Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Kiểm định khí thải xe máy: Khó!

Các chuyên gia giao thông cho rằng việc kiểm định khí thải xe máy là rất cần thiết; song họ cũng lo ngại trong khâu thực hiện theo lộ trình, một phần do thiếu quy định pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật về khí thải xe máy và cả tài chính để thực hiện.

Thiếu đủ thứ

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy được Chính phủ phê duyệt từ tháng 6-2010. Dù rất đồng tình với việc kiểm tra khí thải xe máy để bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân, các chuyên gia giao thông cho rằng việc kiểm tra khí thải xe máy không đơn giản trong bối cảnh hiện nay.

PGS.TS. Phạm Xuân Mai, khoa Kỹ thuật giao thông, trường Đại học Bách Khoa TPHCM, cho rằng việc kiểm định khí thải xe máy không khả thi, bởi hiện tại lượng xe máy tại Hà Nội và TPHCM đã lên đến hàng chục triệu chiếc, trong đó lượng xe trên 10 năm chiếm tỷ lệ 30-40%. “Vì vậy, sẽ không đủ nơi để kiểm định và không đủ nhân viên để làm việc đó”, ông nói.

Tính đến cuối năm 2013, số lượng xe gắn máy tại TPHCM đã tăng lên đến 6 triệu chiếc. Ảnh: Anh Quân
Tính đến cuối năm 2013, số lượng xe gắn máy tại TPHCM đã tăng lên đến 6 triệu chiếc. Ảnh: Anh Quân

Giả sử việc kiểm định được hoàn tất thì việc tiếp theo là một bài toán khó cho cơ quan chức năng. Ông giải thích, nếu người dân không chịu sửa chữa, thay mới những bộ phận được xác định là nguyên nhân gây ra tình trạng khí thải vượt mức thì cơ quan chức năng cũng khó lòng kiểm soát họ. “Đáng nói hơn là ai sẽ đi kiểm tra, liệu có đủ người có nghiệp vụ, máy móc kiểm tra không?”, ông Mai đặt câu hỏi. Theo ông, điều quan trọng hơn là Nhà nước phải tập trung phát triển giao thông công cộng. Khi giao thông công cộng phát triển thì lượng xe máy chắc chắn sẽ giảm theo.

Còn ông Nguyễn Đăng Anh Thi, Giám đốc môi trường và tiết kiệm năng lượng của Quỹ Indochina Capital thì cho rằng, mục tiêu của quyết định kiểm định khí thải xe máy nhằm bảo vệ môi trường là rất tốt, nhưng các biện pháp thực hiện có thể sẽ gặp nhiều trở ngại. Chẳng hạn, sau khi kiểm định xe máy, cơ quan chức năng sẽ dán tem hay cấp một loại giấy chứng nhận xe đã kiểm định để người dân mang theo bên người. Chưa kể là những hệ lụy xã hội khi những người đi xe cũ đa số là những người có thu nhập thấp, không có điều kiện thay xe mới hay thay các phụ tùng mới. Ông Thi đề xuất, vấn đề khí thải xe máy cần phải làm từ gốc, tức là Nhà nước đặt ra các tiêu chuẩn cho nguồn nhiêu liệu cũng như tiêu chuẩn khí thải của xe máy ngay khi xuất xưởng như các nước tiên tiến đã làm.

Tương tự, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cũng cho rằng, việc thực hiện kiểm định khí thải xe máy sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất, hiện nay số lượng xe máy tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt là tại các thành phố lớn, cả nước hiện đã có 39 triệu chiếc vào năm 2013 vượt dự báo 36 triệu chiếc đến năm 2020, riêng TPHCM đã gần 6 triệu chiếc với tốc độ tăng 10%/năm. Thứ hai, hiện nay chưa có quy định kiểm soát khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính đối với xe máy. Bộ GTVT vẫn chưa xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy tham gia giao thông.

Theo ông Sanh, hiện nay chất lượng thực tế của xăng dầu trên thị trường còn thấp. Nhiên liệu thay thế như xăng sinh học chưa được triển khai sử dụng rộng rãi. Một yếu tố khác là người dân thường không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ trong quá trình sử dụng. Đồng thời, các quy định pháp luật còn thiếu, chưa chặt chẽ, đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật và quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến khí thải do xe máy. Và, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật kiểm định khí thải xe máy, tuy đơn giản, vẫn còn thiếu.

Để đề án kiểm soát khí thải xe máy không trở thành một đề án vô nghĩa và lãng phí, ông Sanh cho rằng Bộ GTVT cũng nên rà soát lại mục tiêu và nguồn lực thực hiện để đảm bảo được tính khả thi và bền vững của đề án. Vị chuyên gia này cho rằng Bộ GTVT nên xoáy vào mục tiêu bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cộng đồng, không tranh luận nhiều về các khái niệm xe đã qua sử dụng mấy năm, xe đã chạy bao nhiêu km, xe biển số thành phố hay xe biển số tỉnh.

Hoặc trong giai đoạn 2015-2017, trong lúc cơ quan chức năng xây dựng các khung tiêu chuẩn và lộ trình cụ thể thì chỉ kiểm tra xe máy chạy trên đường có dấu hiệu vượt tiêu chuẩn khí thải, đặc biệt các xe máy chở hàng và xe máy quá cũ. “Việc kiểm tra khí thải xe máy sẽ ảnh hưởng đến từng người dân, nên Bộ GTVT vừa làm vừa đánh giá rút kinh nghiệm và phải gắn kết các chương trình trọng điểm khác như giảm khí thải xe ô tô, giảm kẹt xe, phát triển hệ thống giao thông công cộng tại các đô thị”, ông Sanh nói.

[box type=”bio”] Theo quyết định được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2010-2013, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, phải có 20% lượng xe máy lưu hành phải được kiểm định khí thải. Giai đoạn tiếp theo 2013-2015, sẽ kiểm định khí thải 80-90% số lượng xe máy tham gia giao thông tại Hà Nội và TPHCM.

Mục tiêu của đề án là kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải của xe máy thải ra. Quyết định cũng đặt mục tiêu hình thành mạng lưới kiểm định khí thải xe máy ít nhất 100 cơ sở tại Hà Nội và 150 cơ sở tại TPHCM; đào tạo, tập huấn cho ít nhất 500 cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ. Về kinh phí thực hiện, ngoài kinh phí được Nhà nước cấp, các đại lý được ủy quyền chính thức của các công ty lắp ráp xe máy phải đầu tư kinh phí để tham gia kiểm định khí thải. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia thực hiện việc kiểm định khí thải đối với xe máy.[/box]

Dán tem xe máy

Trước nhiều ý kiến về tính khả thi của đề án kiểm soát khí thải xe máy, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Trần Kỳ Hình nói với Sài Gòn Tiếp Thị, rằng hiện tại thời gian và lộ trình kiểm soát khí thải xe máy đang được xây dựng và xem xét đề nghị Chính phủ. Đầu tiên là xe sử dụng trên 10 năm, tiếp đến là xe 7-10 năm và xe 3-6 năm. Việc kiểm tra sẽ làm thí điểm trước tại hai thành phố là Hà Nội và TPHCM, rồi mới thực hiện ở các tỉnh thành khác. Ông cho biết thêm, trong giai đoạn đầu thí điểm sẽ khuyến khích chủ xe đi kiểm tra, sau lộ trình sẽ là bắt buộc.

Liên quan đến nguồn lực thực hiện kiểm định khí thải, ông Hình cho biết việc kiểm định khí thải xe máy sẽ huy động mọi thành phần kinh tế tham gia, trong đó tập trung trước hết vào hệ thống đăng kiểm của các sở giao thông vận tải tại địa phương và của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ tổ chức kiểm định từ các trung tâm phân phối, bảo hành của các nhà cung cấp xe, hiện nay cả nước có vài ngàn trung tâm loại này. Dự kiến, khi xe máy kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được dán tem.

Lê Anh – Mạnh Tùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mối lo từ việc sử dụng xe điện, xe xăng trong...

0
(SGTT) - Ngày 20-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội thông báo nguyên nhân gây cháy tại chung cư mini...

Điểm danh những thói quen gây hại khi đi xe tay...

0
(SGTT) - Xe tay ga ngày càng phổ biến vì tính tiện lợi, kiểu dáng thời trang, đặc biệt phù hợp với nữ giới....

Xe điện được quan tâm giữa mùa ‘bão giá’ xăng dầu

0
Hiện nay, nhiều người dân tại TPHCM đã và đang dần lựa chọn xe điện là phương tiện đi làm chính nhằm tiết kiệm...

Nhà cung cấp bugi hàng đầu Việt Nam có dịch vụ...

0
(SGTT) – Sáng 11-12, Công ty NGK Việt Nam tổ chức chương trình hướng dẫn xử lý bugi khi xe bị ngập nước và...

Nhiều vướng mắc về quy định thu hồi, tái chế xe...

0
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy kêu khó với quy định về tỷ lệ phải tái chế xe thải, trong khi...

Thị trường xe gắn máy ở Việt Nam đã bão hoà?

0
Lượng tiêu thụ xe máy ở Việt Nam giảm gần 17% trong năm 2020.Theo giới kinh doanh, sự sụt giảm này một phần do...

Kết nối