Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Hết hợp đồng, giá gạo rớt

Giá gạo nguyên liệu tại ĐBSCL liên tục sụt giảm, rớt ít nhất 1.000 đồng/kg chỉ trong vòng một tháng trở lại đây. Vì sao gạo lại có đợt giảm giá nhanh như vậy?

Lên nhanh, xuống lẹ

Sau khi vượt lên mức khá cao, khoảng 7.600-7.800 đồng/kg vào giữa tháng 10 vừa qua, giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 tại ĐBSCL đã quay đầu đi xuống, mất khoảng 1.000 đồng/kg trong vòng hơn một tháng. Cụ thể, theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, gạo nguyên liệu giống IR 50404 tại khu vực chuyên kinh doanh lúa gạo của thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) đang được giao dịch với giá khoảng 6.500-6.600 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với mức giá hồi giữa tháng 10-2014.

Còn tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, do vẫn có nhu cầu giao dịch nội địa (dù không sôi động) nên giá gạo nguyên liệu được duy trì ở mức 6.700-6.800 đồng/kg, cao hơn so với nhiều địa phương khác nhưng cũng đã giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với mức hồi giữa tháng 10.

Giá gạo giảm kéo theo giá lúa tại ĐBSCL cũng giảm theo. Hiện thương lái mua lúa trực tiếp tại ruộng với giá quanh mức 4.300-4.500 đồng/kg đối với giống IR 50404 và 5.100-5.200 đồng/kg đối với các giống hạt dài OM 4218, OM 5451 và OM 6976.

Gạo giảm giá mạnh lần này diễn ra đúng như dự báo của ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích của ngành lúa gạo, đưa ra hồi đầu tháng 10 vừa qua. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị lúc bấy giờ, ông Bích cho rằng xu hướng giá gạo thị trường thế giới và trong nước giảm sẽ được thể hiện rõ nét hơn trong thời gian tới.

Thông tin từ chuyên trang nghiên cứu, phân tích thị trường lúa gạo thế giới (oryza.com) cho thấy, nếu như vào giữa tháng 10 vừa qua gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan và gạo 100% B của Thái Lan (tương đương gạo 5% tấm – PV) lần lượt được chào bán với giá 415-425 đô la, 400-410 đô la và 430-440 đô la Mỹ/tấn, thì hiện nay đã lần lượt giảm xuống mức 410-420 đô la, 390-400 đô la và 420-430 đô la Mỹ/tấn.

Riêng đối với Việt Nam, gạo 5% tấm có mức giá chào bán giảm mạnh nhất, 430-440 đô la Mỹ/tấn hồi giữa tháng 10-2014 đã giảm xuống chỉ còn 405-415 đô la Mỹ/tấn như hiện nay.

[box type=”bio”] Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của doanh nghiệp hội viên từ ngày 1 đến 13-11 đạt khoảng 131.000 tấn, với trị giá FOB trên 58 triệu đô la Mỹ. Lũy kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 13-11 đạt gần 5,5 triệu tấn, trị giá gần 2,4 tỉ đô la Mỹ.[/box]

Vì sao lao dốc?

Lý giải nguyên nhân khiến giá gạo sụt giảm mạnh, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát, cho rằng do hiện tại không còn hợp đồng bán gạo mới, sau khi các hợp đồng đã ký trước đó với Philippines, Indonesia… cơ bản đã thực hiện xong. Trong khi đó, gạo tiểu ngạch đi Trung Quốc hiện cũng đã bị đình trệ do quốc gia này tăng cường kiểm soát biên giới. “Vì không có đầu ra nên doanh nghiệp không dám mua vào nữa, kéo giá gạo rớt trở lại”, ông nhận định.

Nói về việc hết hợp đồng bán gạo mới, theo ông Tuấn, lý do là trước đó doanh nghiệp chào bán với giá cao nên các nước nhập khẩu quay sang mua gạo của Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan với giá thấp hơn. “Điển hình nhất là vụ bán cho Philippines 200.000 tấn gạo, chúng ta có được là vì mình chấp nhận giảm giá bán xuống (giảm 4 đô la Mỹ/tấn so với mức giá chào bán được doanh nghiệp đưa ra để dự thầu – PV) và do Thái Lan chỉ dự thầu cung cấp 300.000 tấn, nếu họ cung cấp hết 500.000 tấn thì coi như chúng ta trắng tay”, ông nói.

Theo ông Tuấn, có thể nông dân thu hoạch lúa đúng vào thời điểm trúng thầu vài hợp đồng với giá cao sẽ được lợi. Thế nhưng, ngoài những hợp đồng đã ký được, doanh nghiệp cũng sẽ mất không ít hợp đồng khác vì đối tác nhập khẩu có sự so sánh và chọn mua của những nước có giá bán thấp hơn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Công Khanh, thương lái tại Hải Phòng chuyên kinh doanh gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc, lượng gạo bán sang nước này đang giảm mạnh do họ tăng cường kiểm soát biên giới, khiến việc đưa gạo sang đó gặp khó, kéo theo việc đưa gạo từ ĐBSCL ra phía Bắc bị ảnh hưởng, làm giá giảm trở lại.

Ông Tuấn của Thịnh Phát dự báo, từ nay đến cuối năm, thậm chí sang năm 2015, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khó khăn hơn, đặc biệt khi có thông tin Thái Lan thực hiện chính sách trợ giá cho thương nhân xuất khẩu gạo của nước này nhằm giải phóng hàng tồn kho (khoảng 17-18 triệu tấn), bằng cách tặng một lượng gạo cũ (gạo kém chất lượng chỉ có thể dùng làm thức ăn cho gia súc – PV) cho thương nhân khi họ bán được một lượng gạo ăn nhất định nào đó.

Với chính sách này, doanh nghiệp Thái Lan được trợ cấp 10-20% gạo cũ/tổng lượng gạo bán ra, như một cách trợ giá. Vì chỉ cần họ đem 10-20% gạo cũ đó, dù không bán được ngang với giá gạo mới, mà bán ra ngang bằng giá thức ăn gia súc, họ đã được trợ cấp một khoản tiền nhất định. “Như vậy, các doanh nghiệp chúng ta sẽ không cạnh tranh lại”, ông Tuấn lo ngại.

Trung Chánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đi tìm thương hiệu gạo của Việt Nam

0
Bước ra chợ, người tiêu dùng có thể thấy vài chục loại gạo đổ trong thau, thúng cắm những bảng tên quen thuộc bao...

Nông dân lại chịu thiệt!

0
Trung Chánh Nông dân sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện đang tiếc đứt ruột vì không được hưởng gì khi giá lúa tăng, còn thương...

Giá lúa gạo lao dốc ngay đầu vụ

0
Trung Chánh Vụ lúa đông xuân 2014-2015 tại ĐBSCL dù mới bắt đầu thu hoạch nhưng giá đã liên tục lao dốc. Theo một số...

Doanh nghiệp gạo lo mất thị trường Trung Quốc

0
Trung Chánh Thông tin Thái Lan đã ký kết Bản ghi nhớ với Trung Quốc để xuất khẩu hai triệu tấn gạo sang quốc gia...

Gạo nhà không thiêng

0
Gạo Việt Nam xuất khẩu giá không cao dù Việt Nam là một trong những cường quốc về gạo. Trong khi đó, Campuchia có...

Sức ép giảm giá lúa gạo

0
Mặc dù trong quí 3-2014 việc tiêu thụ lúa gạo khả quan cũng như giá cả duy trì ở mức cao nhưng theo các...

Kết nối