằng cấp và trình độ. Thậm chí, giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh ở Việt Nam còn được gọi là những “thầy giáo ngôi sao”. Việc kiếm tiền bằng cách đi dạy tiếng Anh ở Việt Nam đôi lúc trở nên quá dễ dàng đối với những người này, qua đó còn thu hút thêm nhiều người mới đến. Họ là những anh, chị “Tây” không bằng cấp, muốn đi du lịch nhưng không dư dả tiền bạc.

Tiếng dữ đồn xa

Thực ra, việc Tây ba lô dạy tiếng Anh kiếm tiền ở Việt Nam không phải là việc mới mẻ với người dân trong nước. Điều đáng nói ở đây là vấn nạn giáo viên người nước ngoài không trình độ và bằng cấp vẫn đi dạy và kiếm tiền nhiều nay lại trở nên rầm rộ. Thậm chí, vấn đề này còn trở nên nổi tiếng với giới truyền thông nước ngoài, theo cách chẳng ai mong muốn. Hiện nay, nhiều khi chỉ cần là người da trắng biết nói tiếng Anh thì dù thuộc bất kỳ quốc tịch nào hay không có bằng cấp gì, các anh chị Tây đều có thể xin vào trung tâm Anh ngữ tại đây. Họ sẽ được nhận vào được dạy với mức lương đủ để đi du lịch khắp nơi trong nước.

Một phần nguyên nhân của tình trạng này còn là do sự khan hiếm giáo viên bản ngữ dạy tiếng Anh đủ trình độ và bằng cấp. Nhiều cá nhân và tổ chức còn phải đi lùng tìm khách nước ngoài du lịch dài hạn tại Việt Nam để đưa vào dạy tại các trung tâm trên Facebook. Nhiều trang và nhóm trên Facebook chuyên về săn tìm giáo viên dạy tiếng Anh mọc lên như nấm sau mưa. Điều kiện tuyển rất dễ, chỉ cần là người nước ngoài, người bản ngữ hay là người ở nước khác nói tiếng Anh đều được, không bằng cấp cũng không sao.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi rất nhiều trung tâm Anh ngữ ở TPHCM luôn tự giới thiệu giáo viên của mình có đủ bằng cấp, đủ điều kiện dạy học. Phụ huynh hoang mang lo lắng còn số ít những trung tâm thực sự chất lượng lại vấp phải sức cạnh tranh không lành mạnh.

Cần có sự kiểm tra của cơ quan chức năng

Theo quy định cấp phép lao động nước ngoài dạy tiếng Anh ở Việt Nam, người nước ngoài phải hội đủ nhiều điều kiện như sức khỏe tốt, lý lịch tư pháp trong sạch, bằng đại học liên quan đến sư phạm, chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh (TESOL hoặc CELTA chẳng hạn).

Nhiều nhà giáo có kinh nghiệm ở TPHCM cũng bày tỏ ý kiến chung cho rằng một trung tâm tiếng Anh cần phải có đủ lượng giáo viên đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đề ra mới được cấp phép. Tuy nhiên, việc các trung tâm thực hiện tuyển người như thế nào thì chưa thấy sự kiểm tra chặt chẽ của các ban ngành. Thực tế tại nhiều trung tâm cho thấy, các giáo viên nước ngoài đã được đăng ký đứng lớp lại không thấy mặt và có dùng thêm một số người nước ngoài mà không đăng ký. Các giáo viên nước ngoài đứng lớp cũng thay đổi thường xuyên, một lớp đổi vài ba giáo viên trong một khóa là chuyện hay xảy ra. Việc học của các học viên bị ảnh hưởng nhiều.

Ông Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng trường Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng nếu thật sự có tình trạng giáo viên nước ngoài ở các trung tâm như vậy, các trung tâm này đang sử dụng lao động giảng dạy bất hợp pháp.

Theo ông Chính, giáo viên phải được đào tạo theo từng cấp độ của học sinh mới có chuyên môn thích hợp để truyền đạt kiến thức. Nếu thật sự có việc giáo viên nước ngoài không đủ điều kiện dạy tại các trung tâm thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải tích cực thanh tra xử lý tình trạng này.

Giải pháp cho tình trạng khan hiếm giáo viên

Việc dùng giáo viên nước ngoài chưa đủ chất lượng là do áp lực tuyển sinh của các trung tâm phải tuyển bằng được giáo viên nước ngoài để chiều theo tâm lý “sính ngoại” của phụ huynh học sinh. Một trung tâm Anh ngữ không có giáo viên ngoại quốc rất khó tuyển được nhiều sinh viên và ít có phụ huynh nào thích cho con mình học kỹ năng nghe nói từ giáo viên người Việt.

Phụ huynh và học viên là khách hàng và họ có cái lý của họ. Rõ ràng học sinh được thực hành và được chỉnh sửa từ chính người bản xứ sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn là từ người không dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Trở ngại ở đây là việc tuyển được giáo viên nước ngoài đủ điều kiện, trình độ không hề dễ. Nếu mức lương và phúc lợi không đủ hấp dẫn thì họ sẽ không chuyển đến Việt Nam để làm việc. Nhưng trung tâm nào chịu trả lương cao thì sẽ phải tăng mức học phí, khi đó trung tâm lại khó tìm đủ được số lượng học sinh để tồn tại. Trước thực tế đó, các trung tâm đành chọn các giải pháp mời những người nước ngoài chưa đủ điều kiện giảng dạy về dạy học.

Việc sử dụng giáo viên nước ngoài kém chất lượng hay trái phép cần phải được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, giải pháp thay thế để thỏa mãn nhu cầu học tiếng Anh từ người bản ngữ cũng cần được đầu tư suy nghĩ thêm. Đa số người học có nhu cầu thực hành kỹ năng học với người nước ngoài nhưng chưa thật sự có khả năng trả học phí cao. Để đáp ứng nhu cầu có thực này, ông Nguyễn Quốc Chính cho rằng trung tâm nên đẩy mạnh giao lưu ngoại khóa với nhiều học viên hơn bình thường. Các hoạt động kiểu này giúp mở rộng cơ hội để học viên sử dụng kỹ năng nghe nói và thực hành với người nước ngoài khi trung tâm chưa kịp tuyển đủ giáo viên đủ chất lượng.

Mỹ Huyền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tìm hiểu 3 phòng tranh đậm nét nghệ thuật ở TPHCM

0
(SGTTO) - Phòng tranh không chỉ trưng bày các tác phẩm mà còn là nơi các nghệ sĩ chia sẻ cảm xúc của mình...

Những ngày sống giãn cách xã hội của một blogger du...

0
(SGTTO) - Dù phải hủy nhiều chuyến đi do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng blogger du lịch Bùi Thanh Tâm (Tâm Bùi) không nản lòng mà...

Không gian đô thị tại các hẻm Sài Gòn thu hút...

0
(SGTTO) - Dạo chơi Sài Gòn, khám phá những con hẻm luôn mang lại nhiều điều mới mẻ. Ông Andrew Stiff, người Anh, sau...

Nhiều hoạt động liên quan đến bánh mì trong tuần lễ...

0
(SGTTO) - Nhân kỷ niệm năm thứ 9 mục từ “bánh mì” được từ điển Oxford ghi nhận (24-3-2011 đến 24-3-2020) và hiện tượng...

Biệt thự cổ qua lời kể của vị kiến trúc sư...

0
(SGTTO) - Những ngôi biệt thự cổ trên các tuyến đường quận 3 luôn nằm trong những bài giảng của Kiến trúc sư Nguyễn...

Cảm nhận bóng đêm cùng người khiếm thị

0
(SGTTO) - Trong con hẻm nhỏ số 180 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM có một cụm nhỏ quán xá được phục vụ...

Kết nối