Chủ Nhật, Tháng Mười 6, 2024

‘Hồi sinh’ du lịch, câu chuyện từ Malaysia

Hai tháng sau khi Malaysia chính thức dỡ bỏ quy định xét nghiệm Covid-19, thủ đô Kuala Lumpur dần sôi động trở lại nhờ nhu cầu du lịch nội địa tăng vọt và hàng triệu lượt du khách quốc tế đổ đến do điều kiện đi lại dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, cũng như nhiều điểm đến khác, du lịch Malaysia hiện vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn. Vì thế, Chính phủ nước này đang thực hiện nhiều hoạt động để hồi phục du lịch, trong đó có kích cầu du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Trong suốt hành trình đưa khách từ điểm nhà ga trung tâm KL Sentral về khu trung tâm Bukit Bintang, tài xế Grab 29 tuổi Chin Teck Ken, hào hứng chia sẻ câu chuyện thu nhập anh tăng nhanh trong thời gian vừa qua nhờ lượng khách quốc tế bắt đầu trở lại quốc gia hồi giáo này sau khi tái mở cửa. “Không mở cửa, không có tiền”, Chin nói.

Thành phố Kuala Lumpur như “hồi sinh” vào cuối tuần với lượng khách đông đảo. “Sức mua trong nước rất mạnh, các trung tâm thương mại và đại siêu thị chật kín người, đặc biệt là từ thứ 6 đến chủ nhật”, Andrew Chong, một nhà kinh doanh nội địa nói.

Trong mùa cao điểm du lịch, sẽ rất khó kiếm phòng ở những điểm du lịch phổ biến. Người dân đi du lịch nội địa nhiều hơn, có thể là để “giải phóng tâm lý” sau khoảng thời gian dài phải giãn cách xã hội, Andrew lý giải thêm.

Những gì mà chúng tôi thấy trong mấy ngày lưu lại Kuala Lumpur đúng như hai nhân vật trên mô tả. Thành phố này thực sự đông đúc, nhiều điểm vui chơi giải trí thậm chí quá tải vào cuối tuần.

Tại trung tâm thương mại Suria KLCC nằm dưới chân tòa tháp đôi Petronas, chỉ chừng 10 phút đã có đến hơn 10 gia đình đến và thất vọng khi Petrosains thông báo đã bán hết vé trong ngày. Petrosains là Trung tâm khám phá khoa học và công nghệ cho trẻ em có tiếng. Trên một nền tảng bán vé cho các khu du lịch Đông Nam Á, vé vào đây chỉ có thể mua trước hơn một tuần.

Tại các tuyến phố mua sắm như Pavilion hay Lot10 hay phố ẩm thực đêm được nhiều người Việt Nam biết đến như phố Jalan Alor hay khu China Town, lượng khách cũng rất đông, việc mua bán khá sôi động.

“Du lịch nội địa hiện đang ở thời kỳ đỉnh cao và tiếp tục là trụ cột trong việc thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch Malaysia. Chúng tôi đã chứng kiến khách du lịch háo hức đi du lịch trong nước khi hạn chế đi lại giữa các tiểu bang được dỡ bỏ”, ông Norisyam Odzali, Phó giám đốc Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia tại Việt Nam cho biết.

Cùng với sự phát triển của thị trường nội địa, chính sách tập trung mở cửa biên giới sớm đã giúp Malaysia nhanh chóng đón thêm nhiều du khách quốc tế. Nếu như trong quí đầu năm 2022, tổng số người nước ngoài nhập cảnh vào Malaysia chỉ là 98.053 người thì từ đầu tháng 4 (thời điểm mở cửa biên giới) đến nay, nước này đã đón hơn 2,38 triệu lượt khách du lịch, chủ yếu từ Ấn Độ, Philippines, Singapore, Thái Lan và Ả Rập Xê Út.

Con số này đã vượt mục tiêu mà ngành du lịch Malaysia đặt ra trước đó là đón khoảng 2 triệu lượt du khách với doanh thu 8,6 tỉ ringgit. “Mục tiêu tiếp theo là 4,5 triệu lượt với doanh thu 11,1 tỉ ringgit và sẽ được xem xét lại vào tháng 9. Chúng tôi lạc quan sẽ đạt được con số cao hơn”, ông Norisyam Odzali nói.

Từ đầu tháng 5 vừa qua, Malaysia đã miễn kiểm dịch để chào đón những du khách quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ, gồm cả trẻ em từ 17 tuổi trở xuống. Bảo hiểm du lịch cũng không phải là điều kiện tiên quyết đối với người nước ngoài nhập cảnh.

Ông Suhaimi Ilias, Kinh tế trưởng của Maybank Investment Banking Group (Malaysia), nhận định trong thời gian qua, chính phủ đã thực thi nhiều chính sách hỗ trợ ngành du lịch nhưng việc mở cửa nền kinh tế, biên giới và xóa bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại cả ở nội địa và quốc tế mới là biện pháp quan trọng cuối cùng và được chờ đợi từ lâu.

“Ngay sau khi mở cửa biên giới, số lượng chuyến bay cùng lưu lượng hành khách quốc tế và đội địa đều phục hồi mạnh mẽ”, ông Suhaimi Ilias nói.

Hiện tại, việc nhập cảnh vào Malaysia đã dễ dàng hơn rất nhiều. Hành khách chỉ cần sử dụng ứng dụng MySejahtera của Chính phủ Malaysia để điền thông tin trước khi lên máy bay. Việc này không mất quá nhiều thời gian, thông tin cần thiết chủ yếu là chứng nhận tiêm vắc-xin và có thể khai hộ cho người đi kèm như trẻ em hay người lớn tuổi.

Thực tế trải nghiệm tại Kuala Lumpur cho thấy, ứng dụng này chỉ được sử dụng như là “giấy thông hành” để vào các trung tâm thương mại lớn còn ở các địa điểm du lịch khác thì lại không cần. Tuy nhiên, việc mang khẩu trang tại nơi công cộng vẫn là yêu cầu bắt buộc và được thực hiện khá nghiêm túc.

Sự tăng trưởng, gồm mảng du lịch nội địa và quốc tế là có thể thấy rõ ràng nhưng cũng như nhiều điểm đến khác, ngành du lịch Malaysia đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, có khó khăn về nguồn nhân lực. Vì vậy, điểm đến này cần thêm thời gian để hồi phục hoàn toàn sau đại dịch.

Đi du lịch ở Malaysia vào thời điểm này, có lẽ du khách cần thêm chút kiên nhẫn Tại phố ẩm thực đêm Jalan Aalor, chúng tôi đã phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ để được phục vụ món ăn đầu tiên. “Hãy nhìn vào số lượng bàn đi”, người phục vụ nói khi chúng tôi hỏi.

Quán ăn Thái Lan này kéo dài ba nhà liền kề nhau, với số lượng bàn ước chừng trên 30 nhưng chỉ có ba nhân viên phục vụ.Cũng như quán này này, tình trạng không đủ nhân viên làm việc là điều mà ngành du lịch Malaysia đang phải đối mặt sau hai năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 “Thiếu hụt lao động là đặc biệt đáng lo ngại vì ảnh hưởng đến năng lực của các khách sạn, nhà hàng”, ông Norisyam Odzali nói.

Trên những con phố, trái ngược với những hoạt động tất bật của Grab, hàng dài taxi truyền thống màu đỏ (taxi giá rẻ) vẫn nằm yên chờ khách. Du khách đã đến nhiều hơn nhưng sân bay quốc tế KLIA vẫn vắng vẻ. Nhiều cửa hàng trên các tuyến phố chưa thể mở trở lại.

Các khách sạn cũng ở trong tình trạng tương tự, như lời kể của người dân địa phương, không phải nơi nào cũng có thể mở cửa, đã có không ít khách sạn đã phá sản vì đại dịch.

Điều này cũng dễ hiểu bởi con số hơn 2 triệu lượt du khách quốc tế đến trong thời gian qua chỉ bằng chưa đến 10% lượng khách mà nước này đón vào năm 2019. Lượng khách quốc tế còn ít đồng nghĩa với việc các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch tiếp tục phải “gồng mình” để hồi phục.

Bàn về hồi phục du lịch, có lẽ chính sách hỗ trợ của nước này là một kinh nghiệm cần được nhắc đến. Nhìn chung, chính sách phục hồi mà Malaysia đưa ra là gói hỗ trợ tổng thể, gồm trợ cấp để kích cầu du lịch, hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp, tăng cường truyền thông và tiếp cận các thị trường tiềm năng.

Trong đó, Malaysia tập trung vào việc trợ giá. Trong đại dịch, chính phủ hỗ trợ thu nhập trực tiếp cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Ở lĩnh vực du lịch, các khoản hỗ trợ tài chính được triển khai đến doanh nghiệp lẫn người dân.

Chẳng hạn, chính phủ nước này đã trợ cấp một phần giá phòng khách sạn để khuyến khích người Malaysia đi du lịch trong nước và mới đây là miễn phí dịch vụ vận tải công cộng (với dịch vụ được quản lý bởi Rapid KL) trong vòng một tháng (từ 16-6), cho khách trong nước và quốc tế. Du khách chỉ cần nói điểm đến là nhân viên sẽ chở đến nơi, miễn phí hoàn toàn.

Với doanh nghiệp, theo ông Suhaimi Ilias của tập đoàn Maybank, trọng tâm của gói hỗ trợ về tài chính là hoãn trả nợ, gia hạn tái cơ cấu khoản vay. Chính phủ có các quỹ cho vay và tài trợ cho ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Thêm vào đó là các chương trình trợ cấp tiền lương, hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, miễn thuế dịch vụ và du lịch, tặng phiếu giảm giá và giảm thuế thu nhập cá nhân cho du lịch trong nước.

Có thể nói, du lịch Kuala Lumpur nói riêng và Malaysia đang phục hồi khá nhanh nhưng vẫn cần thêm thời gian để có thể trở lại như trước dịch. Như với Andrew, nhân vật ở đầu bài, lượng khách đông đúc hơn trong hai tháng qua chưa đủ để anh hoàn toàn lạc quan.

“Khách đông hơn có thể cũng là do đang trong mùa du lịch Ramadan” Andrew nói và cho rằng, tương lai sắp tới là khó đoán trước vì có nhiều vấn đề phải đối mặt, trong đó có tình trạng giá cả tăng cao. “Với mức tăng giá như hiện nay thì chúng tôi chưa biết tương lai sẽ ra sao”, Andrew nói.

Dũng Nguyễn
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Liên ngành hàng không – du lịch cần ‘phối hợp ăn...

0
(SGTT) - Hai ngành du lịch, hàng không vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng muốn phát triển hiệu quả thì...

Ngắm hàng cây saman bạc tỉ trên đường phố ở Temerloh,...

0
(SGTT) - Temerloh, đô thị lớn thứ hai của tiểu bang Pahang, Malaysia. Nơi đây cách Kualar Lumpur khoảng 130km, là vùng đất mới...

Du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào...

0
Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch toàn cầu có thể sẽ phục hồi hoàn toàn...

Ngành du lịch thủ đô thu về 69.300 tỉ đồng trong...

0
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 9 tháng của năm 2023, tổng khách du lịch đến thành phố ước đạt 18,9 triệu lượt...

Việt Nam đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế trong 9...

0
Tính chung 9 tháng của năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ...

Myanmar sẽ cấp thị thực khi đến cho du khách Trung...

0
Myanmar sẽ cấp thị thực khi đến cho khách du lịch Trung Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh chính quyền đang tìm cách...

Kết nối