Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Không dễ đưa hàng vào siêu thị

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa đang tìm mọi cách đưa hàng vào siêu thị. Đây là kênh phân phối lớn giúp các đơn vị này đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Suýt đổ bỏ vì không nơi tiêu thụ

Thời gian gần đây khi đi mua sắm ở hệ thống siêu thị Big C, các bà nội trợ bắt đầu chú ý đến một loại cà chua mới, mỗi quả nặng gấp đôi, gấp ba quả cà chua thường. Đây là cà chua beef có xuất xứ từ Hà Lan, ưu điểm là trái to với trọng lượng khoảng 350 g đến 1 kg mỗi quả. Bà Phạm Thị Thu Cúc, Giám đốc Công ty TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc (Đà Lạt) – đơn vị trồng cà chua beef, cho biết cách đây vài tháng cà chua beef suýt phải đổ bỏ vì không tìm được nơi tiêu thụ. Nhưng cuối cùng có hệ thống siêu thị Big C chấp nhận phân phối sản phẩm này.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại Big C, nói rằng sau khi xem xét, kiểm tra chất lượng quả cà chua, Big C đã nhận tiêu thụ 3 tấn cà chua beef của doanh nghiệp này. Hiện bà Cúc đã ký hợp đồng tiêu thụ ổn định tại Big C.

Người tiêu dùng chọn mua bánh mứt tại siêu thị Co.opMart. Ảnh: Tấn Thanh
Người tiêu dùng chọn mua bánh mứt tại siêu thị Co.opMart. Ảnh: Tấn Thanh

Ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Năm Thụy, tỉnh Trà Vinh, nói rằng chả hoa Năm Thụy là một sản phẩm khá có tiếng ở Trà Vinh. Tuy nhiên, ông nghĩ đến lúc nào đó thì người ta cũng ngán sản phẩm của mình nên cần phải mở rộng kênh phân phối và ông bắt đầu đi chào hàng ở nhà hàng, tiệc cưới, nhóm nấu…

Việc chào hàng khá vất vả và ông nhận được nhiều phản ánh về hình thức sản phẩm không đẹp khiến ông phải cải tiến cả chất lượng lẫn bao bì. Rồi ông tham gia vào chương trình kết nối của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Sở Công Thương TPHCM. Từ sự hỗ trợ của chương trình này, Công ty Năm Thụy đã đưa hàng vào được một số hệ thống siêu thị của Co.opMart, Maximark ở Trà Vinh và TPHCM.

Không may mắn như chả hoa Năm Thụy, sản phẩm đậu phộng rang Phú Vinh mong muốn vào siêu thị nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng ý từ các nhà phân phối.

Ông Nguyễn Văn Chón, đại diện cơ sở đậu phộng rang Phú Vinh, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, nói rằng siêu thị chưa “mặn mà” với đậu phộng rang Phú Vinh vì họ có quá nhiều hãng đậu phộng nổi tiếng cung cấp. Trong khi đó, sản phẩm của cơ sở ông còn mới, chưa có thương hiệu trên thị trường nên mới chỉ phân phối ở tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng.

Khó trụ vững ở siêu thị

Hiện ở các siêu thị có bán nhiều sản phẩm của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất nhỏ như chả Năm Thụy, rượu Phú Lễ (Bến Tre), các loại bánh đặc sản Hà Nội như bánh cốm, bánh đậu xanh, kẹo dừa Bến Tre… Tuy nhiên, theo ông Chinh, để đưa hàng vào được kênh phân phối lớn đã khó nhưng duy trì được hợp đồng phân phối dài hạn càng khó hơn. Ông cho biết, nhiều doanh nghiệp cung cấp hàng cho siêu thị nhưng sau một thời gian đã không trụ lại được do không đạt chỉ tiêu doanh số mà siêu thị đề ra.

Tương tự, doanh nghiệp của bà Cúc cũng đang gặp khó khăn. Bà Cúc nói rằng nhu cầu của thị trường về sản phẩm cà chua beef khá lớn nhưng sản lượng loại trái này hiện lại chưa ổn định. Ngoài ra, gặp lúc thời tiết không thuận lợi thì chất lượng trái cà chua không cao như lúc đang thuận mùa. “Người tiêu dùng luôn đòi hỏi những quả cà chua to và đẹp. Làm thế nào để họ hiểu được khó khăn của nhà sản xuất là điều rất khó”, bà Cúc nói.

Lý giải những khó khăn của doanh nghiệp, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc tiếp thị hệ thống siêu thị Co.opMart, cho rằng điểm yếu của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nhỏ là không bảo đảm được chất lượng sản phẩm đồng nhất và duy trì sản lượng ổn định.

Còn theo ông Nguyên của Big C thì các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu sự chuyên nghiệp vì chưa nắm rõ các quy định pháp lý của Nhà nước trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại; chưa hiểu rõ quy trình bán hàng của hệ thống bán lẻ hiện đại; thiếu thông tin về sản phẩm như mã số mã vạch, quy định tem nhãn…

Do đó, để doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất có thể đưa hàng vào siêu thị, nhiều nhà phân phối đã có những động thái hỗ trợ. Ví dụ, Big C lập Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tổ chức các buổi xúc tiến thương mại tìm kiếm các doanh nghiệp có tiềm năng, tạo gian hàng địa phương cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia ở các siêu thị mới mở. Siêu thị Co.opMart cũng có một bộ phận chuyên tìm kiếm và hỗ trợ đưa các doanh nghiệp nhỏ vào siêu thị. Hiện Co.opMart đang phối hợp với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao để chọn 10 doanh nghiệp tiềm năng, hướng dẫn họ những thủ tục về giấy tờ, xây dựng nhãn hiệu, tem nhãn… để đưa hàng vào siêu thị.

Nguyễn Quyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Siêu thị ở quận Gò Vấp đông nghẹt người trong những...

0
(SGTT) – Sau 2 ngày mở cửa, siêu thị Emart Phan Huy Ích, quận Gò Vấp đang đón tiếp lượng khách “khủng”, người dân...

Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỉ đô la,...

0
(SGTT) - Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 322 tỉ đô la, giảm 5,9% so...

Trải nghiệm không khí lễ hội mùa hè Nhật Bản tại...

0
(SGTT) - Diễn ra từ ngày 29-6 đến 12-7 tại các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, lễ hội mùa...

Việt Nam xuất siêu gần 10 tỉ đô la Mỹ

0
Năm tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 262,5 tỉ đô la Mỹ....

Bán lẻ có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng...

0
Theo Tổng cục thống kê, 5 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so...

Hàng bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá sửa đổi...

0
Trong tờ trình Quốc hội, so với luật hiện hành, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã bổ sung thịt heo và sữa cho...

Kết nối