Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024

“Lá lành đùm lá rách” ở Tây Giang mùa lũ

(SGTTO) – Sáu giờ sáng cuối tuần, tôi đến quán cà phê trên đường Nguyễn Du, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng để đi cùng đoàn thiện nguyện sau lời rủ của anh Lê Phi, một người bạn và một doanh nhân trong ngành du lịch.

Chuyến đi có sự tham gia của gần 20 thành viên nhiều ngành nghề, nhằm cứu trợ bà con dân tộc Cơ Tu tại xã A Vương, huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi các đợt bão lũ vừa qua.

Sắp xếp hàng cứu trợ cho người dân Tây Giang.

Các thành viên nhóm cứu trợ làm nhiều ngành nghề khác nhau từ bác sĩ đến ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm, du lịch… tại Sài Gòn và Đà Nẵng. Họ – người góp công, người góp của – đã trao khoảng 300 phần quà cho bà con. Mỗi phần quà là chăn, áo ấm, gạo, mì, nước tương, dầu ăn, cá khô, vở, bút viết…

Hàng cứu trợ trao tận tay bà con vùng lũ.

Năm chiếc ô tô cùng hai chiếc xe tải chở hàng hóa xuất phát đến điểm văn hóa xã A Vương, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 90km để trao quà cho bà con tại ba thôn của xã.

Khoảng 10:00 sáng, chúng tôi có mặt tại điểm phát quà. Ai cũng xúc động khi thấy bà con đeo gùi trên lưng đang lần lượt đi bộ đến điểm phát quà dưới cơn mưa dầm miền núi.

Với sự giúp đỡ của anh Pơloong Plênh, Phòng Văn hóa – thông tin huyện Tây Giang, các trưởng thôn cùng những thanh niên làng, khoảng 5 tấn hàng được chuyển xuống nhanh chóng. Sau đó, các thành viên phân công, mỗi người mỗi việc. Người bỏ gạo, người bỏ mì, người bỏ dầu ăn. Khoảng 30 phút, các phần quà đã được chia xong để phân phát cho bà con hai thôn đầu tiên.

Người dân nhận hàng cứu trợ gồm chăn, mì tôm, dầu ăn…

Các trưởng thôn hỗ trợ đọc tên từng người lên nhận quà. Bà con lên nhận quà trật tự. “Cảm ơn” là tiếng được nghe nhiều nhất trong buổi phát quà buổi sáng. Số lượng quà quá lớn so với cái gùi của bà con, nên đôi lúc các thành viên giúp bà con cột quà trên những cái gùi và lo lắng hỏi “Mang nặng đi bộ về xa được không?”. Đáp lại sự lo lắng đó những nụ cười thân thiện với câu trả lời đơn giản “Dạ không sao, quen rồi!”

Theo lịch trình, sau khi phát quà, đoàn đi sâu vào làng Arec, xã A Vương trên con đường độc đáo một bên là vách núi, một bên là suối nước chảy xiết để trực tiếp trao quà cho bà con và ở lại đêm sinh hoạt với bà con nơi đây.

Do trời mưa liên tục và ảnh hưởng những cơn bão vừa qua, đường đi vẫn còn một số điểm sạt lở.

Với sự giúp đỡ của bà con trong làng, những chiếc ô tô đã vượt chướng ngại vật thành công để vào trung tâm của làng. Tuy nhiên, những chiếc xe tải, không may bị “sa lầy”, và phải nhờ bà con đưa quay lại trung tâm xã.

Già làng Arec phải kêu gọi bà con đi bộ hoặc các phương tiện đến nhà văn hóa xã A Vương để nhận quà. Đoàn cũng phải quay ra lại nhà văn hóa xã đề trao quà và quay về lại Đà Nẵng trong ngày. Cũng như buổi sáng, bà con xếp hàng trật tự và nhận những phần quà được phân chia nhanh chóng từ các thành viên và hỗ trợ của các thanh niên trong làng. Và những tiếng “Cảm ơn” vang lên không ngớt.

Chị Thiện, một trong những mạnh thường quân, tâm sự đây là lần đầu tiên chị phải vận động nhiều trong một chương trình thiện nguyện, nhưng chị cảm thấy vui và ấm lòng. Trong khi đó, chị Thanh, cùng vài người bạn bay từ TPHCM đến Đà Nẵng để tham gia chương trình, chia sẻ rằng chị hy vọng giúp bà con và trẻ em vùng núi phần nào vượt khó khăn và tiếp tục cuộc sống.

Với một chút tiếc nuối trong lòng do không thể ở lại theo dự kiến do điều kiện thời tiết, các thành viên trong đoàn chiều cùng ngày tạm biệt bà con để về lại thành phố Đà Nẵng. Trên đường về, đoàn gặp một đoàn khác đi lên huyện Tây Giang để hỗ trợ cho bà con ở những thôn khác.

Trong buổi tổng kết chuyến đi, các mạnh thường quân cũng lên kế hoạch sẽ tổ chức chuyến cứu trợ tại huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) – huyện miền núi nơi đã xảy ra các vụ sạt lở, gây thương vong nghiêm trọng – trong tương lai gần. Các thành viên cũng cam kết sẽ tiếp tục tham gia.

Trong thời gian tới, khi những cơn bão ngoài biển Đông chuẩn bị tiến vào đất liền và những cơn mưa hoàn lưu sau bão còn tiếp diễn, bà con sẽ còn tiếp tục chịu khó khăn. Họ vẫn cần những chương trình cứu trợ chính quy, trao đúng nơi đúng người như lời già làng thôn Arec: “Bà con đã chịu những thiệt hại nặng nề, liên tục từ những cơn bão. Bà con rất biết ơn những tấm lòng của mọi người vì chúng ta là người Việt Nam”.

Bên cạnh những tấm lòng của các mạnh thường quân, có lẽ bà con cũng cần những hỗ trợ căn cơ hơn từ chính quyền để họ sống an toàn hơn, yên tâm hơn không chỉ trong mùa mưa bão năm nay.

Bài và ảnh: Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

‘Saigon Times – Nối vòng tay lớn’ trao quà tết cho...

0
(SGTT) – Sáng 17-1, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp đã với Hội Nhà báo TPHCM và UBND thành phố Dĩ An,...

Hơn 130 người tham gia hiến máu nhân kỷ niệm thành...

0
(SGTT) - Sáng nay, ngày 8-10, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Trung tâm hiến máu nhân đạo TPHCM và Hội...

‘Saigon Times – Nối vòng tay lớn’ góp mùa Trung thu...

0
(SGTT) - Sáng ngày 27-9, với mong muốn góp phần tạo nên một mùa “Trung thu đong đầy” cho các em nhỏ tại Trung...

Saigon Times – Nối vòng tay lớn: mang Trung thu đến...

0
(SGTT) - Ngày 27-9 tới, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cùng Quỹ Nụ Cười Thiên Thần (Angel Smile) thuộc Câu lạc bộ Doanh...

Saigon Times Group cùng Agribank tiếp sức học sinh đến trường

0
Ngày 19-11, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) cùng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thông qua...

Miền Trung khắc phục nhanh hậu quả bão Sonca để ứng...

0
Các địa phương ở miền Trung đang tăng cường khắc phục những hậu quả do cơn bão số 5 (có tên quốc tế là...

Kết nối