Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Kim cương lấp lánh nhờ… giấy kiểm định!

THANH THƯƠNG –
Đối với kim cương, một loại trang sức cao cấp đắt tiền, giá trị thực của nó đến đâu là điều vô cùng quan trọng nhưng không phải người mua nào cũng nhận biết được. Trong khi đó, trên thị trường, sản phẩm kim cương đủ hình đủ dạng, trôi nổi từ nhiều nguồn.

Giá bán phụ thuộc giấy kiểm định

Nếu vàng nữ trang được phân chia chủng loại theo hàm lượng vàng, khá dễ để kiểm định chất lượng, so sánh giá giữa các cửa hàng, nhãn hiệu, thì kim cương rất khó để biết chính xác là mua có đúng giá không, mắc hay rẻ…

Hiện tại, trên thị trường TPHCM có khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh kim cương. Một số cửa hàng kinh doanh vàng cũng có bán kim cương, tuy vậy số lượng không phong phú và đa dạng bằng. Giấy chứng nhận kiểm định phần nào là cơ sở để định giá kim cương thì cũng nơi có, nơi không.

giay kiem dinh kim cuong cua GIAGiấy kiểm định kim cương của GIA.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, một chuyên gia lâu năm trong ngành nữ trang, do cạnh tranh nên nhiều công ty nhỏ đang chấp nhận hạ giá bán sản phẩm hoặc chi nhiều tiền cho các đợt khuyến mãi, thế nhưng họ cung cấp các sản phẩm kim cương có chất lượng không cao, bù vào đó, các loại vỏ (thường là vàng 10-18k, màu trắng) sẽ được thiết kế đẹp để khách hàng không quá lưu ý đến chất lượng của kim cương.

Trên thị trường hiện nay, kim cương trôi nổi rất nhiều, nhập về từ nhiều nguồn như hàng xách tay từ các nước, hay mối lái từ Hồng Kông giao tận nơi, hoặc kim cương có sẵn trong nước do mua đi bán lại… Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty Kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry, cho biết kim cương nhập lậu nhiều nhất là từ Hồng Kông.

Theo ông Trọng, người mua phải cẩn trọng, vì không phải công ty nào cũng bán đúng giá với từng loại kim cương. Khách hàng khi mua theo các đợt giảm giá có thể bị hớ, vì doanh nghiệp có thể nâng giá bán rồi mới giảm giá, trong khi khó so sánh giá giữa các loại kim cương của các thương hiệu khác nhau; hoặc kim cương chỉ có độ sáng VVSI 2 nhưng bán bằng giá với kim cương có độ sáng VVSI 1, trong khi giá của hai loại này cách nhau đến 30%. VVSI (very very slightly included – rất rất ít tỳ vết) được xem là một trong những yếu tố để đánh giá kim cương.

Bà Sương cho rằng thị trường kim cương có rất nhiều chủng loại, sản phẩm, nhưng chỉ có hai nhóm đáng tin cậy, đó là nhóm có giấy chứng nhận kiểm định của Viện Ngọc học Hoa Kỳ (GIA), các trung tâm kiểm định có uy tín khác của châu Âu như IGI và EGL, và nhóm thứ hai có giấy chứng nhận của doanh nghiệp trong nước. Cũng có những sản phẩm có cả hai giấy chứng nhận này. Trên thực tế, việc có giấy chứng nhận là một trong những yếu tố quan trọng trong việc định giá kim cương. Thường thì kim cương rời, không có giấy chứng nhận, có giá thấp hơn nhiều so với kim cương đóng vỉ và có giấy chứng nhận. Các chi tiết về màu sắc, độ tinh khiết… được ghi trên giấy chứng nhận cũng là các yếu tố để định giá kim cương.

Ví dụ, với một viên kim cương cùng kích cỡ 5,4 ly, nếu có giấy chứng nhận và đạt “điểm” cao về chất lượng, các doanh nghiệp sẽ bán với giá gần 3.000 đô la Mỹ. Nếu mua ở các tiệm thông thường, chất lượng thấp hơn (màu không trắng, có bụi mờ) và không có kiểm định, một viên cùng kích cỡ sẽ được bán với giá khoảng 1.000 đô la Mỹ.
Theo bà Sương, mua kim cương nên có giấy xác nhận, vì lý do chính là không nhiều người biết xem kim cương. Các yếu tố như độ tinh khiết, cấp độ màu, độ cắt mài… là các tiêu chí để phân loại kim cương thì chỉ người bán mới biết.

“Tuy vậy, cũng như các loại sản phẩm khác, nếu không cần chất lượng quá hoàn hảo thì chọn một viên kim cương giá thấp cũng không đến nỗi vì đa phần kim cương đều lấp lánh. Nhưng quan trọng là phải đúng giá”, bà Sương nói thêm.

Ông Trọng cũng cho rằng nên mua kim cương ở nơi nào có giấy chứng nhận, tốt nhất là của GIA, chí ít cũng là của các thương hiệu lớn trong nước. Vì những loại kim cương được GIA kiểm định hầu như không có sai sót, khi cần bán lại cũng rất dễ dàng, và có thể bán ở nhiều nước trên thế giới. Còn trong trường hợp không có giấy chứng nhận của GIA, người mua nên đi kiểm định ở các công ty trong nước. Tuy vậy, giá kiểm định khá cao, có khi lên đến khoảng vài triệu đồng cho một sản phẩm.

Về khả năng mua phải sản phẩm kim cương giả, bà Sương và ông Trọng đều cho rằng rất ít gặp. Thường thì chỉ có một vài công ty nhỏ quảng cáo sản phẩm kim cương nhân tạo, thực chất là đá tổng hợp hay còn gọi là đá CZ thì giá rẻ cách biệt, chỉ vài chục ngàn đồng một viên nên người mua khó bị nhầm lẫn. Còn dạng mua bán sang tay thì hầu như người mua nào cũng phải mang đi kiểm định. “Việt Nam không có kim cương nhân tạo, vì thực chất do khó sản xuất nên giá bán kim cương nhân tạo trên thế giới còn cao hơn giá kim cương tự nhiên”, bà Sương cho biết.

khach mua kim cuong tai mot cua hang cua PNJ Uyen VienKhách mua kim cương tại một cửa hàng của PNJ. Ảnh: Uyên Viễn

Mỗi nơi mỗi kiểu kiểm định

Không có số liệu cụ thể Việt Nam nhập khẩu kim cương mỗi năm bao nhiêu, nhưng theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ kim hoàn TPHCM, đã lâu không thấy doanh nghiệp nào nhập khẩu kim cương chính thức. Nhưng theo ông Dưng, điều lo ngại nhất là giá cả kim cương có hợp lý không, chất lượng thế nào, ai bảo vệ quyền lợi người dùng khi có khiếu nại? Vì hiện tại không có một cơ quan nào của Việt Nam tổ chức kiểm định kim cương độc lập; chỉ một số doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ kiểm định kim cương, nhưng mỗi nơi mỗi kiểu nên không đồng nhất về giá trị của từng viên kim cương.
Theo ông Dưng, hiện hiệp hội đang đề xuất Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chuẩn kim cương quốc gia, để doanh nghiệp căn cứ vào đó mà cấp giấy chứng nhận, vì hiện tại năm tiêu chuẩn về đá quý được tổng cục ban hành từ năm 1994 đã lỗi thời.

Ngoài giá trị trang sức của kim cương, một chuyên gia tài chính cho rằng tại Việt Nam nó còn là một tài sản đầu tư, vì nhỏ gọn, giá trị cao. Nhưng điều đáng chú ý, kim cương là tài sản có giá trị cao, bền vững với thời gian, lại dễ cất giữ và ít bị kiểm tra, kiểm soát nên cũng là công cụ cho những người muốn rửa tiền. Hiện tại, theo quy định tại Nghị định số 116/2013/NĐ-CP của Chính phủ, để chống rửa tiền, Nhà nước quy định nếu mua trên 300 triệu đồng, với cả vàng, đá quý, trong đó có kim cương, người mua phải khai báo thông tin cá nhân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngày Thần Tài, giá vàng 67,8 triệu đồng/lượng, người dân đã...

0
(SGTT) - Lúc 9:00 sáng ngày mùng 10 tết tức 31-1, giá bán vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 67,8 triệu đồng/lượng,...

Vàng tăng nóng trong ‘tuần lễ’ Thần Tài

0
Dịp vía Thần Tài năm 2022, giá vàng trong nước được ghi nhận tăng cao nhất trong lịch sử, cùng sự hút hàng từ...
kim cương giá rẻ

Kim cương thiên nhiên không còn là “cuộc chơi” xa xỉ

0
(SGTTO) – Kim cương chỉ dành cho giới thượng lưu nhưng giờ đây thị trường trang sức kim cương nở rộ với mức giá...
Giá vàng

Người dân TPHCM mua 132.458 lượng vàng trong tháng 7

0
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, doanh số mua vào trong tháng 7-2020 đạt 132.458 lượng vàng, tương đương...

Vàng có thêm một năm “thất sủng”

0
THẢO NGUYÊN -  Giá vàng trong năm 2015 đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm qua. Những thông tin hỗ trợ cho...

Tích trữ vàng miếng có thể không lợi

0
Hiện giá vàng miếng trong nước đang ở mức thấp nhất trong vòng gần bốn tháng qua, tuy nhiên việc tích trữ vàng miếng...

Kết nối