Thứ hai, Tháng năm 5, 2025

Không đầu hàng những “sát thủ thầm lặng”

BÌNH AN thực hiện -

So với ung thư vú thì ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung có số ca mắc chỉ bằng 10% nhưng hai bệnh này lại có tỷ lệ tử vong cao, kết quả điều trị hạn chế. Gần đây, y học đã đưa liệu pháp mới trong điều trị với cơ chế tấn công sự tăng sinh máu nuôi dưỡng của tế bào ung thư, mang lại hiệu quả điều trị cao.

BS-Vũ-Văn-Vũ-chia-sẻ-tại-hội-thảoBS. Vũ Văn Vũ chia sẻ tại hội thảo.

Tại hội thảo “Liệu pháp kháng sinh mạch – cải thiện sống còn cho bệnh nhân ung thư buồng trứng và cổ tử cung” diễn ra tại TPHCM ngày 23-4, Hội Ung thư Việt Nam cho biết, hàng năm có khoảng 240.000 phụ nữ trên toàn thế giới được chẩn đoán ung thư buồng trứng và khoảng 150.000 trường hợp tử vong. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 trường hợp phụ nữ bị ung thư buồng trứng (UTBT), với tỷ lệ sống toàn bộ năm năm chỉ khoảng 45%. Ung thư buồng trứng là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư phụ khoa.

Loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ là ung thư cổ tử cung (UTCTC), với hơn 5.000 trường hợp mắc bệnh mỗi năm. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do vi rút HPV (Human Papilloma Virus), loại ung thư chủ yếu lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Mặc dù việc tầm soát và chủng ngừa HPV đã được thực hiện rộng rãi, ung thư cổ tử cung vẫn là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ, với hơn 2.400 ca bệnh mỗi năm, tỷ lệ sống toàn bộ năm năm cho bệnh nhân là khoảng 16%.

Copy of Siêu-âm-sản-phụ-khoa-cũng-là-một-cách-tầm-soát-ung-thư-cổ-tử-cungSiêu âm sản phụ khoa cũng là một cách tầm soát ung thư cổ tử cung.

Để hiểu rõ hơn về hai căn bệnh này, Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với TS.BS. Vũ Văn Vũ, Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

Thưa bác sĩ, tại sao bệnh ung thư buồng trứng lại được xem là “sát thủ thầm lặng” đối với chị em phụ nữ?

TS.BS. Vũ Văn Vũ: UTBT thường có những triệu chứng hay bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh về tiêu hóa, và phần lớn bệnh nhân chỉ được phát hiện ở các giai đoạn muộn. Điều này làm cho việc điều trị trở nên khó khăn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tiên lượng sống của người bệnh.

Chúng ta hãy tưởng tượng buồng trứng bình thường khoảng 4 phân, mỗi chu kỳ kinh nguyệt có những nang chức năng chỉ khoảng 7-8 phân và nằm ở trong vùng chậu không bị cơ quan nào chèn ép thì hầu như không có triệu chứng gì. Một khối u tăng lên khoảng 9 đến 10 phân, thậm chí khối u lớn từ từ như phụ nữ mang thai, tạo cho cơ thể quen dần như không có triệu chứng gì. Khi bắt đầu có triệu chứng thì tùy vào những khối u lớn nhanh hay chậm, lớn hay bé chèn vào cơ quan nào thì gây cho cơ quan đó cảm giác nặng, tức ê ẩm vùng chậu, hoặc đè lên bọng đái gây rối loạn đi tiểu, hoặc chặn vào đường ruột gây táo bón, khi khối u vỡ ăn khắp trong bụng gây ra dấu hiệu đau bụng, bụng có nước hoặc tắc nghẽn… thường là gây bất thường ở vùng chậu. Thường lúc này giai đoạn ung thư đã tiến xa.

Vậy vì sao tỷ lệ UTBT có tỷ lệ tử vong cao?

- Vì khó chẩn đoán ở giai đoạn sớm, 3/4 các chẩn đoán ở những trường hợp đã lấn sang cơ quan khác và tiến triển nhanh, cho nên chưa có biện pháp tầm soát nào hữu hiệu để chẩn đoán cho cộng đồng. Siêu âm định kỳ không thể áp dụng cho đại trà. Chỉ khuyến cáo ở lứa tuổi 20 trở lên mỗi năm siêu âm một, hai lần để theo dõi. Tuy nhiên một khối u trong vòng sáu tháng đã lan rộng và có thể vỡ ra.

UTBT do nằm ở vị trí hiểm hóc, phát triển nhanh và không có những biện pháp tầm soát chẩn đoán sớm thực sự hữu hiệu. Do đặc tính bệnh nặng vỡ ra khắp ổ bụng, lan tràn rộng và di căn xa nên việc điều trị vô cùng khó và tỷ lệ tử vong cao.

UTBT thường gặp ở đủ mọi lứa tuổi từ bé đến lớn, thậm chí có những bé nhi bị ung thư buồng trứng của nhi. Nói chung một người phụ nữ ngoài giai đoạn sinh sản có một cái u, một cái nang to ra bất thường của buồng trứng thì nghĩ đến khả năng ác tính nhiều hơn.

Y học hiện nay đẩy mạnh biện pháp chẩn đoán bằng siêu âm qua ngả bụng, ngả âm đạo rồi kết hợp với một vài dấu hiệu sinh học thử trong máu… để tăng khả năng chẩn đoán và xử lý khối u chính xác hơn.

Lúc ban đầu người ta thường nghĩ UTBT là do lớp bọc của buồng trứng, người phụ nữ rụng trứng có những vết sẹo và có những lớp biểu mô bị vùi vào bên trong vùng trứng và nằm trong môi trường không tốt gây ung bướu; nhưng hiện nay y học đã có quan điểm khác, đó là do các tế bào bóc, tế bào bọc lót của các vòi trứng di chuyển lên trên bề mặt buồng trứng và hóa ung thư. Do vậy hiện nay có những nước thực hiện phương pháp triệt sản bằng cách cắt đi tai vòi hai bên, có tác dụng giảm thiểu UTBT.

Thứ hai là do về mặt di truyền, gia đình có những người mắc những bệnh ung thư như vú, cổ tử cung, ruột, phổi, tuyến giáp... hoặc những người có gen đột biến gây ra bệnh ung thư.

Vậy UTBT có khác gì với UTCTC?

- Điều trị UTCTC vẫn còn là một gánh nặng y tế lớn, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân UTCTC còn tùy thuộc vào chẩn đoán sớm và đúng mức. Phụ nữ có thể khám phụ khoa định kỳ và xét nghiệm truy tìm sớm ung thư này. Đồng thời đã có vắc xin chích ngừa HPV cho các trẻ em gái.

Đứng trước những “sát thủ thầm lặng”, tỷ lệ sống thấp khi phát hiện bệnh, ngành y tế hiện nay có những liệu pháp nào để nâng cao hiệu quả điều trị?

- Bộ Y tế đã phê chuẩn phác đồ điều trị bằng liệu pháp kháng sinh mạch để điều trị UTCTC tái phát di căn, UTBT giai đoạn nặng, hỗ trợ hóa trị. Đây là một loại liệu pháp nhắm trúng đích tiên tiến đang được áp dụng trong điều trị ung thư trên thế giới.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, phương pháp này là một bước tiến mới của y học hiện đại, với cơ chế tấn công sự tăng sinh máu nuôi dưỡng của tế bào ung thư, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn so với phương pháp trước đây, mang lại thêm nhiều cơ hội sống cho người bệnh.

Xin cảm ơn bác sĩ!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối