(SGTT) - Xưa kia hồ Duồng Cốc, Thanh Hóa vốn là cánh đồng dưới thung lũng, được xây dựng thành hồ thủy lợi để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho các vùng lân cận. Giờ đây, nó còn là địa điểm thích hợp cho những ai yêu du lịch, thích hòa mình với thiên nhiên.
- Lên núi Dinh cắm trại để hòa mình với thiên nhiên
- Đến hải đăng cổ Tiên Sa để hòa mình vào thiên nhiên
- Chiều buông bên tháp Nhạn xứ hoa vàng cỏ xanh
Hồ nhân tạo trên núi
Hồ Duồng Cốc cách thành phố Thanh Hóa khoảng 100km, thuộc xã Điền Hạ, huyện Bá Thước. Chúng tôi xuất phát lúc gần trưa, theo tuyến quốc lộ 47 – đường Hồ Chí Minh – quốc lộ 15A để đến hồ. Mấy tiếng đồng hồ đi đường khiến ai nấy khá mệt mỏi, nhưng tất cả đều như tan biến khi đứng trước mặt hồ xanh ngắt mênh mông giữa chập trùng núi non xanh biếc xung quanh.
Được hình thành từ cánh đồng trong một thung lũng của làng Đèn và làng Né, nhận nước từ suối núi Đèn và nguồn nước ngầm dưới lòng hồ, hồ Duồng Cốc chỗ sâu nhất tới hơn 40m nước. Mặt hồ phẳng lặng mênh mông một màu xanh lục giữa bốn bề chập trùng núi biếc, giữa hồ nổi lên vài gò đảo nhỏ cũng xanh biếc một màu xanh của cây cối, thật là mát mắt.
Đường xa nóng nực, chúng tôi nghỉ ngơi chốc lát rồi khoác áo phao xuống thuyền dạo hồ. Mặt hồ miên man gió, sóng lăn tăn vỗ nhẹ mạn thuyền, thấp thoáng xa xa những mái ngói đỏ của một chòm dân cư dưới chân núi.
Con thuyền máy thong thả đưa chúng tôi dạo quanh hồ Duồng Cốc. Mặt hồ rộng lớn với diện tích mặt nước hơn 50ha, lòng hồ có vài gò đảo cũng xanh rì một màu cây cỏ như những sườn núi bao quanh hồ. Nắng cuối chiều rọi qua những vầng mây dày trên đỉnh núi, quét xuống những luồng ánh sáng huyền ảo trên những tán cây rừng và mặt hồ.
Chiều dần buông, chúng tôi trở lên bờ lo dựng lều nghỉ đêm trên bờ hồ. Vào mùa nước cạn, ở một góc hồ có một bãi cỏ phù hợp để cắm trại, những thời gian nước lớn ngập bãi, một cái cây giữa bãi cỏ ấy lại chơi vơi nổi lên giữa một góc hồ nước mênh mông.
Bữa ăn dân dã bên bờ hồ
Tại một ngọn đồi thấp nhô hẳn ra phía lòng hồ, cạnh ngọn cây cô đơn nhô lên giữa mặt nước, là nơi gia đình ông Điện, người Mường sinh sống lâu nay. Chúng tôi đặt một mâm cơm của người Mường cho buổi tối bên hồ.
Ngoài chúng tôi từ xa đến, có khá nhiều những nhóm nhỏ người dân địa phương lân cận đến chơi hồ. Có nhóm thuê thuyền dạo chơi trên mặt hồ rồi về, cũng có những nhóm nhỏ đặt đồ ăn tại gia đình ông Điện và ngồi thưởng thức trong các căn chòi lộng gió được dựng trên mặt nước sát bờ hồ.
Bóng tối dần buông xuống, mùi gà nướng, cá nướng thơm lừng bốc lên từ lò than trong gian bếp đơn sơ ven hồ làm chúng tôi "ứa nước miếng" và cồn cào trong bụng. Cô con gái ông Điện vừa đảo gà trên than, vừa thoăn thoắt xếp những con cá rô phi, cá trắm đang quẫy đành đạch vào các vỉ nướng, vừa vui vẻ chuyện trò với chúng tôi. Nếu cô không nhận mình là người Mường, chắc chúng tôi cũng không biết điều đó.
Đồ ăn được bày trên một chiếc bàn dài và thấp trải tàu lá chuối lớn, đúng kiểu của người Mường ở đây – như lời cô gái Mường chia sẻ.
Trong căn lán lộng gió bên bờ hồ dưới tiết trời se lạnh của buổi tối vùng núi, chúng tôi nâng chén rượu, thưởng thức các sản vật hồ Duồng Cốc, nghe tiếng gió vi vút trên mặt hồ. Cứ thế, những câu chuyện vui vẻ như không muốn dứt.
Hôm sau, chúng tôi dậy sớm, ngồi trong căn chòi nhỏ ven hồ ủ tách cà phê nóng trong tay, ngắm mặt hồ bảng lảng sương, nghe tiếng lao xao nói chuyện của những người dân địa phương đi thu lưới thả đêm qua trên mặt hồ.
Một dịp cuối tuần dã ngoại ngắn ngủi ở hồ Duồng Cốc, sự bình yên và trong lành của thiên nhiên nơi đây đã giúp chúng tôi nạp lại năng lượng cho những ngày làm việc sắp tới.
Ngô Hòa Nam