Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Hành trình chinh phục núi Bà Đội Om ở miền Tây

(SGTTO) - Về miền Tây, chinh phục núi Bà Đội Om vùng Thất Sơn thuộc tỉnh An Giang là chuyến du hành thú vị, cho chúng tôi nhiều ấn tượng khó quên đối với miền đất biên cương phía Tây Nam Tổ quốc. 

Nắng ban mai vùng Thất Sơn, An Giang. Ảnh: Hoàng Thám
Truyền thuyết về người đàn bà chờ chồng

Vùng Thất Sơn có trên 40 núi lớn nhỏ, mỗi ngọn núi đều có những nét riêng biệt và những chuyện kể dân gian ly kỳ. Trong đó, núi Bà Đội Om cao 251m, thuộc huyện Tịnh Biên, An Giang, nằm sát quốc lộ 91 theo hướng Nhà Bàng - Tri Tôn là một trong những điểm hành hương. Núi có vị trí đối diện núi Cấm, tuy nhỏ hơn nhưng có nhiều miếu, am, điện thờ với cảnh quan kỳ vĩ.

Có 2 con đường chính để lên núi. Con đường phía Đông ngắn nhưng dốc cao hiểm trở. Con đường phía Tây dài hơn nhưng dễ đi và cũng ghé được nhiều nơi dọc đường, cảnh quan đa dạng.

Đường lên điện Ngọc Đế thuộc núi Bà Đội Om. Ảnh: Hoàng Thám

Truyền thuyết kể rằng xưa kia dưới chân núi có đôi vợ chồng trẻ người Khmer sống hạnh phúc bên nương rẫy, phum sóc. Ngày kia, quân giặc xâm chiếm, người chồng lên đường trừ giặc. Người vợ chiều chiều đội om - vật hình tròn bằng đất sét nung đựng gạo - bế con lên núi ngóng trông. Thời gian trôi, giặc nước đã dẹp yên nhưng người chồng vẫn không thấy về. Bà Đội Om bồng con đứng đợi mãi trên non rồi hóa thành đá núi…

Buổi sáng, khi sương mù còn lãng đãng trên những đỉnh non ngàn của Thất Sơn, chúng tôi ăn điểm tâm, uống vội ly cà phê nóng dưới chân núi rồi tranh thủ trèo lên đỉnh. Đường lên núi là một lối mòn tương đối thoáng, rộng, cây rừng sum xuê phủ bóng.

Gần tới đỉnh đường rất dốc, nhưng ai đó đã thiết kế một lan can sắt vững chãi và những bậc tam cấp đá giúp cho khách nương theo, do đó việc lên đỉnh Bà Đội Om cũng không quá vất vả. Ảnh: Hoàng Thám

Đường đi ban đầu thoai thoải theo triền núi, rải rác những tảng đá to lớn với hình thù kỳ quái, thấp thoáng vài ngôi nhà đơn sơ nép mình dưới bóng núi. Chúng tôi đi qua những rừng xoài cổ thụ thâm u, những lùm bụi, dây leo chằng chịt…

Hoà vào khung cảnh núi rừng

Sau đó, cả nhóm men theo con đường ngoằn ngoèo lên dốc. Cả nhóm thích thú bắt gặp nhiều loài hoa rừng như mua, trâm ổi, bằng lăng, duối dại và đôi khi có cả những đóa lan trắng trong mộc mạc. Tiếng chim vang lên gợi cho ta cảm giác về sự vắng lặng, bí ẩn của rừng…

Khu vực này mát mẻ, thỉnh thoảng có mây, sương vùn vụt bay qua. Ở nơi này, ta có thể nhìn rõ khối núi Cấm Sơn và nhà cửa, những công trình lô nhô dưới chân núi. Ảnh: Hoàng Thám

Đi ngược dốc chừng 50m, chúng tôi gặp miếu Bà Đội nằm phía bên trái, lên thêm chừng hơn trăm bậc tam cấp phía bên phải là điện Vạn Bang Ngũ Thần đông khách hành hương.

Sân Tiên trên đường về. Ảnh: Hoàng Thám

Lên cao hơn là điện Thần Kim Quy có dáng hình giống rùa khổng lồ bằng đá. Tiếp tục qua những lối mòn khá hiểm trở, ta lần lượt thấy điện Chư Vị Bồ Tát, điện Cửu Nương Nương. Qua một đoạn đường trên hai trăm bậc đá, leo lên thang sắt cheo leo sẽ đến điện Ngọc Đế trên một khối đá chơ vơ giữa mây ngàn gió núi.

Ông Tám Bòn, chủ quán nước nhỏ cạnh điện Cửu Huyền, kể với chúng tôi: "Các hang động trên núi Bà Đội xưa kia là nơi trú ngụ của loài cọp. Khoảng năm 1960 trở về trước, nơi đây chẳng ai dám bén mảng tới. Về sau, bởi bom đạn chiến tranh, các loài thú dữ cũng dần bỏ đi. Đến sau năm 1975 thì hầu như ít thấy".

Điểm cuối cùng mà ai cũng muốn chinh phục là đỉnh Bà Đội Om cao 251m hiện ra uy nghiêm giữa rừng cây sương mù mờ ảo. Chúng tôi theo một lối mòn quanh co, chen lách qua những khối đá khổng lồ để đến nơi.

Trên đỉnh núi có một sân nhỏ, có bàn thờ Mẹ Quan Âm sát vách khối đá sừng sững, nhìn xa như người đàn bà đội om. Lúc quay về, chúng tôi ghé Sân Tiên. Nơi đây có những tảng đá to liền kề nhau rộng cỡ một cái sân phơi lúa. Ở Sân Tiên có một cái giếng nước nhỏ hơn miệng thùng phuy một chút, nước trong vắt, mát lạnh và không bao giờ cạn nên được gọi là Giếng Tiên.

Hoàng Thám

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối