(SGTT) - Cách TPHCM khoảng 170km về phía Tây Nam, Hồng Ngự là thành phố biên giới thuộc tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây còn được biết đến với danh xưng "thủ phủ cá tra" của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Đồng Tháp phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng nông nghiệp
- Độc lạ “hoa anh đào” nở rộ tại Đồng Tháp
- Đồng Tháp xin nhận hai con sếu đầu đỏ từ Lào về Tràm Chim
Hồng Ngự là một trong năm thành phố biên giới của nước ta, bên cạnh TP Móng Cái (Quảng Ninh), TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) và TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).
Thành phố mới Hồng Ngự là thành phố thứ ba của tỉnh Đồng Tháp. Trước đó, Đồng Tháp có hai thành phố là Cao Lãnh và Sa Đéc.
Theo nội dung bia kỷ niệm đặt tại biểu tượng cá tra Việt Nam ở Hồng Ngự, người dân vùng đất này bắt đầu thuần dưỡng cá tra từ sông Cửu Long vào khoảng những năm 1960, rồi bán khắp miền Tây.
Về sau, cá tra trở thành hàng xuất khẩu đến hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đó cũng là lý do Hồng Ngự được biết đến là thủ phủ, cái nôi của nghề nuôi cá tra ở Việt Nam.
Ngày nay, khi ghé thăm thành phố này, du khách sẽ thấy một tượng đài hình tròn với ba bức tượng cá tra cùng dòng chữ “Hồng Ngự thủ phủ cá tra” trước mặt tiền chợ Hồng Ngự.
Công trình khánh thành năm 2017, đúng dịp kỷ niệm 200 năm vùng đất Hồng Ngự, gồm các hạng mục như ba con cá tra, mỗi con dài 3,9 m, đài phun nước, đèn nghệ thuật, bia tiểu sử cá tra Việt Nam...
Một điểm nhấn khác của thành phố này đó chính là cầu Rồng. Nếu du khách đã quen với cầu Rồng tại TP Đà Nẵng, thì ở Hồng Ngự cũng có một cây cầu “phiên bản” uy nghi bề thế không kém.
Cầu bắc qua sông Sở Thượng nên có tên gọi chính thức là cầu Sở Thượng hay còn được bà con địa phượng gọi là cầu Rồng.
Nhật Tân