(SGTT) – Khỏe đẹp, giảm cân, hay tăng cơ… là những lợi ích mà các cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục, thể thao đưa ra để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bên cạnh những từ khóa trên, người tiêu dùng còn có thể tìm cho mình những phòng tập ưng ý bằng cụm từ hỗ trợ F0 phục hồi, hay tập luyện hậu Covid…
- Giữa ma trận thuốc trị hậu Covid-19, người dân cẩn trọng kẻo ‘tiền mất, tật mang’
- Bán tràn lan trên mạng, thuốc điều trị Covid-19 “xách tay” có hiệu quả như lời đồn?
- Thực hư tác dụng bài thuốc “giảm khó thở hậu Covid-19” từ lá mơ lông
Bắt “trend” Covid-19
Chỉ sau gần 3 năm Covid-19 xâm nhập vào cuộc sống, nhưng đại dịch này lại khiến mọi mặt trong xã hội phải lao đao. Và có hàng “ty tỷ” thông tin liên quan đến Covid-19 được cập nhật mỗi ngày. Chỉ cần thao tác search từ khóa Covid-19 trên thanh tìm kiếm của Google, ngay lập tức chưa tới một giây, người dùng đã có hơn 4 tỷ thông tin liên quan được trả về.
Thật không “ngoa” khi gọi Covid-19 là “hot search”, hay xu hướng tìm kiếm, chỉ cần không phải là thông tin quá đặc thù, những thông tin mới về Covid-19 vẫn luôn nhận được sự quan tâm của người dùng.
Do đó, hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến y tế, sức khỏe lại càng tận dụng lợi thế của mình để “bắt trend”.
Chẳng hạn, khi người dùng muốn tìm Saffron (hay còn gọi là nhụy hoa nghệ tây) trên mạng xã hội, trong những kết quả hàng đầu được trả về, chắc chắn sẽ có bài viết Saffron chữa triệu chứng mất ngủ do Covid-19, hay Saffron cải thiện chức năng phổi… Vân biết, chữa mất ngủ cũng là một trong các công dụng phổ biến của nó, nhưng thay vì chỉ để chữa “chứng mất ngủ” có lẽ không hấp dẫn bằng “chứng mất ngủ vì hậu Covid-19”.
Đó là chưa kể đến có vô số các loại thuốc bổ phổi, trị ho ra đời với lý do “chữa các triệu chứng Covid-19”, hay “thần thánh hóa” một loại thuốc quá đà.
Hậu Covid, nhận gói ưu đãi tập thể dục cũng cần có xác nhận F0 đã khỏi bệnh
Các cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục thể thao cũng đang dần “hồi phục” sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hàng loạt các chương trình được tung ra để thu hút khách hàng như giảm chi phí luyện tập, thậm chí là miễn phí một tháng tập thử, hoặc tung ra các combo mua 1 tháng tặng 1 tháng, mua 12 tháng tặng 3 tháng và mở rộng thời gian tập luyện.
Và các cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục thể thao cũng không đứng ngoài trong cuộc đua “bắt trend Covid-19”. Rất nhiều gói ưu đãi được tung ra đều “gắn mác Covid-19”.
Thậm chí là có những gói chỉ dành riêng cho các F0 đã khỏi bệnh, có chứng nhận của địa phương hoặc trên ứng dụng PC Covid. Tuy thủ tục có “rườm rà” một chút, nhưng việc có xác nhận cũng phần nào củng cố sự tin tưởng của người dùng về một liệu trình chuyên trị cho các triệu chứng hậu Covid, và cũng khá nhiều F0 vừa khỏi bệnh quan tâm nhiều đến ưu đãi này.
Sau khi nhấn vào đăng ký gói, khách hàng sẽ chọn mục đích luyện tập, tuy nhiên, các mục đích trả về lại là giảm cân, tăng cơ, săn chắc… thay vì khó thở, hụt hơi hoặc các triệu chứng của hậu Covid như đa số khách hàng nghĩ.
Khi gọi vào số hotline tư vấn của một cơ sở, nhân viên tư vấn trả lời rằng, đây chỉ là một chương trình ưu đãi dành cho hội viên của trung tâm. Đặc biệt, khi F0 khỏi bệnh tới đây tập, khách hàng chỉ được cân nhắc chế độ và cường độ tập luyện hạn chế hơn so với người bình thường, chứ không có các bài tập chuyên sâu chữa trị hậu Covid.
Có thể nói, việc cần giấy xác nhận F0 đã khỏi bệnh chỉ là để củng cố thêm niềm tin của khách hàng về hiệu quả tập luyện chứ không phải thực sự có những bài tập được thiết kế dành cho các triệu chứng hậu Covid. Như vậy, việc quảng cáo chữa trị hậu Covid-19 chẳng qua cũng chỉ là theo “trend” để thu hút khách hàng.
Phùng My