Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Giúp nhau vượt qua đại dịch về tinh thần – bài học từ người Thái

Bài viết dưới đây dựa trên thông tin từ Channel News Asia (CNA) cho thấy đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tâm thần của những người cùng khổ ở nước láng giếng Thái Lan, cũng như các nỗ lực tự thân từ cộng đồng nhằm giúp đỡ nhóm người này.
Một tài xế taxi ngồi buồn bã vì vắng khách ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

Câu chuyện của người Thái cũng có thể làm nhiều người trong số chúng ta tại Việt Nam suy nghĩ về các phương thức tận dụng nguồn lực xã hội cùng hợp lực với Nhà nước giúp giảm nhẹ tác động tiêu cực của đại dịch lên người dân, đặc biệt là những người đang ở trên các tầng nấc thấp nhất của thang thu nhập.

Ngày 2-6, Kinh tế Sài Gòn Online đăng tin tặng phẩm cả bằng hiện vật lẫn hiện kim – gồm hàng ngàn thùng mì gói, nước mắm, nước tương và nhiều nhu yếu phẩm khác – đã được các thành viên của Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp thành phố, Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện TPHCM và Kinh tế Sài Gòn gửi đến người dân gặp khó khăn tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) bị ảnh hưởng bởi yêu cầu phong tỏa, giãn cách chống Covid-19 đang diễn ra.

Nỗ lực giúp đỡ đồng bào trong cơn hoạn nạn này một lần nữa cho thấy mối gắn kết hết sức cần thiết giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng không những trong điều kiện bình thường của thị trường mà còn khi nền kinh tế phải đối đầu với suy giảm, dịch bệnh.

Tương tự, bài học sau đây về các nỗ lực chung giữa Chính phủ Thái Lan và khu vực tư nhân ở quốc gia này cho thấy lợi ích mang lại cho người dân gặp khốn khó về sức khỏe tinh thần. Thiết nghĩ, bài học này cũng có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.

Cứ 10 phút trôi qua, thêm một người Thái tự kết liễu đời mình

Năm qua, đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người Thái bị thất nghiệp. Bà Unayakarn Boopraseert là một người trong số đó. Bà cho biết mình không còn một đồng dính túi cũng như chẳng có người thân nào để nhờ vả.

Người phụ nữ 59 tuổi chia gói mì mình có được thành ba bữa ăn. Trước đó, bà đã cảm thấy tuyệt vọng khi không nằm trong danh sách những người nghèo Thái được hưởng cứu trợ bằng tiền mặt trị giá 15.000 baht (khoảng 11 triệu đồng) theo chương trình kéo dài ba tháng “Không ai bị bỏ lại phía sau” của chính phủ.

Trước đây bà làm công việc quét dọn, nhưng từ khi đại dịch xảy ra trên xứ sở nụ cười, nụ cười của bà cũng tắt luôn vì thất nghiệp. Tháng 4 vừa qua, bà Unayakarn quyết định khiếu nại với chính quyền Thái Lan về tình trạng của mình, nhưng ngay cả chuyện khiếu nại cũng không hề đơn giản. Bà cho biết khi mình đến đến văn phòng khiếu nại, người ta không nghe những gì bà nói.

Thế là bà Unayakarn quyết định tự tử bằng thuốc diệt chuột trước tòa nhà của Bộ Tài chính. Bà nói: “Tôi muốn phản đối. Không phải chỉ mình tôi phải chịu điều này, nhiều người khác cũng vậy”.

Sau ý định tự tử không thành của bà Unayakarn, giới chức Thái đã xem xét lại tình cảnh của người phụ nữ này và cho bà hưởng chính sách trợ cấp nói trên.

Bà Unayakarn không phải là ngoại lệ. Trung bình, theo thống kê, cứ 10 phút trôi qua lại có thêm một người Thái tự tử. Và đã có thêm nhiều người Thái tự kết liễu đời mình trong đại dịch Covid-19. Theo CNA, hơn 2.500 người Thái đã tự tử trong nửa đầu năm 2020, con số cao gấp 22% so với cùng kỳ năm 2019. Các quan chức y tế Thái cho biết tình trạng tự tử có liên quan đến sự căng thẳng do đại dịch Covid-19.

Nhóm người bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch Covid-19 ở Thái Lan bao gồm nhân viên du lịch, người làm nghề mại dâm và lao động nhập cư. Nguồn thu từ du khách nước ngoài (đóng góp 12% cho tổng sản phẩm nội địa của Thái Lan) đã hoàn toàn bị cắt đứt sau khi các nước đình chỉ các chuyến bay quốc tế nhằm ngăn ngừa dịch lây lan.

Căn nguyên từ trước khi đại dịch Covid-19

CNA dẫn lời Varoth Chotpitayasunondh, phát ngôn viên của Bộ Y tế Thái Lan về sức khỏe tinh thần cộng đồng, cho biết số người tự tử tăng lên khoảng 20% đến 25% so với trước đó, tương tự như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra năm 1997.

Ngay cả trước khi virus SARS-CoV-2 gây khó khăn kinh tế, Thái Lan đã có tỷ lệ người tự tử cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2019, tỷ lệ tự tử trong một năm tại Thái Lan là 14,4% trên 100.000 người, trong khi con số toàn cầu là 10,5% trên 100.000 người.

Để so sánh, WHO ghi nhận tỷ lệ tự tử ở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), con số rơi vào tầm 3,2% (Philippines) đến 11,2% (Singapore) trên 100.000 người.

Theo phó giáo sư Anotnio L. Rappa thuộc Đại học Khoa học-Xã hội Singapore – người có kinh nghiệm nghiên cứu văn hóa, lịch sử và chính trị Thái Lan 20 năm qua – các nguyên nhân về kinh tế và văn hóa ăn rễ sâu trong xã hội đã khiến tỷ lệ tự tử ở Thái Lan cao hơn các nơi khác. Ngoài các yếu tố về kinh tế, ông Rappa cho hay lịch sử trở thành chiến binh lâu dài của người Thái đã làm cho họ suy nghĩ họ có thể sẵn sàng cho cái chết.

Ý thức được điều này, Chính phủ Thái đã có nhiều nỗ lực đối phó. Tuy nhiên, trong suốt đại dịch Covid-19, các đường dây nóng tư vấn các trường hợp tự tử thường xuyên bị quá tải. Ông Varoth thừa nhận ngay cả khi gọi đến Cơ quan Sức khỏe tinh thần của Thái Lan, phải mất trung bình từ 10 đến 12 phút mới có người trả lời. Mặc dù vậy, ông vẫn cho rằng Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ tốt đối với người gặp vấn đề sức khỏe tinh thần, chẳng hạn tăng độ bao phủ của bảo hiểm y tế.

Amornthep “Sanju” Sachamuneewongse, một người đàn ông Thái 30 tuổi, đã từng tự tử không thành nay trở thành một nhà hoạt động ủng hộ chương trình sức khỏe tinh thần ở Thái Lan, chỉ ra những lỗ hổng trong vấn đề này ở xứ sở nụ cười, chẳng hạn như chuyện thiếu hụt nhân viên y tế sức khỏe tinh thần, tình trạng phải chờ đợi quá lâu ở bệnh viện công và giá các bệnh viện tư quá cao.

Cách đây năm năm, Sanju bị ảo giác và gặp các triệu chứng do trầm cảm, tâm thần phân liệt. Phải mất một năm người ta mới có thể chẩn đoán đúng bệnh cho anh.

Điệu nhảy hip hop và các cuộc trò chuyện qua mạng

Theo CNA, các chuyên gia y tế chuyên về sức khỏe tinh thần và các nhà hoạt động xã hội tại Thái Lan đang nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn lực để giải quyết vấn đề tỷ lệ tự tử cao ở nước này, nhất là trong đại dịch.

Ông Varoth cũng thừa nhận cần tăng cường nhận thức về vấn đề sức khỏe tinh thần và tăng cường nguồn lực. Theo ông, chính quyền Thái Lan đang hợp tác với nhiều nhóm phi lợi nhuận, các công ty công nghệ và cả ngành công nghiệp giải trí để giảm nhẹ tình trạng này.

Khi các bước ngăn ngừa làn sóng Covid-19 bắt đầu, quan chức có trách nhiệm dự định thu gom nhóm người vô gia cư do đây là nhóm người có thể bị rối loạn tâm lý và có nguy cơ tự tử cao. Theo kế hoạch dự kiến, họ sẽ được đưa vào các địa điểm cư trú tạm thời.

Tuy nhiên, nhân viên xã hội Adchara Saravari, thuộc Tổ chức Issarachon giúp đỡ nhóm người vô gia cư, cho biết: “Chúng tôi nói với họ [chính phủ] là hãy để người vô gia cư ở yên nơi họ đang ở. Đừng áp đặt giới nghiêm đối với họ. Hãy để họ ngủ yên ở chỗ họ. Như vậy là đủ để ngăn dịch lây lan rồi!”

Bà Saravari cho biết thêm đây là sự hợp tác giữa các tổ chức cộng đồng tư nhân và Chính phủ Thái nhằm giúp đỡ những người vô gia cư.

Tuy nhiên, các rào chắn vẫn tồn tại. Theo bà Saravari, người vô gia cư thường không mang theo giấy tờ chứng minh nhân thân, khiến việc xác định thông tin và giúp họ có đủ tiêu chuẩn để điều trị ở cơ sở nhà nước gặp nhiều khó khăn. Bà Saravari cũng cho biết thêm không nên đổ lỗi cho người nghèo và chính quyền cần chịu trách nhiệm hỗ trợ nhóm người này.

Để tiếp cận các đối tượng rộng hơn, Chính phủ Thái đã lập một đội đặc nhiệm được gọi là “Đội đặc nhiệm Hy Vọng”. Các thành viên của đội này dùng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok và The Line giao tiếp với nhóm người Thái dễ bị tổn thương.

Các nền tảng mạng xã hội cung cấp nhiều kênh để tình nguyện viên và chuyên gia sức khỏe tinh thần tìm ra được nguồn lực giúp đỡ người nghèo khó khăn về tâm thần hiệu quả hơn. Ví dụ như, qua mạng họ sẽ giao tiếp với nhiều người cùng một lúc hơn thay vì chỉ giao tiếp với từng người một.

Cơ quan y tế chuyên về chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng tạo ra ứng dụng kiểm tra sức khỏe tinh thần. Nhờ đó, người sử dụng có thể nhận được trả lời cho các câu hỏi về chủ đề mình đã chọn, bao gồm tình trạng kiệt lực, mức độ căng thẳng và trầm cảm.

Bản thân Sanju cũng đã tạo ra ứng dụng trên điện thoại di động nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực trong hệ thống y tế chuyên về chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đường dây nóng Sati của anh có thể giúp người gặp vấn đề sức khỏe tinh thần giao tiếp với nhóm người được huấn luyện để chuyên lắng nghe các vấn đề của người khác.

Năm qua, Chính phủ Thái đã hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và trang web có nền tảng âm nhạc Joox nhằm tiếp xúc tốt hơn với nhóm người trẻ tuổi. Đây là một kế hoạch nằm trong chiến dịch “Âm thanh hạnh phúc” đang diễn ra, trong đó chuyển tải nhiều podcast, bài hát và các nhân vật Thái nổi tiếng nói chuyện về sức khỏe tinh thần.

Một trong các bài hát trong chiến dịch là ca khúc Nai Lao (tạm dịch, “Hãy nói chuyện cùng nhau”). Ca khúc này – do ca sĩ hát rap người Thái Autta và nhóm nhạc Blacksheep & Milli thuộc hãng thu âm YUPP! trình bày – đã trở nên phổ biến trong nhóm người trẻ tuổi Thái Lan nhằm gây hiệu ứng tích cực.

Nhà sản xuất nhạc và người sáng lập Sakkapit Makun giải thích cách chơi chữ của tựa đề bài hát nói trên như sau: “Khi nói về ca khúc, chúng tôi vừa nghĩ ra dòng chữ này. Bài hát có ca từ phát âm giống nhau, nhưng nghĩa lại khác hoàn toàn. Nghe có vẻ đơn giản và lời bài hát rất hồn nhiên vì vậy chúng tôi có thể dùng ca khúc này để giao tiếp với bạn bè mình. Đó là vì sao bài hát mang tên Nai Lao”.

Ông Varoth khẳng định tình trạng tự tử và sức khỏe tinh thần là vấn đề ở Thái Lan cần được mọi người góp sức giải quyết. Ông nhấn mạnh: “Hiện tại, chúng ta thiếu nguồn nhân lực do Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta có thể giải quyết vấn đề này bằng cách kêu gọi nhiều phía cùng tham gia, nói chuyện với nhiều người, hợp tác với các tổ chức quan tâm đến sức khỏe tinh thần để giúp mọi người Thái đến với nhau”.

***

Thái Lan có nhiều điều tương tự như Việt Nam. Một số kinh nghiệm của họ cũng có thể được áp dụng ở Việt Nam, đặc biệt là sự gắn kết giữa doanh nghiệp, Nhà nước và các mạnh thường quân khác trong cộng đồng nhằm giúp đỡ đồng bào khó khăn trong đại dịch. Nhằm góp một tay vào nỗ lực chung này, nhóm Kinh tế Sài Gòn sẽ tiếp tục chương trình The Saigon Times – Nối vòng tay lớn với chủ đề “Đồng lòng chống dịch”, bắt đầu từ ngày 2-6.

Chương trình sẽ nhận hiện vật, hiện kim từ các tổ chức, cá nhân và sau đó trao tặng lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác.

Kinh tế Sài Gòn rất mong nhận được sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm cũng như đóng góp các sáng kiến quý báu từ bạn đọc để chương trình này thêm hiệu quả, giúp đỡ được nhiều đồng bào đang khốn khó.

Andy Huỳnh Vũ

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

‘Saigon Times – Nối vòng tay lớn’ trao quà tết cho...

0
(SGTT) – Sáng 17-1, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp đã với Hội Nhà báo TPHCM và UBND thành phố Dĩ An,...

Hơn 130 người tham gia hiến máu nhân kỷ niệm thành...

0
(SGTT) - Sáng nay, ngày 8-10, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Trung tâm hiến máu nhân đạo TPHCM và Hội...

‘Saigon Times – Nối vòng tay lớn’ góp mùa Trung thu...

0
(SGTT) - Sáng ngày 27-9, với mong muốn góp phần tạo nên một mùa “Trung thu đong đầy” cho các em nhỏ tại Trung...

Saigon Times – Nối vòng tay lớn: mang Trung thu đến...

0
(SGTT) - Ngày 27-9 tới, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cùng Quỹ Nụ Cười Thiên Thần (Angel Smile) thuộc Câu lạc bộ Doanh...

Saigon Times Group cùng Agribank tiếp sức học sinh đến trường

0
Ngày 19-11, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) cùng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thông qua...

Sau ca đậu mùa khỉ đầu tiên, HCDC cảnh báo nguy...

0
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), sau khi phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM,...

Kết nối