Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Hàng Việt, mưa dầm thấm sâu

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng về nông thôn thông qua các hội chợ để tìm thêm khách hàng, mở rộng mạng lưới phân phối. Các doanh nghiệp nhận định rằng nông thôn vẫn là thị trường còn nhiều tiềm năng và doanh nghiệp còn chưa khai phá hết.

Tạo niềm tin với người tiêu dùng

Từ ngày 10 đến ngày 12-10 vừa qua, phiên chợ hàng Việt về nông thôn đã được Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Trong những ngày diễn ra hội chợ, đa số các doanh nghiệp đều đánh giá cao về sức mua của người tiêu dùng ở nông thôn. Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, bà Ngọc Hà, đại diện Công ty Nhôm-Inox Kim Hằng, cho biết công ty bà đến nay đã tham gia khá nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. “Tại đây, giá sản phẩm đồ dùng nhà bếp của chúng tôi thường cao hơn giá thị trường 1,5-2 lần trong khi chất lượng thì phải dùng mới biết. Vì vậy nên ban đầu sản phẩm của Kim Hằng rất khó bán tại các tỉnh, nhưng khi người tiêu dùng quen thì họ đã mua nhiều hơn”, bà Ngọc Hà nói.

Nông thôn vẫn đang là thị trường còn khá nhiều tiềm năng đối với các sản phẩm tiêu dùng. Ảnh: CTV
Nông thôn vẫn đang là thị trường còn khá nhiều tiềm năng đối với các sản phẩm tiêu dùng. Ảnh: CTV

Bà Ngọc Hà liệt kê ra những phiên chợ mà Kim Hằng tham gia và sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận. Ví dụ tại phiên chợ ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) vào tháng 7-2014, doanh thu của Kim Hằng đạt hơn 60 triệu đồng chỉ chưa đến hai ngày trong khi trước đây con số đó chừng 30 triệu đồng. Sở dĩ bán được nhiều như vậy là vì trước đó Kim Hằng đã đến địa phương này, người dân cũng đã quen. “Ngoài Đồng Tháp, chúng tôi cũng bán khá tốt tại Gành Hào, Bạc Liêu. Hy vọng chúng tôi cũng sẽ thành công tại Chợ Gạo – Tiền Giang bởi mới buổi tối đầu tiên mà số lượt khách hàng đến đông như vậy là tín hiệu tốt”, bà Ngọc Hà nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, phụ trách gian hàng tại hội chợ của Công ty cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân, cho biết ông đã đi rất nhiều hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn đến nỗi không nhớ hết được. “Đi để giới thiệu sản phẩm cho người dân là chính chứ không đặt mục tiêu lợi nhuận. Tại các phiên chợ, người dân thấy hàng dùng tốt, biết và yên tâm thì các đại lý phân phối của chúng tôi tại đây sẽ hoạt động tốt hơn”, ông Khánh nói.

Những tín hiệu lạc quan

Tại gian hàng bột giặt Liz, chị Hoàng Kim, một người dân huyện Chợ Gạo, cứ phân vân trước những túi bột giặt. Theo chị, thấy sản phẩm bao bì tốt, giá hợp lý nhưng không biết chất lượng thế nào, trong khi lâu nay chị và gia đình đã quen sử dụng bột giặt của một nhãn hiệu được quảng cáo khá nhiều trên truyền hình. Vậy nhưng sau một hồi đắn đo, cuối cùng chị Kim cũng chọn mua sản phẩm của Liz. “Tôi sẽ dùng thử sản phẩm này, nếu chất lượng tốt, giặt quần áo sạch, thơm và không mục vải, tôi sẽ mua tiếp”, chị Kim nói như vậy với người bán hàng.

Một hình ảnh khác, chị Mai Thảo đến hội chợ cùng cô con gái và khi ra về trên tay xách rất nhiều thau và rổ nhựa của Công ty Duy Tân. Theo chị, lý do chọn sản phẩm này vì rẻ hơn bình thường chút đỉnh. “Trước giờ cũng có nghe nói đến hàng nhựa của Duy Tân. Nếu tốt và bền, tôi sẽ chọn mua tiếp và còn giới thiệu cho người khác”, chị Mai Thảo nói.

Ông Trần Hoàng Tuyên, Phó giám đốc BSA, người có 37 năm gắn bó với nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng tại các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, không dừng ở việc bán hàng và mở rộng thị trường, nếu doanh nghiệp chịu khó quan sát và tìm hiểu, họ có thể có thêm sản phẩm mới để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Theo ông, người nông dân thường có nhu cầu riêng khác với dân thành thị. “Tôi nhớ trước đây, có một công ty sản xuất bóng đèn tham dự hội chợ, lắng nghe ý kiến của người nuôi tôm để cải tiến sản phẩm phù hợp với đặc trưng vùng sông nước, và họ đã thành công khi độc chiếm nguyên một lượng lớn khách nuôi tôm tại các tỉnh miền Tây”, ông Tuyên chia sẻ.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, bà Vũ Kim Anh, đại diện BSA cho biết, đây là phiên chợ thứ 135 trong năm năm qua mà BSA phối hợp với các cơ quan chức năng ở các địa phương tổ chức. Qua đó, giúp người dân có thêm cơ hội tiếp xúc với những sản phẩm Việt Nam đảm bảo chất lượng và uy tín, đồng thời giúp doanh nghiệp hiểu hơn về nhu cầu của người tiêu dùng, đo lường sức mua và mở rộng thị trường.

Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, trong quí 1 năm nay, chợ truyền thống là kênh bán lẻ được người tiêu dùng đến nhiều nhất ở nông thôn khi trung bình một người có 16 lần mua sắm mỗi tháng. Trong khi đối với siêu thị thì con số này chỉ là vài lần trong một tháng. Thêm vào đó, khảo sát cho thấy trung bình hàng tháng một người tiêu dùng chi khoảng 655.200 đồng tại các kênh thương mại truyền thống và chỉ 175.000 đồng cho các cửa hàng thương mại hiện đại. Với những khảo sát và tín hiệu nêu trên, nông thôn vẫn đang là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đức Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mỹ phẩm Việt trên hành trình khai thác tài nguyên bản...

0
Nhìn lại hành trình gầy dựng tên tuổi từ 5-10 năm trước, các doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa Việt Nam tự tin với...

Hàng Việt chiếm ưu thế trong giỏ quà tết 2023

0
(SGTT) - Nhiều doanh nghiệp sản xuất giỏ quà Tết năm nay ưu tiên dùng những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Theo...

Kể về trải nghiệm dùng hàng Việt Nam để giành 20...

1
(SGTT0)- Người tiêu dùng cả nước có thể chia sẻ câu chuyện về tình cảm, kỷ niệm đẹp của bản thân hay gia đình...

Lợi thế đang nghiêng về “đội chủ nhà”

0
Kết quả khảo sát về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa được công bố cho thấy hầu...

Bàn cách đưa hàng Việt vào chợ

0
Đầu những năm 1990, hàng hóa Việt Nam tràn ngập các chợ truyền thống, chợ dân sinh, thậm chí có tiểu thương còn xuất...

Nói suông khó thuyết phục người tiêu dùng

0
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những năm qua đã có sự lan tỏa trong đời sống...

Kết nối