Magazine

Khám phá nghề làm trống Trung thu ở làng Ông Hảo

(SGTT) –  Bên cạnh nghề làm “mặt nạ giấy bồi” chơi Trung thu, làng Ông Hảo ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên còn được biết đến với nghề làm trống gỗ thủ công.
Công việc làm trống của người dân làng Ông Hảo thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng 8 Âm lịch năm trước. Theo đó, người thợ chọn mua gỗ về cắt khoanh, đẽo, tiện thành tang trống và đến khoảng tháng 7 âm lịch năm sau đem bọc da, sơn màu hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Khi chưa có máy móc để làm thân trống, các công đoạn phải làm tay, mất nhiều thời gian. Hiện nay có máy cắt, tiết kiệm nguyên vật liệu cũng như thời gian gia công và hiệu quả công việc cao. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Những khúc gỗ đề sau khi được cắt ra thành từng đoạn sẽ được đem đi tiện thành những khối trụ tròn rỗng (thân trống hoặc tang trống), sau đó sẽ được đem ra phơi trước khi chuyển tới giai đoạn gắn bưng trống (đóng mặt trống). Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Quy trình bưng trống (đóng mặt trống) là công đoạn cần sự khéo léo của những thợ lành nghề. Nếu bưng quá căng, trống sẽ không tròn tiếng, còn ngược lại nếu quá chùng thì tiếng sẽ non, sản phẩm nhanh hỏng. Sau khi đóng mặt trống xong, người thợ sẽ sơn đỏ xung quanh tang trống. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Để làm ra một cái trống kêu ngoài tiện tang chuẩn, việc chọn da trâu, bò cũng rất quan trọng. Da khi nhập về cắt từng tảng làm 3 – 4 mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu. Ngâm khoảng 5 – 7 ngày thì vớt ra. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Trong thời gian đó, cứ cách 1 – 2 ngày phải trở mặt da một lần để nước vôi ngấm đều, nếu không da sẽ bị loang ố, không đẹp. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn. Thời gian ngâm da cũng phải căn chỉnh cẩn thận, nếu vớt sớm, da non quá màu sẽ không đều, ngược lại, ngâm da chín quá sẽ thối, hỏng. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Trống bưng xong lại tiếp tục mang phơi khô 1-2 nắng rồi mới đến khâu sơn tang trống và vẽ hoa văn trang trí cho bắt mắt trước khi xuất xưởng. Trống chuẩn khi đánh lên sẽ có tiếng vang, giòn và đanh – âm hưởng góp phần tạo nên không khí lễ hội của Tết Trung thu. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Trống Trung thu chủ yếu là trống nhỏ nên việc bọc trống hoàn toàn bằng thủ công. Người thợ sẽ dùng súng bắn ghim để bọc mặt trống thay cho đinh vầu, đinh tre… giúp nhẵn nhụi hơn, tránh xước chân tay người dùng. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Bên cạnh nghề làm “mặt nạ giấy bồi”, thì trống gỗ chơi Trung thu cũng là sản phẩm nổi tiếng của làng Ông Hảo. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Nguyễn Hồng Sơn - Đăng Huy

Cùng chủ đề

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây