Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Kẻ cắp ngay bên tai

CHÍ THỊNH – 

Không chỉ tấn công dòng điện thoại thông minh (smartphone) có khả năng kết nối Internet, những kẻ trộm cắp thời công nghệ còn tìm cách thâm nhập, cấy mã độc vào dòng điện thoại phổ thông, vốn chỉ dùng để nghe, gọi và nhắn tin. Các mẫu điện thoại này được bày bán tràn lan trên mạng, trên các vỉa hè mà người mua chẳng ai khác ngoài những người thu nhập thấp.

Chẳng chừa ai

11

Thời gian gần đây, một số công ty bảo mật cảnh báo tình trạng mã độc được cài đặt sẵn trên các mẫu điện thoại di động giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các mã độc này bên cạnh việc đánh cắp thông tin cá nhân, còn thường xuyên nhắn tin đến các tổng đài có thu phí nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng.

Một số người cho biết họ chấp nhận mua các loại điện thoại di động trôi nổi vì giá bán của nó quá rẻ. Một chiếc điện thoại phổ thông “hai SIM – hai sóng” được một số trang mạng chào bán chỉ 200.000-400.000 đồng. Trong khi đó, nếu mua hàng chính hãng, chiếc điện thoại cùng loại có giá 600.000-700.000 đồng trở lên.

Một tiểu thương bán hải sản ở quận 1, TPHCM tên Dũng cho biết do thấy điện thoại có giá bán chỉ vài trăm ngàn đồng nên ông mua mấy cái “hai SIM – hai sóng” tặng cho người nhà, chủ yếu là để nghe, gọi. “Mấy chiếc điện thoại này không kết nối mạng, lướt web, xem video… nên không lo bị nhiễm virus!”, ông Dũng nói.

Ông Minh Đức, nhân viên kế toán của một công ty, cho biết dù đã có một chiếc smartphone hàng hiệu, nhưng ông vẫn chọn mua chiếc điện thoại BMW 760 vì thấy kiểu dáng lạ (giống xe hơi). “Vả lại, tôi cũng không kết nối Internet với chiếc điện thoại này, không sử dụng số điện thoại này để thanh toán… nên cũng không thấy nguy hiểm gì”, ông Đức cho biết.

Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng cho rằng việc sử dụng điện thoại di động không có tính năng kết nối mạng sẽ không có gì nguy hiểm. Đồng thời, họ cũng chỉ dùng các mẫu điện thoại này cho mục đích nghe, gọi, nhắn tin. Tuy nhiên, tội phạm mạng đã nhằm vào tính năng nhắn tin SMS để chiếm đoạt tiền.

Một số thuê bao di động cho biết, họ từng mua một chiếc điện thoại Trung Quốc để gọi điện và nhắn tin. Sau khi dùng được vài tháng thì phát hiện điện thoại của mình tự động nhắn tin đến các tổng đài thu phí (15.000 đồng/tin nhắn) trong khi họ không hề biết đến tổng đài này. Sau khi ra cửa hàng kiểm tra mới phát hiện điện thoại đã bị xâm nhập, tự động nhắn tin đến các tổng đài có thu phí.

Núp sẵn bên trong

Theo ghi nhận từ bộ phận kỹ thuật của Trung tâm quản trị và an ninh mạng Athena, các mã lệnh nhắn tin đến tổng đài thu phí thường được cài sẵn từ dây chuyền sản xuất và được nạp vào bộ nhớ ROM (Read Only Memory) trên máy hoặc cài lên firmware (phần mềm quản lý hệ thống). Các mã lệnh này sẽ chạy ngầm nên người tiêu dùng khó phát hiện và có khả năng nhắn tin theo ngày/giờ, số lượng tin nhắn xác định trước.

Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn (nhà phân phối sản phẩm Kaspersky), cho biết thông thường mã độc trên điện thoại sẽ nhắn tin song song với tin nhắn do người dùng gửi đi. Đây là hành vi cài đặt mã độc với chủ đích chiếm đoạt tiền (từ việc nhắn tin đến tổng đài thu phí) chứ không phải cài mã độc để phá hoại như các loại mã độc trước đây.

Hiện tại, trên các mẫu điện thoại giá rẻ thường cài sẵn các mã độc, virus do thám có khả năng đánh cắp dữ liệu, ghi âm lén, định vị điện thoại qua GPS (hệ thống định vị toàn cầu)… Ngoài ra, các mã độc này còn có chủ đích lấy tiền người dùng bằng cách cài đặt thêm các ứng dụng chạy quảng cáo, tự động nhắn tin thu phí.

Theo nhận định từ Công ty An ninh mạng Bkav, các mẫu điện thoại di động không rõ xuất xứ, không có nhãn hiệu hoặc nhái các thương hiệu nổi tiếng như Land Rover, Lamborghini, BMW… có nguy cơ bị cài mã độc sẵn. Nếu mã độc cài đặt trên điện thoại từ khâu sản xuất thì rất khó phát hiện và việc vô hiệu hóa các mã độc này cũng không đơn giản, người dùng bình thường sẽ không thể làm được.

Phải làm sao đây?

Theo Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn, nếu nghi ngờ điện thoại bị nhiễm mã độc, người tiêu dùng cần phải kiểm tra điện thoại bằng phần mềm diệt virus để xem có mã độc/virus do thám bên trong hay không. Nếu thấy có mã độc, nên cài lại hệ điều hành với phiên bản Android gốc của Google cho an toàn. Sau khi cài lại, chạy lại phần mềm anti-virus mà vẫn phát hiện mã độc thì có nghĩa là mã độc được cài đặt vào phần mềm quản lý hệ thống.

Ông Vũ cũng cho biết thêm, có những trường hợp mã độc “núp bóng” dưới danh nghĩa một ứng dụng mặc định (chạy thường trực) của hệ thống nên người dùng không thể xóa ứng dụng này. Còn đối với các loại điện thoại phổ thông (feature phone) muốn kiểm tra mã độc phải có thiết bị chuyên dụng và kiến thức chuyên môn về phần cứng. Người dùng bình thường sẽ khó mà phát hiện mã độc cài đặt trên điện thoại phổ thông (do không thể dùng phần mềm quét virus). Do đó, đối với các loại điện thoại giá rẻ này người tiêu dùng chỉ còn cách mang đi khiếu nại với người bán và trình báo cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng có thể dùng cách thức kiểm tra đơn giản. Đó là, mỗi khi nhắn tin xong, người dùng có thể kiểm tra lại tài khoản để phát hiện hành vi nhắn tin đến tổng đài thu phí để chiếm đoạt tiền. Hoặc thử xài hết tiền trong tài khoản hoặc chỉ để lại vài ngàn đồng. Nếu mã độc gửi tin nhắn đến tổng đài thu phí mà không rút tiền được sẽ gửi tin nhắn phản hồi cho người dùng.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm quản trị và an ninh mạng Athena, cho biết người tiêu dùng rất khó phát hiện, đến khi nghi ngờ điện thoại có mã độc hoặc chứa các mã lệnh gây nguy hại thì chỉ còn cách đổi máy mới. Sẽ khó tìm biện pháp khắc phục bởi giá các loại điện thoại này quá rẻ, nên chẳng ai nhận cài đặt lại. Hơn nữa, các mã lệnh này được cài sẵn vào trong ROM hoặc phần mềm quản lý điện thoại nên chỉ có nhà sản xuất mới có thể hỗ trợ cài đặt lại.

Theo lời khuyên từ các chuyên gia bảo mật, dù biết điện thoại trôi nỗi, không rõ xuất xứ có giá bán quá rẻ nhưng người tiêu dùng phải tỉnh táo kẻo “lợi đơn – thiệt kép”. Mua một chiếc điện thoại chỉ có 200.000 đồng nhưng bị mã độc gửi chừng 20 tin nhắn thì cũng vượt quá số tiền mua điện thoại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thị trường smartphone Đông Nam Á bùng nổ đầu năm 2024

0
(SGTT) - Năm thị trường điện thoại thông minh (smartphone) hàng đầu Đông Nam Á chứng kiến doanh số smartphone tăng ấn tượng trong tháng...

Thế giới riêng: Nhiều kết nối, nhiều ảo tưởng

0
(SGTT) - Ngày nay, khung cảnh sum vầy của bữa ăn gia đình Việt Nam đã bị công nghệ tước đi một cách dễ...

Người Việt chi gần 290 tỉ đồng mua sắm iPhone và...

0
Chỉ trong tháng 5-2023, người tiêu dùng Việt đã chi gần 290 tỉ đồng để mua sắm điện thoại iPhone và Samsung trên các...

Hơn 115.000 sim được mở khóa liên lạc sau 2 ngày...

0
Theo Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đến ngày 2-4 vừa rồi, hơn 115.000 thuê bao đang bị khóa một...

Cảnh báo thủ đoạn “cướp SIM, đoạt tiền”

1
Nhiều tổ chức cảnh báo kẻ lừa đảo sử dụng thủ đoạn chiếm quyền kiểm soát SIM điện thoại, từ đó chiếm đoạt tiền...

Ra mắt Poco X4 Pro 5G & Poco M4 Pro

0
(SGTT) - Poco X4 Pro 5G có màn hình Amoed 120Hz, camera 108MP và sạc nhanh 67W. Trong khi đó Poco M4 Pro là...

Kết nối