Khi giá xăng tăng mạnh, các hãng xe công nghệ và dịch vụ giao nhận hàng hóa đối mặt với việc điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, ghi nhận của KTSG Online cho thấy, có hãng tăng giá ngay lập tức nhưng cũng có hãng quyết định giữ nguyên mức giá, thậm chí tung ra chương trình giảm giá.
- Lượng người dùng tăng, TPHCM sẽ mở rộng dịch vụ xe đạp công cộng sau 1 năm thí điểm
- Doanh nghiệp kinh doanh xe khách ‘khóc ròng’ với bão giá nhiên liệu
Grab và Gojek tăng cước, Be giữ nguyên
Mới đây, ứng dụng gọi xe Be Group, cho biết đơn vị này sẽ không tăng giá đối với tất cả các sản phẩm, dịch vụ gồm xe 2 bánh, gọi xe 4 bánh, giao hàng, đi chợ hộ… và dịch vụ giao thức ăn nhanh để góp phần bình ổn giá và hỗ trợ người dùng.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 17-3, Be Group cũng quyết định hỗ trợ giảm chiết khấu 10% cho các tài xế beCar tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và bổ sung nâng mức các chương trình hỗ trợ thu nhập cho các tài xế.
Bà Vũ Hoàng Yến, Tổng Giám đốc Be Group, cho biết công ty luôn cân nhắc kĩ các chính sách có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong nước cũng như đối tác tài xế tại các tỉnh thành.
Hiện nay, với dịch vụ beBike tại TPHCM, giá cước là 11.000 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.000 đồng mỗi km tiếp theo. Với dịch vụ beCar 4 chỗ giá cước cho 2 km đầu tiên là 27.000 đồng, 1km tiếp theo là 11.000 đồng; với dịch vụ beCar 7 chỗ là 33.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.500 đồng cho 1 km tiếp theo.
Ngược lại với Be Group, từ 10-3, Grab áp dụng tăng giá cước sau khi xăng tăng giá ở tất cả dịch vụ gồm gọi xe máy, ô tô, giao thức ăn, giao hàng…
Cụ thể, đơn vị này này sẽ tăng giá 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TPHCM lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Cả hai mức này tăng 2.000 đồng so với trước đó. Grab cũng tăng giá mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này lên 10.000 đồng, tăng 500 đồng. Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000-2.500 đồng cho 2 km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.
Bên cạnh đó, với dịch vụ GrabBike tại TPHCM cũng tăng lên 12.500 cho 2km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi km tiếp theo. Grab cũng đồng loạt áp dụng giá mới cho các dịch vụ khác như GrabExpress, GrabMart và GrabFood.
Về phía Gojek, hãng này đã tăng giá dịch vụ GoRide (gọi xe 2 bánh), GoFood (giao thức ăn) trong khi giữ nguyên giá dịch vụ GoCar và GoSend (giao hàng). Theo đó, cước phí tối thiểu cho 2 km đầu tiên của dịch vụ xe ôm công nghệ GoRide tại TPHCM điều chỉnh lên 11.000 – 13.000 đồng và tăng từ 500 – 900 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá tối thiểu của dịch vụ GoFood tăng thêm 1.000 đồng so với trước.
Sàn thương mại điện tử giảm phí vận chuyển
Tương tự, sàn thương mại điện tử Tiki vừa thông báo biểu giá vận chuyển mới, chính thức áp dụng từ ngày 8-3. Theo đó, biểu phí mới đối với tất cả hạng mục của sàn được điều chỉnh thấp hơn khoảng 40% so với biểu phí cũ.
Cụ thể, kiện hàng dưới 3kg được giảm từ 14.000 đồng xuống còn 10.000 đồng nếu giao nội thành, TikiNOW siêu tốc 2 giờ giảm từ 29.000 đồng còn 19.000, TikiNOW giao trong ngày giảm từ 25.000 đồng xuống 14.000 đồng.
Giao nội vùng giảm từ 22.000 xuống còn 17.000, giao liên vùng (Hà Nội – TPHCM) chỉ còn 18.000 đồng, giảm 7.000 so với mức phí cũ…
Sàn thương mại điện tử Lazada cũng bắt đầu biểu phí vận chuyển được áp dụng từ 15-3. Cụ thể, tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, phí vận chuyển nội thành phố cho đơn hàng có khối lượng từ 0-2kg là từ 12.800 – 19.200 đồng và liên thành phố là từ 19.500 – 36.900 đồng. Với khu vực Nam Bộ, khu vực Bắc và Trung bộ cũng được Lazada cập nhật biểu phí mới từ 15-3.
Theo ghi nhận, các sàn thương mại điển tử khác như Sendo, Shopee vẫn đang giữ mức giá vận chuyển cũ và chưa có thông tin mới về việc tăng hoặc giảm giá cước dịch vụ.
Minh Hoàng
Theo Kinh tế Sài Gòn Online