BAN CAO -
Ngành giáo dục đang đứng trước một nghịch lý vừa thừa lại vừa thiếu giáo viên. Trong khi cả ngàn giáo viên từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông tốt nghiệp không tìm được chỗ dạy thì bậc mầm non lại thiếu nhân lực trầm trọng. Vấn đề quan trọng không kém nữa là chất lượng giáo viên trước xu hướng hội nhập.
Chạy theo người học
Thiếu kết nối giữa nhu cầu sử dụng và đào tạo cùng hoạt động dự báo nhân lực ngành dẫn đến tình trạng thừa giáo viên. Ảnh minh họa: Thành Hoa
Tại buổi hội thảo tổ chức ở Hà Nội ngày 17-5 vừa qua và được báo chí tường thuật lại, PGS. Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Đô, cung cấp một thông tin đáng chú ý. Đó là dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ dư thừa 70.000 giáo viên, trong đó có khoảng 41.000 giáo viên tiểu học, 12.200 giáo viên trung học cơ sở và 16.900 giáo viên trung học phổ thông.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho rằng tình trạng dư thừa giáo viên một phần là do hệ thống đào tạo giáo viên phát triển quá nhanh, không xuất phát từ nhu cầu xã hội. “Việc đào tạo giáo viên hiện nay chỉ chạy theo nguyện vọng của người học, chứ chưa xét đến nhu cầu của người sử dụng lao động”, ông Sơn nhận định.
Còn PGS.TS. Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết cả nước có khoảng 10 cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc Bộ GD&ĐT. Chỉ tiêu mà bộ giao cho các trường này khoảng trên dưới 20.000 sinh viên/năm. Nếu khoảng 80% số sinh viên có thể tốt nghiệp thì mỗi năm có khoảng 16.000 sinh viên sư phạm của các trường trên tốt nghiệp.
Ông Hồng dẫn số liệu thống kê từ niên giám năm 2014, cho biết cả nước có hơn 857.000 giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy (không tính bậc mầm non), và mỗi năm số giáo viên đến tuổi nghỉ hưu trên cả nước vào khoảng 30.000 người. Như vậy, các trường sư phạm trực thuộc bộ chỉ đáp ứng được khoảng 50% số cần thay thế.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, hiện nay có quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên tại các địa phương, khoảng 100 đơn vị. Những trường do địa phương quản lý có thể đã đào tạo đủ giáo viên cho địa phương mình, nên sinh viên ở các trường kể trên khó xin được việc làm. Theo ông Hồng, sinh viên sư phạm đa số tập trung tại đô thị, dẫn đến tình trạng thừa giáo viên ở đô thị nhưng thiếu giáo viên tại nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Tình trạng thừa giáo viên xảy ra ở hầu hết các cấp bậc, nhưng riêng bậc mầm non thì lại không đủ chỉ tiêu giáo viên theo quy định. Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết hiện nay toàn quốc đang thiếu khoảng 50.000 giáo viên mầm non.
Trong cuộc họp với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại TPHCM đầu tháng 6, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết ngành mầm non vẫn chưa thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu xã hội. Nhu cầu giữ trẻ của người dân thành phố rất cao, đặc biệt là con công nhân lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp phải gửi con ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ. Ngoài ra, nhiều trường cũng đang trong tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy tiếng Anh cấp tiểu học, giáo viên giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.
Nâng cao chất lượng
Nói về chất lượng giáo viên, ông Sơn của Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng công tác bồi dưỡng giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên chưa đạt yêu cầu để có thể tiếp cận các nguồn tư liệu quốc tế.
Ông Sơn của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực thì cho rằng chất lượng giáo viên phải được xét trên ba yếu tố: kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ. Trong đó, cũng phải xét đến thành quả lao động của giáo viên, nghĩa là học sinh mà giáo viên đó đào tạo. Chất lượng học sinh, sinh viên sau khi ra trường ra sao, có đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của xã hội hay không, từ đó mới đánh giá được chất lượng giáo viên.
Còn ông Hồng cho rằng chất lượng giáo viên được xác định bằng chất lượng đầu vào và quá trình đào tạo. Về đầu vào, một số ngành có điểm đầu vào thấp hơn cách đây 10 năm. Hiện chỉ còn một số ngành vẫn giữ được điểm tuyển đầu vào thuộc tốp đầu các trường đại học như toán, hóa, vật lý, tiếng Anh, tiếng Việt và văn học. Theo ông Hồng, điểm yếu của sinh viên sư phạm hiện nay là năng lực ngoại ngữ. Nếu sinh viên có năng lực tốt về ngoại ngữ sẽ giải quyết được phần lớn bài toán chất lượng giáo dục cả phổ thông và đại học.
Dự báo nhân lực
Ông Hồng cho biết, trong năm học 2015-2016, trường Đại học Sư phạm TPHCM tuyển được 1.880 sinh viên, năm nay dự kiến tuyển 1.730 sinh viên. Trong ba năm qua, trường phải cắt giảm 10% chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm theo chỉ đạo của bộ. Tuy vậy, việc cắt giảm chỉ tiêu thôi chưa đủ, vấn đề là hiện nay chưa có kết nối giữa nhu cầu của nơi sử dụng giáo viên và nơi đào tạo. “Phải thống kê được số lượng giáo viên cần cho tỉnh, cho vùng, cho cả nước. Đồng thời phải quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo giáo viên, trường nào đào tạo không tốt nên mạnh dạn cắt giảm nhiều chỉ tiêu”, ông Hồng nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho rằng cần phải có thống kê cụ thể về nhu cầu tuyển dụng thực tế giáo viên của từng ngành và bậc học của các địa phương. Từ đó, bộ sẽ có cơ sở để phân bổ chỉ tiêu đào tạo phù hợp cho các trường. Trước mắt cần giảm bớt chỉ tiêu ở những bậc dư thừa và tăng chỉ tiêu ở bậc thiếu, chẳng hạn như ngành mầm non.
Tuy nhiên, việc tăng chỉ tiêu ở những ngành thiếu, theo ông Tuấn, cũng phải hết sức thận trọng. “Cứ thấy thiếu là đổ xô mở ngành, đổ xô theo học mà không có kế hoạch và tầm nhìn dài hạn thì tiếp tục dẫn đến khủng hoảng dư thừa”, ông Tuấn cảnh báo.
Trong buổi làm việc với trường Đại học Sư phạm TPHCM đầu tháng 6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ chỉ đạo rà soát, quy hoạch lại các trường để nâng cao chất lượng giáo viên, đảm bảo sinh viên sư phạm ra trường có việc làm. Cụ thể, sắp tới chỉ còn 8-9 cơ sở đào tạo sư phạm lớn, các cơ sở còn lại sẽ là phân hiệu.